WHO dùng bảng chữ cái Hy Lạp để gọi tên các biến thể virus corona - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Hãng tin AP, với hy vọng mang lại sự công bằng trong tên gọi và tránh kỳ thị một số quốc gia, WHO cho biết sẽ gọi tên các biến thể trong nhóm biến thể đáng lo ngại và nhóm biến thể đáng quan tâm bằng ký tự alphabet của bảng chữ cái Hy Lạp.
Theo đó, biến thể lần đầu tiên phát hiện ở Anh (B.1.1.7) - được liệt kê đầu tiên vào nhóm biến thể đáng lo ngại của WHO, gọi là biến thể Alpha. Biến thể thứ hai ở Nam Phi (B.1.351) gọi là biến thể Beta. Biến thể phát hiện lần đầu tiên ở Brazil (P1) gọi là biến thể Gamma.
Biến thể mới nhất trong nhóm biến thể đáng lo ngại là B.1.617 - phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ - được chia thành các dòng phụ: dòng phụ B.1.617.2 gọi là biến thể Delta, còn dòng B.1.617.1 gọi là Kappa.
Các biến thể tiếp theo trong 2 nhóm trên sẽ được gọi tên theo các thứ tự tiếp theo trong bảng chữ cái Hy Lạp.
Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc cho biết tên gọi khoa học có những thuận lợi riêng nhưng lại khó đọc, khó nhớ và dễ bị hiểu sai. "Do đó, mọi người thường hay gọi các biến thể dựa vào nơi chúng được phát hiện. Điều này gây ra sự kỳ thị và phân biệt đối xử" - WHO cho biết.
Theo báo Guardian, trong lịch sử, các dịch bệnh thường được gọi tên theo địa phương phát hiện ra bệnh lần đầu tiên.
Một trong các trường hợp này là virus Ebola, được đặt tên theo sông Ebola ở Congo do virus được phát hiện lần đầu vào năm 1976 gần con sông này. Một trường hợp khác là đại dịch cúm Tây Ban Nha hồi năm 1918.
Tội ác thù ghét nhằm vào người gốc Á ở Mỹ cũng là hệ quả của đại dịch COVID-19 và các mối liên hệ giữa dịch bệnh này với nơi đầu tiên phát hiện virus corona là thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Để giải quyết vấn đề này, WHO cho biết một nhóm chuyên gia đã đề xuất hệ thống gọi tên theo kiểu mới, dựa vào bảng chữ cái Hy Lạp. Tuy cách gọi mới không thay thế hệ thống đặt tên theo khoa học nhưng sẽ cung cấp các tên gọi mới "đơn giản, dễ đọc và dễ nhớ" đối với các biến thể.
"Không quốc gia nào đáng bị kỳ thị vì việc phát hiện và báo cáo về các biến thể" - bà Maria van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ học của WHO, nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận