25/02/2023 08:31 GMT+7

Xác nhận cư trú đâu phải khó giải quyết

Đã gần hai tháng sau khi sổ hộ khẩu và sổ thường trú giấy hết giá trị sử dụng (từ 1-1-2023), người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác nhận cư trú.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND phường 14, quận 10, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND phường 14, quận 10, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Hầu như hễ làm thủ tục gì mà trước đây cần sổ hộ khẩu thì nay người dân phải thay bằng giấy xác nhận cư trú. Mà việc phải tới công an cấp xã phường để xin giấy xác nhận cư trú chẳng dễ dàng chút nào.

Nếu không phải chờ đợi lâu do quá tải tại nơi cấp và ngay cả được bảo đảm đúng thời hạn quy định, người dân cũng phải chờ từ một đến nhiều ngày.

Việc buộc người dân phải có giấy xác nhận cư trú khi làm thủ tục hành chính và giao dịch được giải thích là do chưa có được sự liên thông giữa các cơ quan, tổ chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thậm chí không ít nơi viện lý do rằng không có máy đọc chip chuyên dụng.

Mới nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23-2-2023 chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu theo quy định của Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật cư trú.

Thực tế, việc xác nhận nơi thường trú của công dân không cần phải có sự liên thông hay truy vấn Cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc máy đọc CCCD chuyên dụng. Thông tin này đã được in rành rành trên thẻ CCCD ở mục "Nơi thường trú", mà nếu vẫn chưa tin thì có thể dùng bất cứ ứng dụng quét mã nào để đọc thông tin cư trú trong mã QR trên CCCD.

Bộ Công an cũng đã thông báo rộng rãi có bảy phương thức để khai thác thông tin của công dân sau khi sổ hộ khẩu giấy hết giá trị, bao gồm việc xuất trình thẻ CCCD gắn chip, tra cứu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng giấy xác nhận cư trú, ứng dụng di động VNeID...

Khi công dân xuất trình thẻ CCCD thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD. Và để thay thế cho sổ hộ khẩu giấy, người dân chỉ cần dùng một trong bảy phương thức này.

Như vậy, nếu giấy xác nhận cư trú chỉ là một trong các loại giấy tờ theo luật định dùng để thay sổ hộ khẩu giấy thì tại sao các cơ quan chức năng lại chỉ chấp nhận mỗi loại giấy chứng thực đó?

Phải chăng các cơ quan, tổ chức cấp cơ sở khi thực thi nhiệm vụ cung cấp thủ tục hành chính cho người dân có quyền "vô hiệu hóa" các loại giấy tờ mà luật đã quy định?

Không ai có thể phủ nhận được yêu cầu phải có sự quản lý của Nhà nước đối với việc cư trú của công dân và mọi người có mặt trên lãnh thổ nước mình. Việc quản lý cư trú công dân là công việc của Nhà nước trong chức trách quản lý của mình.

Việc chứng thực cư trú của công dân cũng là chuyện của Nhà nước, cụ thể là cơ quan chức năng. Vậy thì, liệu các cơ quan chức năng có thể tự xử lý yêu cầu này trong nội bộ bộ máy của mình mà không cần phải đẩy cho công dân?

Bỏ sổ hộ khẩu: Tại sao người dân vẫn phải xin giấy xác nhận cư trú?Bỏ sổ hộ khẩu: Tại sao người dân vẫn phải xin giấy xác nhận cư trú?

Dù "khai tử" sổ hộ khẩu nhưng nhiều nơi ở Hà Nội, người dân vẫn phải xin giấy xác nhận cư trú khi làm một số thủ tục như đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, chuyển nhượng đất đai.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên