Tuổi Trẻ trao đổi với một cán bộ công an và luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) để hướng dẫn trình tự chi tiết việc này.
Cần đăng ký tài khoản dịch vụ công
* Làm sao để biết về trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ để đăng ký thường trú, tạm trú, xin xác nhận cư trú?
- Ngoài cách chạy ra công an phường để hỏi, người dân có thể ở nhà truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia (đường link https://dichvucong.gov.vn) hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an (https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/) để biết.
Trước tiên, người dân cần tạo lập tài khoản trên cổng dịch vụ công, Từ đó có thể đăng nhập vào các thủ tục tương ứng, trong đó có hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ.
Hồ sơ cơ bản gồm hai phần. Thứ nhất là Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (mẫu CT01) và các hồ sơ người dân phải chuẩn bị tương ứng từng thủ tục (như sổ hồng, hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng thuê nhà, bảo lãnh của chủ nhà về việc cho thường trú, tạm trú...).
Người dân có thể tải tờ khai CT01 trên cổng dịch vụ công xuống, in ra để điền thông tin mà không cần phải ra công an phường để xin. Đồng thời xem hướng dẫn về các giấy tờ khác cần chuẩn bị để nộp online.
* Đăng ký, tạo lập tài khoản như thế nào?
- Sau khi truy cập vào cổng dịch vụ công để đăng ký tài khoản, người đăng ký điền đủ các thông tin cá nhân và sẽ nhận được mã OTP gửi về điện thoại của mình. Nhập mã OTP để xác nhận, hợp lệ thì đăng ký tài khoản thành công và có thể tiếp tục thao tác các thủ tục đăng ký cư trú.
Trường hợp tài khoản bị từ chối thì sẽ có dòng thông báo "Thông tin đăng ký không khớp với thông tin thuê bao nhà mạng..., vui lòng kiểm tra/đăng ký lại với nhà mạng".
Trường hợp này là do cổng dịch vụ công cập nhật và đối chiếu số căn cước hiện tại của người dùng. Trong khi số điện thoại đăng ký của người dùng do đã sử dụng từ nhiều năm trước nên thường đăng ký thông tin thuê bao với số CMND cũ, không khớp với số căn cước.
Với tình huống này, người dùng cần liên hệ với nhà mạng tương ứng (Viettel, Vina, Mobi...) bằng cách đến các điểm kinh doanh của nhà mạng, gọi điện thoại hoặc truy cập trang thông tin của nhà mạng để cập nhật số căn cước mới. Sau đó, thực hiện lại việc đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công.
Lỗi khai sai và cách khai đúng
* Khi tải tờ khai CT01 kèm với hồ sơ liên quan lên cổng dịch vụ công hoàn thành đăng ký online, hồ sơ vẫn bị từ chối với lý do nhiều nhất là lỗi khai sai tên chủ hộ trên CT01. Khai thế nào cho đúng?
- Hiện nay rất nhiều trường hợp do hiểu sai về cách khai thông tin chủ hộ (tại mục thông tin 11, 12, 13) trên Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (CT01).
Nhất là những người đăng ký tạm trú vào nơi ở thuê, ở nhờ sẽ dễ sai khi khai tên của chủ nhà (cho thuê, cho ở nhờ) là chủ hộ khẩu. Lỗi hiểu sai này do đánh đồng chủ hộ là chủ nhà.
Lưu ý rằng người đăng ký thường trú, tạm trú chính là chủ hộ (mới) do đăng ký tạo lập và hoàn toàn tách biệt với hộ của chủ nhà cho thuê, cho ở nhờ.
Ví dụ: Ông A là chủ căn nhà, đăng ký thường trú vào chính căn nhà thì ông A khai thông tin chủ hộ tại tờ khai (mục 11, 12, 13) chính là thông tin của ông A. Đồng thời, ông A có thể khai thay đổi thông tin cư trú cho vợ và con của ông A thì ghi vào mục nội dung (15 trên tờ khai CT01).
Trường hợp ông B là người thuê nhà (hoặc ở nhờ) có chủ nhà là ông A. Ông B đăng ký tạm trú thì B chính là chủ hộ tạm trú. Vì vậy, B khai thông tin chủ hộ tại tờ khai (mục 11, 12, 13) chính là thông tin của B.
* Khai các trường thông tin lập hộ mới, hộ đã có như thế nào để không bị sai? Các thông tin khác về nơi thường trú, tạm trú, nơi ở hiện tại khai ra sao?
- Trường hợp đăng ký thường trú/tạm trú vào hộ đã có được áp dụng với những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống.
Ví dụ: ông A có vợ và con. Vì lý do riêng, ông A đăng ký thường trú/tạm trú trước. Sau đó một thời gian, ông đăng ký tiếp cho vợ và con vào cùng hộ của mình thì khai ở mục thông tin đăng ký vào hộ đã có.
Các trường hợp còn lại đăng ký thường trú/tạm trú vào nơi ở thuê, ở nhờ, cho mượn... thì khai đăng ký mục thông tin lập hộ mới.
Liên quan thông tin nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, nhiều người thắc mắc tại sao lại phải khai nhiều trường thông tin như vậy. Cần lưu ý là các thông tin này là khác nhau.
Ví dụ: Ông A có hộ khẩu thường trú ở tỉnh, sau đó ông A vào TP.HCM sinh sống, ông A đăng ký tạm trú tại quận Tân Bình, nhưng hiện tại ông A lại ở nhà thuê tại quận 7. Như vậy các trường thông tin này là khác nhau, phải khai thông tin tương ứng cho đúng.
Ngoài ra, khi khai online thì người khai cũng phải khai đúng các mục thông tin: Cả hộ từ ngoài tỉnh đến, Nhân khẩu từ ngoài tỉnh đến, Cả hộ từ ngoài huyện trong tỉnh đến, Nhân khẩu từ ngoài huyện trong tỉnh đến, Cả hộ ngoài xã trong huyện đến, Nhân khẩu ngoài xã trong huyện đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận