02/06/2019 11:55 GMT+7

Xếp hạng 'thượng khách' của ông Trump

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Chuyến công du Nhật Bản bốn ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một tham chiếu tuyệt vời để so sánh xem trong số các lãnh đạo thế giới, ai là người được ông Trump quý mến và ai bị ông lạnh nhạt.

Xếp hạng thượng khách của ông Trump - Ảnh 1.

Ông Trump và ông Abe cùng hai phu nhân lên tàu hải quân Kaga ngày 28-5-2019 ở Yokosuka, Nhật - Ảnh: Reuters

Trong giai đoạn đầu nắm quyền, đầu năm 2017, dù trước đó có nhiều nguyên thủ đến Nhà Trắng nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được ông Trump trân trọng mời "xông đất" dinh cơ riêng của ông tại Mar-a-Lago tháng 4 cùng năm.

Đổi thái độ với Trung Quốc

Năm 2015, khi nghe tổng thống Barack Obama yêu cầu Nhà Trắng thực hiện một thực đơn kiêu sang thết đãi Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Trump lên tiếng ngay: "Gặp tôi, tôi sẽ mời ông ấy một cái burger Big Mac kép" kèm theo giải thích sao lại đãi chi rôm rả vậy khi mà "họ làm dân ta đói, cướp công ăn việc làm và công chuyện kinh doanh...".

Thế nhưng đến khi tiếp ông Tập tại Mar-a-Lago tháng 4-2017, ông Trump đã không lôi món burger kép size lớn ra mời nhà lãnh đạo Trung Quốc. Thay vào đó là một bữa tối rất lễ tân. Tại đây, hai nhà lãnh đạo bắt đầu đàm phán, không chỉ chuyện thị trường mà còn là chuyện nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cùng các màn "pháo hoa tên lửa" và "nấm hạt nhân" của ông ấy.

Ông Trump hết lời ca ngợi mối quan hệ với ông Tập trong bữa tiệc trưa: "Quan hệ cá nhân được tạo dựng giữa Chủ tịch Tập và tôi là rất đặc biệt. Tôi tin sẽ có thể loại bỏ nhiều vấn đề tiềm ẩn bất đồng".

Tuy vậy, hai năm một tháng hơn sau cuộc gặp đó, quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo cũng như Mỹ - Trung đã xấu đến mức chưa từng thấy, khi chẳng bên nào nhường bên nào và đang nhất quyết "đấu tới cùng", không chỉ giới hạn ở thương trường.

Có thể thấy, ông Trump đã chẳng thích Trung Quốc từ dạo đó, chứ không đợi tới nay. Vấn đề là liệu có "ai" kích cho ông Trump thêm điên tiết với Trung Quốc hay không.

Đồng thanh tương ứng với Nhật

Trong chuyến thăm Nhật mới đây, món burger khoái khẩu của ông Trump ấy đã xuất hiện cùng thực đơn 6 món thịnh soạn mà Thủ tướng Nhật Abe Shinzo đã mời ông cùng "bữa tiệc" golf tuần qua. Ngược lại, ông Trump cũng cố gắng ngồi ghế xem hết trận chung kết sumo không quen lắm với người Mỹ và trao "giải của tổng thống Hoa Kỳ" cho nhà vô địch.

Cần nhau khôn xiết thì chiều chuộng nhau... đơn giản thế thôi, đúng như kế sách "Thích ứng chiều ý đối phương" trong "Năm hình thái giải quyết xung đột" của Ralph H. Kilmann và Kenneth W. Thomas.

Tuy ông Trump có loan báo tới Nhật bàn về thương mại và Triều Tiên, song thực tế lại khác. Ông Trump không tranh cãi thương mại gay gắt như dự kiến. Ông Abe không phật lòng khi nghe ông Trump nói ông Kim Jong Un thử tên lửa có chút xíu, vậy chẳng sao đâu.

Đỉnh cao của sự đoàn kết, gắn bó giữa ông Trump và ông Abe là chuyến thăm tàu chở trực thăng JS Kaga của Nhật. Ông Trump đã rất đúng khi nói rằng lớp tàu chở trực thăng này "sẽ giúp chống lại một loạt mối đe dọa phức tạp trong và cả bên ngoài khu vực". 

Tháng 8 năm ngoái, chiếc JS Kaga được hộ tống bởi khu trục hạm JS Suzutsuki và JS Inazuma tạo thành hải đội tàu hộ vệ 4 của Hải quân Nhật, đã tập trận với hải đội tàu sân bay Ronald Reagan của Hải quân Mỹ trong khuôn khổ đợt triển khai Ấn Độ -Thái Bình Dương từ Ấn Độ qua Sri Lanka, Indonesia, Singapore và Philippines.

Ngoài ra, nhân chuyến thăm của ông Trump, phía Nhật cũng đã chốt đơn hàng đặt mua 105 chiếc F-35 có thể cất và hạ cánh thẳng đứng của Mỹ.

Lạnh nhạt với Pháp, Nga

Ông Trump cũng là thượng khách của tân Tổng thống Emmanuel Macron trong chuyến thăm Pháp tháng 7-2017, nhân lễ quốc khánh nước này. Tại đây, ông Trump đã được chiêu đãi rất trịnh trọng: tiếp kiến ở Điện Invalides lịch sử, một cuộc diễu binh hoành tráng, tiệc thân mật ở nhà hàng Le Jules Vernetrên tầng 2 tháp Eiffel. 

Tuy nhiên, rất tiếc thực đơn ở tháp Eiffel không có món burger ưa thích của ông chủ Nhà Trắng. Câu chuyện về sở thích burger khổng lồ của ông Trump đã rất "vang dội" từ tháng 8-2015.

Sau chuyến thăm Pháp, tưởng chừng quan hệ Pháp - Mỹ nồng ấm, song lại xấu đi do việc ông Trump cứ đe dẹp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ đó, ông Macron xa hẳn ông Trump.

Tháng 11 năm ngoái, ông Macron sang Nga dự Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg. Trong cuộc họp báo chung, ông Macron nói với Nga ông muốn hướng đến một "chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ" dù hai bên có "những hiểu lầm"...

Cuối tháng 3 năm nay, ông Macron lại nói đến "chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ" trong họp báo với Chủ tịch Tập Cận Bình nhân chuyến công du châu Âu của ông này. Tất nhiên, việc ông Macron hô hào, như ông vẫn quen hô hào ở EU hay ở châu Phi, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập có thực sự đa cực hay không lại là chuyện khác của thực tế. Song, rõ ràng ông Macron đang "kính nhi viễn chi" ông Trump như ông Tập, tuy không cùng lý do.

Riêng ông Putin đang bị "tránh xa" từ phía ông Trump, nay có thể sẽ ấm áp trở lại với tổng thống Mỹ sau khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller từ chức, thôi điều tra ông Trump có câu kết gì với người Nga hay không.

Ông Trump kêu Anh bỏ đàm phán Brexit nếu EU không nhượng bộ Ông Trump kêu Anh bỏ đàm phán Brexit nếu EU không nhượng bộ

TTO - Tổng thống Trump khuyên Anh đừng trả 39 tỉ bảng Anh (khoảng 50 tỉ USD) phí rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và "bỏ đi" nếu Brussels không đáp ứng nguyện vọng của London trong đàm phán Brexit.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên