14/08/2014 08:12 GMT+7

​Giải cứu đại học tư thục

NGUYỄN VẠN PHÚ
NGUYỄN VẠN PHÚ

TT - Khi đặt vấn đề “giải cứu đại học tư thục”, câu hỏi nổi lên ngay là đang có chuyện gì xảy ra với loại hình trường này mà phải giải cứu?

Từ vụ lùm xùm ở Đại học Hoa Sen đặt ra nhiều vấn đề cần được “giải cứu”. Trong ảnh: các cổ đông bỏ phiếu bầu HĐQT mới tại đại hội cổ đông bất thường của Trường đại học Hoa Sen ngày 2-8 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Từ vụ lùm xùm ở Đại học Hoa Sen đặt ra nhiều vấn đề cần được “giải cứu”. Trong ảnh: các cổ đông bỏ phiếu bầu HĐQT mới tại đại hội cổ đông bất thường của Trường đại học Hoa Sen ngày 2-8 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Tùy theo góc nhìn mà nổi lên vấn đề gì đối với các đại học tư thục. Ví dụ với chủ đầu tư đã bỏ ra khá nhiều tiền thì việc không tuyển sinh được, rồi những quy định ngặt nghèo hơn về tài chính là chuyện họ phải đương đầu.

Với những nhà giáo tâm huyết hướng tới một nền giáo dục không vì lợi nhuận, vấn đề lại là sự thao túng của giới có tiền, muốn biến môi trường giáo dục thành thị trường để kinh doanh.

Mơ hồ giáo dục phi lợi nhuận

Một chuyên gia tài chính nói nửa đùa nửa thật: giả sử có những người thật sự muốn làm giáo dục phi lợi nhuận, cơ hội để nắm trong tay một đại học tư thục bề thế, có sẵn 10.000 sinh viên là nằm trong tầm tay.

Ý anh muốn nói đến câu chuyện lình xình ở Đại học Hoa Sen, nơi xảy ra tranh chấp giữa một nhóm đầu tư và ban lãnh đạo cũ của nhà trường.

Tuy nhiên Hoa Sen là một trường hợp đặc biệt. Đành gác nó sang một bên.

Hai góc nhìn về 25%

Nhìn ở góc độ chủ đầu tư thì nghị định 141/2013, trong đó quy định đại học tư thục phải trích ít nhất 25% lợi nhuận làm tài sản tích lũy (là loại tài sản thuộc sở hữu chung không phân chia), là một điều khó nuốt, chẳng khác gì áp một sắc thuế đến 25% lên lợi nhuận sau thuế!

Còn nhìn ở góc độ những người tâm huyết gắn bó với một trường đại học, mong muốn VN dần dần có những đại học tư thục lớn nằm trong tay một hội đồng giáo dục không vụ lợi thì quy định này là khởi đầu.

Cứ thử nghĩ mà xem, mỗi năm tích lũy 25%, chỉ cần sau 10 hay 20 năm số tài sản tích lũy này ắt sẽ lớn hơn vốn chủ sở hữu nhiều.

Vấn đề là bây giờ làm thế nào để biến tài sản tích lũy ấy thành cổ phần mà đại diện sở hữu là hội đồng nhà trường, hay đại diện của cộng đồng hoặc một hình thức nào đó miễn sao cổ phần đó thuộc sở hữu chung, được cộng đồng giám sát.

Con đường làm giáo dục phi lợi nhuận ở VN hiện nay còn rất mơ hồ, khó lòng phát triển. Người giàu hàng chục ngàn tỉ đồng rất ít, người có ít tiền vừa muốn làm giáo dục vừa nghĩ đến chuyện mưu sinh là số đông.

Số đông này ắt chưa sẵn sàng với những ràng buộc của cơ chế phi lợi nhuận như không chia cổ tức (hay chỉ chia bằng mức lãi suất trái phiếu chính phủ), lợi nhuận là tài sản chung không phân chia (tức không bao giờ có chuyện thu hồi vốn đã bỏ ra)...

Điều chúng ta muốn hướng đến là làm sao để các trường đại học tư thục bình thường (tức không đăng ký hoạt động không vì lợi nhuận) vẫn phát triển được mà không xảy ra chuyện chủ trường lấn lướt nhà giáo, không để xảy ra tình trạng “thương mại hóa” môi trường giáo dục, không đẻ ra các “nhà máy sản xuất bằng cấp” từng thấy ở nhiều nước.

Quy định đã có, nhưng...

Báo chí thường nói đến cơ chế luật lệ phức tạp dành cho giáo dục đại học. Nhưng phải nhớ đây là một quá trình chuyển biến và hệ thống luật pháp này ngày càng được hoàn thiện theo đúng mức độ phát triển của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng.

Lấy ví dụ nghị định 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học đã có những cơ sở ban đầu có thể áp dụng để giải cứu đại học tư thục.

Một trong những nội dung rất quan trọng của nghị định này là yêu cầu đại học tư thục phải trích ít nhất 25% lợi nhuận làm tài sản tích lũy, đây là loại tài sản thuộc sở hữu chung không phân chia.

Nghị định hiện nay chỉ nói chung chung là tài sản chung không phân chia này chỉ được sử dụng vào hoạt động giáo dục...

Đây là khe hở để chủ trường lách quy định 25% này bằng nhiều con đường khác nhau như thành lập thêm công ty bên trong trường đại học để hưởng lợi thế từ tài sản chung không phân chia này.

Đối với các trường như Hoa Sen hay các đại học dân lập có tài sản chung của tập thể hay tài sản của Nhà nước giao trước đây, nghị định 141 cũng quy định khá chặt chẽ.

“Tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia” còn bao gồm tài sản do Nhà nước đầu tư, cấp phát, giao quyền sử dụng và quan trọng nhất là tài sản được chuyển giao từ cơ sở giáo dục đại học dân lập.

Nếu chiếu theo quy định này thì khu đất ở đường Nguyễn Văn Tráng hay khu đất tại Công viên phần mềm Quang Trung của Đại học Hoa Sen đâu thuộc quyền sở hữu riêng của nhà đầu tư.

Vấn đề ở đây cũng vậy: quy định thì có nhưng biến nó thành một cơ chế để phát huy tác dụng thì chưa. Cứ nói đây là tài sản chung, không phân chia nhưng nhà đầu tư được quyền sử dụng vào mục đích thương mại của họ thì Nhà nước cũng không thể can thiệp được.

Nên cụ thể hóa nó thành tài sản của cổ đông là đại diện cho tập thể giảng viên, nhân viên nhà trường, hay của cộng đồng hoặc của hội đồng giáo dục gì đó, miễn sao đây là những nhóm người vô vụ lợi có vai trò đối trọng với nhà đầu tư luôn phải tìm kiếm lợi nhuận.

Nếu xây dựng được cơ chế này, lúc đó cứ để bất kỳ ai hội đủ điều kiện muốn mở trường đều được cấp phép, từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh thì giáo dục đại học tư thục mới có đường phát triển lâu bền.

Và lúc đó cũng chẳng còn ai quan trọng hóa câu chuyện mâu thuẫn giữa “phi lợi nhuận” và “vì lợi nhuận” nữa.

Chuyện Đại học Hoa Sen

Bỏ qua các tình tiết tranh chấp phức tạp, nổi lên trong câu chuyện Đại học Hoa Sen là vốn đầu tư của chủ sở hữu tại trường này vào thời điểm tháng 9-2013 chỉ vào khoảng 72 tỉ đồng.

Nếu tính theo giá thị trường (x1,6 hay x2) thì chỉ cần bỏ ra 6-7 triệu USD (ngay cả gấp đôi giá đó) là có trong tay một trường đại học với hai cơ sở chính rộng lần lượt 1.500m2 và 9.600m2.

Giả sử một người thuộc loại giàu nhất ở VN với tài sản hàng chục ngàn tỉ đồng, bỏ ra chừng đó để làm một trường đại học phi lợi nhuận đúng nghĩa chỉ nhằm để lại cái gì đó cho cuộc đời thôi là một chuyện hoàn toàn khả thi.

NGUYỄN VẠN PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên