Lính cứu hỏa Palestine tại một địa điểm bị Israel không kích ngày 17-5 - Ảnh: REUTERS
Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) từng được xem là màn ký kết lịch sử năm 2015 dưới thời tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thỏa thuận này sẽ mở ra cơ hội cho Iran được tháo gỡ cấm vận, phát triển kinh tế. Các công ty châu Âu cũng đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Iran. Hợp đồng tỉ đô, đơn cử giữa Công ty Total của Pháp và Công ty Dầu quốc gia Iran (NIOC), đã được ký.
Nhưng tất cả đình trệ vào năm 2018 khi tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi JCPOA. Châu Âu sau đó đặt hi vọng vào Tổng thống Joe Biden, thúc giục ông quay lại với JCPOA.
Vấn đề Iran vì vậy trở thành một trong những con bài then chốt trong quan hệ giữa chính quyền ông Biden và các đồng minh châu Âu. Có vẻ như hi vọng đã được thắp lên khi Mỹ được cho đang có kế hoạch tái sinh JCPOA thời gian gần đây.
Một niềm hi vọng khác, tuy nhiên, đứng trước nguy cơ lụi tàn ở Israel, quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông. Israel đơn giản xem Iran là đối thủ và không hề muốn Tehran được "cởi trói" về mặt kinh tế.
Bỗng dưng tình hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Xung đột Dải Gaza - sau thời gian dài biến mất trên các bản tin quốc tế - bất ngờ trở thành điểm nóng trên mặt báo.
Đi cùng bạo lực gia tăng ở Trung Đông, các đợt không kích và nã rocket lẫn nhau giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza đã giết chết ít nhất 188 người tại Dải Gaza và 8 người ở Israel kể từ tuần trước. Trong số người chết có 55 trẻ em tại Gaza, một đứa bé 5 tuổi ở Israel.
Và đây là lúc tình thế có thể xoay chuyển. Nếu có lý do nào đó buộc Mỹ tiếp tục ngó lơ JCPOA hoặc thúc ép Iran phải nhượng bộ, xung đột Dải Gaza là một ví dụ.
Đài CNBC (Mỹ) ngày 17-5 dẫn lời ông Jonathan Schanzer, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies (trụ sở Washington, Mỹ), khẳng định việc quay lại với JCPOA sẽ làm suy yếu nỗ lực của Mỹ trong việc chấm dứt bạo lực Israel - Palestine.
Theo ông Schanzer, nếu JCPOA được tái sinh, điều này đồng nghĩa hàng tỉ USD sẽ quay lại với Iran sau khi các lệnh trừng phạt được tháo gỡ. Với tiềm lực tài chính mạnh hơn, Tehran sẽ dùng số tiền này tài trợ cho các tay súng Hamas.
Hiện nay Iran được xem là bên bảo trợ cho nhóm các chiến binh Hamas. Trong tuần trước, báo chí phương Tây và Israel cũng đưa tin về việc Hamas triển khai các phương tiện tấn công không người lái (UAV) để tấn công Israel, và các UAV này được cho thiết kế theo "kiểu của Iran".
Từ quan điểm này, ông Schanzer giải thích lý do vì sao những ngày gần đây chính quyền Tổng thống Mỹ Biden khoanh tay đứng nhìn xung đột Dải Gaza, thay vì có hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn bạo lực.
Theo ông Schanzer, sự im lặng của Mỹ đối với xung đột Israel - Palestine có thể liên quan tới cân nhắc của Washington về JCPOA. Theo đó, chuyên gia này đoán rằng Mỹ sẽ im lặng thêm vài ngày tới, nhằm cho phép Israel làm suy yếu Hamas hơn nữa.
Một số chuyên gia khác cũng đồng ý rằng Israel ở thế cửa trên và là bên có tác động chính tới việc điều hướng cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận