Những nơi yêu cầu giấy xác nhận cư trú nói gì? Vướng mắc này bao giờ mới có thể tháo gỡ?
Quét QR không đủ thông tin
Mua bảo hiểm, xin đi học, đăng ký định mức điện nước, xác nhận tình trạng hôn nhân, vay ngân hàng, công chứng mua bán... đều cần đến thông tin về nhân khẩu, hộ khẩu, quá trình cư trú... để các cơ quan, tổ chức bảo đảm giải quyết chính xác theo quy định.
Nếu dữ liệu quốc gia về dân cư đã cập nhật đầy đủ và liên thông giữa các đơn vị thì việc xác nhận cư trú sẽ rất dễ dàng, chỉ cần thông qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Hầu hết các UBND phường, xã, thị trấn tại TP.HCM đều được trang bị máy quét mã QR. Nhưng khi quét mã thì thông tin cán bộ tư pháp phường nhận được chỉ gồm tên tuổi, giới tính, số CMND cũ, số CCCD, nơi thường trú.
"Theo quy định, để cấp xác nhận độc thân dùng để kết hôn và các mục đích khác thì chúng tôi cần phải có thông tin chính xác.
Bỏ sổ hộ khẩu rồi thì chỉ có cơ quan công an phường mới đủ dữ liệu xác nhận. Khi đến phường để xin cấp xác nhận độc thân cần cung cấp cho cán bộ tư pháp xác nhận cư trú xin từ cơ quan công an hoặc cán bộ tư pháp tự liên hệ cơ quan công an xác minh.
Có người từ khi đủ tuổi kết hôn đã thay đổi nơi cư trú qua rất nhiều địa phương, việc này rất khó cho chúng tôi" - Trần Khánh, cán bộ tư pháp phường 14 (quận 10, TP.HCM), nói.
Hầu hết các tổ chức hành nghề công chứng (không chỉ tại TP.HCM) hay ngân hàng vẫn đang kiểm tra thông tin cư trú của người dân bằng cách dùng điện thoại thông minh quét mã QR trên CCCD. Nội dung thông tin nhận được cũng tương tự như của UBND phường sử dụng máy quét mã QR.
Với những người đã có tài khoản định danh điện tử (kể cả mức độ 2), khi truy cập vào ứng dụng VNeID cài đặt trên điện thoại thông minh thì cũng chỉ nhận được thông tin cơ bản (tên tuổi, số định danh, giới tính, số điện thoại, nơi thường trú kèm với hình chân dung).
Khó giải quyết nếu không có CT07
Theo công chứng viên Nguyễn Huy Việt, với bao nhiêu đó thông tin thì cơ quan, tổ chức khó giải quyết thủ tục, giao dịch cho người dân nếu không kèm theo CT07.
Để giải quyết vướng mắc về thông tin cư trú khi cấp xác nhận độc thân, đa số UBND các phường tại TP.HCM có thể phối hợp với cơ quan công an trong việc xác minh thông tin cư trú.
Tuy nhiên, đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ công (như công chứng) hay tổ chức giải quyết các nhu cầu vay vốn, thế chấp tài sản như ngân hàng thì khó có thể phối hợp nên vẫn phải yêu cầu người dân tự xin giấy CT07 từ công an để giải quyết thủ tục khi không còn sổ hộ khẩu.
Công chứng viên Nguyễn Huy Việt nêu ví dụ theo quy định việc bán xe máy, ô tô hay thế chấp, bán nhà đất đều phải được công chứng hợp đồng, nhiều trường hợp phải chứng minh tài sản đó là của riêng, xác nhận độc thân.
Trường hợp tài sản chung (nhất là nhà đất) của hộ gia đình, tổ chức công chứng phải yêu cầu khách hàng cung cấp giấy CT07 trong đó có thông tin về tất cả các nhân khẩu thuộc hộ đó để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đồng sở hữu.
Bổ sung dữ liệu cho "hộ khẩu điện tử"
Tháo gỡ việc này theo hướng nào? Cơ quan có trách nhiệm cần sớm hoàn thiện, cập nhật dữ liệu cư trú (nói riêng), tích hợp đầy đủ vào chip điện tử của CCCD.
Tiếp đó, cần sớm kết nối, cấp quyền truy cập dữ liệu cư trú (nói nôm na "hộ khẩu điện tử") ở mức đủ để các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, người dân căn cứ vào dữ liệu đó giải quyết các thủ tục mà không cần phải phụ thuộc vào việc xin giấy CT07.
Đồng thời cung cấp, hướng dẫn các phương thức hiệu quả, thuận tiện nhất để các cơ quan, tổ chức, người dân có thể sử dụng dữ liệu (ở mức cho phép) trong thực hiện các thủ tục, giao dịch.
Mục tiêu đặt ra là làm sao để người dân làm thủ tục thực sự chỉ cần xuất trình CCCD gắn chip là đủ. Thậm chí người dân chỉ cần chìa màn hình điện thoại thông minh cho cơ quan, tổ chức xem thông tin là đủ.
Đương nhiên công tác bảo mật dữ liệu phải luôn được cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo đảm theo quy định...
Luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận