Phóng to |
Đông đảo sinh viên trúng tuyển vào hệ tại chức Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đến làm thủ tục nhập học tại trường (ảnh chụp ngày 4-1-2007) |
* Vừa qua có đến cả trăm hồ sơ xin mở ĐH tư thục. Nghĩa là tiềm lực “xã hội hóa” còn rất lớn. Nhưng việc “xin được phép” (trong bối cảnh dịch vụ GDĐH còn có tính chất độc quyền vì “cung” trong GDĐH chỉ khoảng 30% của “cầu”) là rất khó khăn, có khi kéo dài đến 5-6 năm. Có phải đây là nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của ĐH tư thục, thưa GS?
- Câu hỏi này nên dành cho các cơ quan chức năng.
Qua hội nghị các ĐH - CĐ ngoài công lập ngày 31-1-2007: “Cơ sở phòng ốc, thiết bị giảng dạy học tập thiếu thốn đang ở mức đáng báo động”, tỉ lệ SV trên thầy giáo bình quân lên đến 43/1, có trường chỉ có 40-50 giáo viên, nhiều trường “mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng”. Khi bộ đề nghị báo cáo tài chính thì chỉ có 14/45 trường nộp báo cáo. |
- ĐH VN đang chuyển qua nền GD cho số đông, số SV trong thanh niên ở độ tuổi đã gần 15%. Trong bối cảnh đó, song song với việc người học phải nộp học phí để “chia sẻ chi phí” với Nhà nước ở ĐH công lập, việc mở rộng ĐH - CĐ ngoài công lập là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, tôi cho rằng chính sách tài chính đối với ĐH ngoài công lập đang còn là một “mảng mờ”, dễ bị lợi dụng. Nhiều trường có mức lợi nhuận 25-30%, nhưng hội đồng quản trị vẫn nói “Chúng tôi không vì lợi nhuận”. Có lẽ chính điều này, một mặt làm Nhà nước phân vân trong việc cấp phép mở trường, có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế khóa; mặt khác làm giảm sút chất lượng đào tạo ở các ĐH - CĐ ngoài công lập.
* GS có thể nói rõ hơn bản chất của cái “mảng mờ”?
- GDĐH là loại dịch vụ có chất lượng rất khó đánh giá và đặc biệt, “thông tin bất đối xứng”. Nghĩa là, trong thị trường này rất bất bình đẳng về thông tin giữa người bán (trường ĐH) và người mua (người học), người mua được biết rất ít là họ đang mua cái gì và thường có nguy cơ nhận được một chất lượng dịch vụ thấp hơn cái giá họ phải trả và họ kỳ vọng.
Thị trường có “thông tin bất đối xứng” là thị trường khó mà ký kết được hợp đồng giữa người bán và người mua, chỉ là “thị trường của niềm tin” hay là sự phó mặc cho vận may (trust market - như các trung tâm, bệnh viện chăm sóc người già, trẻ em, GD...). Hơn nữa, với GDĐH, việc mua thường chỉ là một lần duy nhất trong một đời người. Với những thị trường như vậy, dịch vụ thường phải được cung cấp bởi những cơ sở “bất vụ lợi” hay “không vì lợi nhuận”.
“Không vì lợi nhuận” không có nghĩa là không có lợi nhuận và không có nghĩa là giá bán phải thấp hơn chi phí. Nhưng nguyên tắc của loại tổ chức này là: không có ai là chủ sở hữu, nó sở hữu chính nó (a nonprofit has no owners-it owns itself), và không được chia lợi nhuận cho ai cả (“non-distributionconstraint”). Ở các nước, tổ chức không vì lợi nhuận vẫn phải đăng ký và báo cáo tài chính cho cơ quan thuế để chứng minh là “bất vụ lợi”... Khi phát triển ĐH - CĐ ngoài công lập, có lẽ chúng ta chưa chú ý đến những đặc trưng này của dịch vụ GDĐH nên đã tạo ra cái “mảng mờ” nói trên.
* Nhưng thưa GS, các trường ĐH - CĐ ngoài công lập ở VN về bản chất đều là tư thục?
- Ở các nước người ta hiểu “tư” là “không thuộc Nhà nước” chứ không nhất thiết phải là sở hữu của một cá nhân hay một nhóm cá nhân nào đó. Ở Mỹ (2006), có 77% SV ở các ĐH công lập, 23% SV ở các ĐH tư thục. Trong 23% này, chỉ có 1,8% SV là ở ĐH vì lợi nhuận có chủ sở hữu, còn lại trên 21% là ở ĐH tư thục không vì lợi nhuận, thường có chất lượng cao. Tài sản của các trường này không thuộc sở hữu nhà nước mà cũng không thuộc một cá nhân nào. Nó sở hữu chính nó.
Vì vậy, còn được gọi là ĐH độc lập. Hầu hết các trường này có quĩ cho tặng, gọi là endowment, rất lớn. Nhà nước miễn thuế, cộng đồng cho tặng, là cho tặng tổ chức “bất vụ lợi”, chứ không ai lại tặng cho một tổ chức để tổ chức đó kinh doanh rồi lại đem lợi nhuận ra phân chia cho các cổ đông (!).
* Ở VN, khó có thể có ĐH tư thục không vì lợi nhuận?
Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18-4-2005 về xã hội hóa..., cũng như nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2-11-2005 về đổi mới GDĐH của Chính phủ đã nêu chỉ tiêu là có khoảng 40% SV ở ĐH-CĐ ngoài công lập vào năm 2010. Năm 2006 chúng ta có gần 1,37 triệu SV, trong đó có 160.500 SV ở ĐH-CĐ ngoài công lập, chiếm khoảng 12%. Với tốc độ tăng SV khoảng 10% hiện nay, đến năm 2010 chúng ta sẽ có gần 2 triệu SV. Nghĩa là, nếu đạt chỉ tiêu, khi đó phải có khoảng 800.000 SV ở ĐH-CĐ ngoài công lập. Để có thêm được trên 600.000 chỗ học mới ở khu vực này rõ ràng là rất khó khăn. |
Thứ nhất, phát triển loại ĐH tư thục “vì - lợi - nhuận - một - phần” (semi-for-profit) hoặc có “mức lợi nhuận thích hợp” (Trung Quốc). Ví dụ, Nhà nước khống chế trần lợi nhuận ở các ĐH này ở mức 150% lãi suất ngân hàng chẳng hạn, còn phần lợi nhuận cao hơn trở thành tài sản chung của trường đó (các cơ sở ĐH tư thục ở Philippines thường chỉ có suất thu lợi 8-12%/năm). Về cơ chế, cơ sở ĐH này có thể có dạng cổ phần đa sở hữu: tư nhân, Nhà nước và cả sở hữu của chính nó.
Thứ hai, Nhà nước tài trợ khá lớn cho trường ĐH tư thục nhưng lại giao cho các ĐH công lập liên kết hoặc chính Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ (số SV được tuyển, mở chương trình mới, lương thầy giáo... như ở Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc...).
Thứ ba, Nhà nước lập những ĐH tư, độc lập, bất vụ lợi với phần lớn kinh phí ban đầu và chi phí vận hành từ ngân sách nhà nước nhưng lại giao cho “tư nhân” (hội đồng quản trị) vận hành (publicy-fund, privately-run), như SMU ở Singapore, IUB ở Đức...
Tất nhiên, ở nhiều nước vẫn có cơ sở GDĐH tư thục vì lợi nhuận, kể cả các cơ sở trong công ty lớn hoặc do một gia đình sở hữu. Nhưng các cơ sở này thường chỉ chiếm một tỉ lệ SV thấp và chú trọng vào phần dạy nghề, GD cho người lớn tuổi..., thuộc khu vực “không là ĐH” (non-university sector) hoặc ĐH không có nghiên cứu (non-research universities).
* Thế thì có nên “cổ phần hóa” các ĐH công lập truyền thống ở VN không? Vừa qua, trong lĩnh vực y tế có người còn nói: “Cổ phần hóa bệnh viện, người nghèo có lợi”?
- Nghị quyết 05 về xã hội hóa có nêu hai mục tiêu lớn là để phát huy tiềm năng của xã hội và để toàn xã hội, đặc biệt là người nghèo, được hưởng thành quả của GD. Vì vậy, xã hội hóa GD phải là một tổng thể các chính sách. Về mặt huy động tiềm năng của xã hội, trong tương lai hệ thống GDĐH VN sẽ có khoảng 40% là SV từ các trường tư thục, ở đây nguồn đầu tư chủ yếu là từ xã hội. Với 60% SV còn lại ở các ĐH công lập truyền thống, thiết nghĩ, có thể thực hiện mục tiêu này thông qua việc thiết kế bài toán “chia sẻ chi phí” giữa Nhà nước và người học, tăng phần đóng góp của người học.
Khi đó các ĐH truyền thống này vẫn là “bất vụ lợi” để đào tạo chất lượng cao, đào tạo các ngành nghề không “hấp dẫn” các ĐH tư thục, đào tạo có “định hướng nghiên cứu”... Và đó cũng là cơ sở để huy động thêm sự đóng góp của cộng đồng. Có thể cho rằng 60% SV ở các trường ĐH truyền thống này sẽ là nền móng của một “thị trường của niềm tin” như đã nói ở trên.
Còn khi đã cổ phần hóa thì cổ đông phải được chia lợi nhuận, không thể có chuyện “cơ sở cổ phần”, “gắn kết với thị trường chứng khoán”... mà lại “phi lợi nhuận” như một số người vẫn nói. Triết lý nói chung của kinh doanh là “cực đại lợi nhuận”. Tất nhiên vẫn có thể “cổ phần hóa” vài ba cơ sở ĐH - CĐ công lập nhỏ, yếu về quản lý, chất lượng, tài chính... như ở Trung Quốc.
Còn để giải quyết bài toán công bằng xã hội, để “người nghèo được hưởng thành quả của GD”, thiết nghĩ trong GDĐH sẽ có quĩ cho SV nghèo vay vốn, cả SV ở ĐH - CĐ ngoài công lập, với lãi suất thấp và trả trong 10-20 năm, sau khi tốt nghiệp, có việc làm với mức lương tương đối khá. Nghĩa là chuyển sự chi trả của họ sang tương lai, khi họ đã có khả năng chi trả. Còn với y tế, tôi chưa rõ lắm, nhưng chắc khó mà có chuyện “cổ phần hóa, người nghèo có lợi”.
* Được biết, gần đây ở Nhật, Malaysia... người ta cũng thực hiện chính sách “doanh nghiệp hóa” một số ĐH quốc gia?
- Trong bối cảnh toàn cầu hóa, dịch vụ GDĐH là một hàng hóa, nhiều thuật ngữ trong GDĐH phải vay mượn từ kinh tế cơ chế thị trường nên nhiều khi bị nhầm lẫn về nội dung. “Doanh nghiệp hóa” hay “tập đoàn hóa” (incorporation) ở đây chỉ có nghĩa các ĐH được vận hành như một ĐH tư thục độc lập, thầy giáo không còn là công chức nhà nước, hệ thống kế toán giống như ở một công ty... nhưng vẫn là “không vì lợi nhuận”, không có ai có cổ phần ở đây cả.
Thuật ngữ “tư nhân hóa” (privatization) vẫn được dùng trong GDĐH ở nhiều nước, nhưng nội dung rộng hơn nhiều và thường không phải là “cổ phần hóa”. Thuật ngữ “dịch vụ” cũng vậy. Dịch vụ là để chỉ một loại hình hoạt động, để phân loại hàng hóa vật phẩm và hàng hóa dịch vụ, chứ không có nghĩa là thứ phải được đem ra mua bán sòng phẳng theo “giá thị trường”. Hải đăng là loại dịch vụ mà Nhà nước vẫn luôn cung cấp hoàn toàn miễn phí cho người dân.
* Tóm lại, GS cho rằng ĐH tư thục ở VN chủ yếu nên là “vì - lợi - nhuận - một - phần”?
- Tôi mong như vậy. Cơ chế này vừa có thể huy động được tiềm lực của toàn xã hội, vừa giữ được một phần “thị trường của niềm tin” đối với dịch vụ GDĐH. Và trên tổng thể cần khẳng định rằng không có một chính sách cung cấp tài chính hợp lý, minh bạch... cho GDĐH, thì khó hi vọng có được một nguồn nhân lực đáp ứng được sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận