Một người đàn ông Palestine nhìn ra khung cảnh hoang tàn bên ngoài cửa sổ tại Dải Gaza ngày 20-5 - Ảnh: REUTERS
“Việc đóng cửa các lối ra vào cho bệnh nhân và các nhóm y tế nhân đạo, cũng như việc giới hạn nguồn cung thuốc men đang khiến cuộc khủng hoảng y tế tại đây thêm trầm trọng”, giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO Ahmed Al-Mandhari tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 20-5.
Theo ông Al-Mandhari, hệ thống y tế tại đây đã quá tải vì “mức độ nghiêm trọng của các ca thương tích”. Khu vực này cũng được cho đang thiếu thốn nhiều loại thuốc quan trọng và nguồn cung y tế để chống lại đại dịch COVID-19.
Theo Hãng tin Reuters, một phái đoàn của Liên Hiệp Quốc sẽ mang các vật dụng hỗ trợ nhân đạo, bao gồm 10.000 liều vắc xin COVID-19 của Sinopharm, chuẩn bị đến Dải Gaza. Họ cũng dự định đưa người bị thương ra ngoài.
Người đứng đầu WHO tại Bờ Tây và Dải Gaza, ông Rik Peeperkorn, cho biết nhóm này sẵn sàng đến Gaza càng sớm càng tốt.
“Cho tới khi ngừng bắn, tất cả các bên liên quan tới xung đột cần thống nhất một đợt tạm ngưng để đảm bảo việc vào và ra khỏi Gaza”, ông Peeperkorn nhấn mạnh.
Kể từ khi xung đột bùng nổ hôm 10-5, giới chức y tế tại Gaza cho biết 230 người Palestine đã thiệt mạng, bao gồm 65 trẻ em và 39 phụ nữ. Hơn 1.700 người đã bị thương bởi các đợt không kích và pháo kích.
Giới phân tích lo ngại tình trạng bất ổn ở Trung Đông sẽ còn kéo dài vì xung đột tại Dải Gaza, giữa bối cảnh châu Âu chia rẽ và Mỹ bị cho ngần ngại chống lại Israel.
Hãng tin AFP nhận định các cường quốc hiện đang nỗ lực tìm điểm cân bằng giữa Israel và tổ chức Hamas tại Palestine, nhưng đến nay vẫn chưa thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận