Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Antony Blinken dự kiến tới Israel vào ngày 12-10 để gặp các quan chức cấp cao của Israel và gửi "thông điệp đoàn kết, ủng hộ" tới Nhà nước Do Thái. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Mỹ răn đe, binh sĩ Israel "sẵn sàng"
Trước chuyến thăm này, chuyến bay đầu tiên chở đạn dược của Mỹ cho Israel đã đáp xuống căn cứ không quân Nevatim của Nhà nước Do Thái. Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ đã đến khu vực đông Địa Trung Hải để răn đe những ai có ý định làm leo thang tình hình. Báo Politico dẫn thông tin từ các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Washington có thể sẽ sớm triển khai tàu sân bay thứ hai tới cùng khu vực.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố sẽ đẩy mạnh cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Hamas.
"Chúng tôi đã bắt đầu cuộc tấn công từ trên không, sau đó cũng sẽ tấn công từ mặt đất. Chúng tôi đang kiểm soát khu vực kể từ ngày thứ hai (của xung đột Israel - Hamas)", ông Gallant nói với các binh sĩ Israel ở gần hàng rào ngăn cách Dải Gaza vào hôm 10-10. Ông nhấn mạnh: "Hamas muốn có sự thay đổi và họ sẽ được toại nguyện. Dải Gaza sẽ không còn như trước". Người phát ngôn quân đội Israel Jonathan Conricus cho biết hàng trăm ngàn binh sĩ nước này đang tập trung gần Dải Gaza và "sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ".
Hãng tin Reuters nhận định một cuộc tấn công trên mặt đất sẽ mang lại nhiều rủi ro cho Israel, đặc biệt là tính mạng của các con tin đang bị Hamas bắt giữ tại Dải Gaza. Washington cho biết đang thảo luận với Israel và Ai Cập về ý tưởng tạo ra tuyến đường an toàn cho dân thường từ Dải Gaza trong lúc khu vực này bị Israel phong tỏa toàn diện.
Trung Quốc, Nga hay ai?
Một câu hỏi lớn lúc này là cộng đồng quốc tế có thể can thiệp để giúp chấm dứt xung đột Israel - Hamas không, và nếu có thì ai sẽ làm được điều đó? Giới quan sát đang theo dõi liệu Trung Quốc có đóng vai trò kiến tạo hòa bình lúc này không bởi trước đó Bắc Kinh đã làm trung gian thành công cho thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia.
Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ "quan ngại sâu sắc trước tình trạng leo thang xung đột Israel - Hamas và kêu gọi các bên bình tĩnh". Nước này cũng ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho vấn đề xung đột Palestine - Israel. Hồi tháng 4, ông Tần Cương - lúc đó là ngoại trưởng Trung Quốc - nói với các nhà lãnh đạo ngoại giao của Israel và Palestine rằng Bắc Kinh sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực hướng tới hòa đàm.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng việc thành lập nhà nước Palestine là giải pháp "đáng tin cậy nhất" để mang lại hòa bình cho khu vực. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Matxcơva sẵn sàng hỗ trợ các bên nhằm giảm leo thang tình trạng đối đầu và thiết lập lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi các chiến binh Hamas và quân đội Israel chấm dứt bạo lực và hòa giải.
Giới chuyên gia cho rằng nếu các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar sẽ đóng vai trò tích cực do hai nước có liên lạc với cả Hamas và Israel. Ai Cập đã đóng vai trò trung gian hòa giải cho người Palestine và Israel trong các xung đột trước đây, nhưng lần này có thể họ sẽ tránh vì Ai Cập sắp bước vào bầu cử. Trong khi đó, lãnh đạo tối cao của Iran, ông Ali Hosseini Khamenei, đã nói: "Tất nhiên chúng tôi bảo vệ người Palestine".
Lãnh đạo các nước châu Âu, trong đó có Pháp và Đức, lên án các cuộc tấn công của Hamas và thể hiện sự ủng hộ Israel. Trong khi đó, Mỹ - đồng minh thân thiết nhất của Israel - hứa sẽ hỗ trợ "vững chắc" cho Tel Aviv. Washington ủng hộ thành lập một nhà nước Palestine trong tương lai, nhưng họ không thể thuyết phục Israel.
Theo kế hoạch, ngoại trưởng các nước thành viên của Liên đoàn Ả Rập (gồm 22 nước) nhóm họp vào ngày 11-10 theo yêu cầu của phái đoàn Palestine. Họ sẽ thảo luận về những nỗ lực của nhóm các nước Ả Rập nhằm "dừng cuộc tấn công của Israel" vào Dải Gaza.
Tuy nhiên, giáo sư Mahjoob Zweiri - giám đốc Trung tâm nghiên cứu vùng Vịnh tại Đại học Qatar - nhận định với Đài Al Jazeera: "Tôi nghĩ còn sớm để nói về hòa giải, bởi vì ngay lúc này Israel đang phản ứng dựa trên sự tức giận và trả đũa". Theo tạp chí Time, hiện rất ít chuyên gia cho rằng Hamas có thể bị tiêu diệt hoàn toàn.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi thả các con tin
Trong lúc xung đột Israel - Hamas còn căng thẳng, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Turk kêu gọi tất cả các bên dừng nhắm mục tiêu vào dân thường trên lãnh thổ Israel và các phần lãnh thổ của người Palestine, đồng thời thúc giục Hamas trả tự do ngay lập tức cho các con tin. Ông nhấn mạnh hôm 10-10: "Không bao giờ được sử dụng dân thường làm con bài mặc cả".
Tính đến 18h ngày 11-10, số người chết ở cả hai bên trong xung đột đã tăng lên hơn 2.000 người. Theo quân đội Israel, ít nhất 1.200 người phía họ đã thiệt mạng sau cuộc tấn công của Hamas vào hôm 7-10. Trong khi đó, Cơ quan Y tế Palestine cho biết số người Palestine thiệt mạng ở Dải Gaza do các cuộc không kích của Israel đã hơn 900.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận