23/11/2018 10:30 GMT+7

Xốc lại cổ phần hóa

TRẦN NGỌC THƠ
TRẦN NGỌC THƠ

TTO - Thúc đẩy cổ phần hóa, phân bổ lại vốn liếng, tạo ra "sân chơi" cho các thành phần kinh tế khác tham gia... chính là hành động kiến tạo hiệu quả nhất cho nền kinh tế.

Xốc lại cổ phần hóa - Ảnh 1.

Phải "xốc lại" bởi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước luôn là nhiệm vụ trọng tâm nhưng những thông tin tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vừa tổ chức cho thấy có nguy cơ vỡ tiến độ cổ phần hóa.

Từ hội nghị đã nhận diện được nhiều vấn đề nhưng cũng có nhiều câu hỏi chưa có lời đáp.

Trước hết là những điều thấy được.

Thứ nhất, cổ phần hóa chậm đến khó tin. Đến nay mới có 35/526 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Trong 11 tháng đầu năm 2018 chỉ cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp, trong đó 3 doanh nghiệp thuộc danh sách năm 2017 và chưa có doanh nghiệp nào thuộc danh sách năm 2018.

Thứ hai, dù số doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn còn rất khiêm tốn nhưng đã có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Hầu hết doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh tốt, đóng góp vào ngân sách, thu nhập của người lao động có tăng lên.

Như vậy, cổ phần hóa càng chậm, thiệt hại mọi mặt cho nền kinh tế càng lớn, triệt tiêu động lực cải cách. Các tham vọng nâng hạng thị trường chứng khoán, tăng năng suất lao động nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ khó khăn theo căn bệnh mãn tính cổ phần hóa... chầm chậm.

Thứ ba, có 1.001 nguyên nhân được liệt kê ra, từ trách nhiệm lãnh đạo, phức tạp trong định giá doanh nghiệp, đất đai, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện... Các nguyên nhân này đều đã được nhận diện từ lâu nhưng đến nay vẫn là... nguyên nhân!

Thứ tư, các giải pháp khắc phục đều đã được nêu ra. Như quy trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra chậm trễ cổ phần hóa, xây dựng hệ thống tiêu chí xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và lãnh đạo trong quản lý quá trình cổ phần hóa, hoàn chỉnh hệ thống pháp lý có liên quan, vấn đề quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế... Tất cả cũng không mới so với những lần hội nghị hoặc hội thảo trước đó.

Vậy còn điều gì chưa thấy?

Thứ nhất, vẫn chưa tìm ra sự thật vì sao qua bao hội nghị, hội thảo, hàng loạt các nghị quyết, chỉ đạo cổ phần hóa đã được ban hành nhưng căn bệnh sợ cổ phần hóa vẫn không thuyên giảm. Không có câu trả lời, chưa bắt đúng bệnh, khó tìm ra giải pháp để thúc đẩy nhanh cổ phần hóa.

Thứ hai, phải chăng ai cũng có thể nói cổ phần hóa chậm nhưng không ai có công cụ và quyền hành thực sự để hành động, thay đổi thực trạng trì trệ này.

Thứ ba, vẫn không thấy và không biết ai chịu trách nhiệm để cổ phần hóa chậm trễ, trong khi còn nhiều vụ cổ phần hóa và bán đất vàng với giá rẻ như cho.

Biết rằng những bất cập của cổ phần hóa đòi hỏi phải có quá trình lâu dài để giải quyết. Nhưng khó tin khi mà đến nay đã hơn một thập kỷ thực hiện cổ phần hóa, mọi việc hầu như rất ít thay đổi.

Vậy hãy tìm ra lời đáp cho những câu hỏi, những điều chưa thấy qua các hội thảo, hội nghị về nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, để xốc lại lộ trình cổ phần hóa.

Thúc đẩy cổ phần hóa, phân bổ lại vốn liếng, tạo ra "sân chơi" cho các thành phần kinh tế khác tham gia... chính là hành động kiến tạo hiệu quả nhất cho nền kinh tế.

TRẦN NGỌC THƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên