Hội nghị có sự tham gia của 30 nhà xe, đơn vị vận tải đã chia sẻ những khó khăn, bất cập để Sở Giao thông vận tải TP.HCM kịp thời tháo gỡ.
Sẽ tiếp tục kiểm tra nhiều doanh nghiệp
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm, thời gian vừa qua, Thủ tướng và Bộ Giao thông vận tải cũng có nhiều công điện, chỉ đạo về đảm bảo an toàn trật tự giao thông.
TP.HCM cũng có chỉ thị phân công trách nhiệm và chỉ đạo các sở ngành, lực lượng liên quan quyết liệt vào cuộc nhằm thiết lập lại trật tự an toàn giao thông.
Vì vậy, tình hình an toàn, trật tự an toàn giao thông TP.HCM trong 9 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến. Số vụ tai nạn, số người chết, người bị thương được kéo giảm rất sâu so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lâm cho hay, qua vụ việc nhà xe Thành Bưởi, nhiều đơn vị vận tải sẽ rút kinh nghiệm và thay đổi. Bởi vấn đề thực hiện quy định và đảm bảo an toàn giao thông là hết sức quan trọng. Nếu không thực hiện đầy đủ hoặc thực hiện không nghiêm túc dẫn đến tai nạn thì rất nặng nề.
Có ý kiến cho rằng sở có kiểm tra, thanh tra không? Ông Lâm nêu câu hỏi và nói rằng sở vừa rà soát lại xuyên suốt từ năm 2014 - 2015 đến 2023 (trừ năm 2020 - 2021 do dịch COVID-19), năm nào cũng có thanh tra và kiểm tra.
Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam thời gian qua cũng kiểm tra sở và kiểm tra hoạt động một số bến xe.
Qua đó để thấy rằng công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện rất đầy đủ…
"Cũng có câu hỏi vì sao có kiểm tra mà tình trạng "xe dù, bến cóc" vẫn còn tồn tại?", ông Lâm nêu và nói thực ra không phải riêng TP.HCM mà rất nhiều địa phương khác tình trạng này xuất hiện cũng rất nhiều.
Việc xử lý chưa triệt để xe dù bến cóc là do hiện nay chúng ta đang thiếu công cụ và cần bổ sung một số chế tài để xử lý nghiêm. Việc này TP đã nhận diện và đã có kiến nghị Bộ Giao thông vận tải.
"Chiều nay, sở sẽ công bố quyết định xử phạt các vi phạm nhà xe Thành Bưởi. Trước khi đưa ra quyết định, sở cũng đã tổ chức họp liên ngành với Thanh tra TP và các sở ban ngành liên quan.
Chúng tôi cũng rất cân nhắc về ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp và phía sau là người lao động. Nhưng đã đến lúc phải xử lý nghiêm làm gương, xử lý để cảnh tỉnh bởi phải đặt an toàn cho hành khách đi xe là trên hết", ông Lâm chia sẻ.
Cần tăng nặng chế tài
Ông Nguyễn Minh Tuấn - đại diện xe Kumho Samco - cho rằng sản lượng khách vào bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) thấp là do xe chạy hợp đồng trá hình tuyến cố định rất nhiều.
Hoạt động trá hình này dẫn tới không bình đẳng cho các nhà xe vào bến, dẫn tới thất thoát thuế của Nhà nước.
Về chế tài, các hình thức phạt "xe dù, bến cóc" chỉ phạt tiền, rút phù hiệu là chưa đủ nghiêm để răn đe. Vì vậy, các nhà xe cứ tái phạm, tình trạng "xe dù, bến cóc" xử lý mãi không xong.
Do đó, ông Tuấn cho rằng đối với doanh nghiệp vi phạm nhiều lần có dấu hiệu liên quan thuế cần tăng nặng chế tài hoặc chuyển cơ quan công an điều tra.
Thậm chí, nếu phát hiệu sai phạm có thể khởi tố. Chỉ có như vậy doanh nghiệp mới không lờn luật, coi thường pháp luật. Thông qua đó, TP.HCM cần lập lại trật tự ngành vận tải để thay đổi và đảm bảo sự công bằng cho toàn bộ doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP Lê Trung Tính cho hay đây là cuộc họp rất quan trọng, đặc biệt là sau sự vụ tai nạn của nhà xe Thành Bưởi. Kết luận kiểm tra của Sở Giao thông vận tải TP.HCM rất chính xác.
"Qua việc này, tôi đề nghị sở yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã cần củng cố bộ máy an toàn tại đơn vị.
Bởi nghị định 10 đã có quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của bộ phận này. Chẳng hạn, đối với vụ tài xế xe Thành Bưởi bị tước bằng lái mà vẫn chạy xe dẫn đến vụ tai nạn ngày 30-9 thì cần phải truy trách nhiệm", ông Tính nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận