Vì thế chuyện giám sát, xử lý xe vi phạm vẫn hết sức khó khăn.
"Xe dù, bến cóc" chặn chỗ này, mọc chỗ kia
Tại quốc lộ 13 và đường Đinh Bộ Lĩnh (quanh bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều xe vẫn ngang nhiên đậu ở trạm xăng hoặc tấp vào lề đường đón khách. Từ 17h-22h hằng ngày, các xe đậu dọc đường đón khách làm giao thông lộn xộn, mất an toàn.
Cách bến xe Miền Đông chỉ khoảng 1km, một bãi đất ở đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) đã biến thành một "bến cóc" gần một năm nay. Hằng ngày các xe vẫn đón trả khách tại đây không khác gì một bến xe "hợp pháp". Ngoài cổng một vài người đàn ông luôn có mặt để "cảnh giới" và phân luồng xe khách ra vào.
Hành khách sẵn sàng đi những xe này khiến cho những nhà xe trong bến mất khách. "Như xe của tôi, có hôm chỉ 6 - 9 hành khách. Mình làm ăn đàng hoàng mà gặp kiểu xe dù, bến cóc nên lỗ. Tôi rất bức xúc và nhiều lần phản ánh lên quản lý bến xe nhưng chưa xử lý được", anh Q.T.N. (tài xế chạy tuyến TP.HCM - Lâm Đồng) bức xúc.
Thiếu bằng chứng để xử phạt
Nghị định 10/2020 quy định, từ ngày 1-1-2022, các xe hợp đồng cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải. Còn với xe khách tuyến cố định, từ ngày 1-7-2022 trước khi xe xuất bến, các đơn vị vận tải cung cấp lệnh vận chuyển vào phần mềm.
Các nội dung cung cấp gồm: tên bến xe, tên doanh nghiệp, hợp tác xã, họ và tên lái xe, biển số xe, tuyến hoạt động, giờ xuất bến, số lượng hành khách thực tế.
Tuy nhiên theo một chuyên gia giao thông, nghị định được ban hành gần ba năm nay, đến giờ Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa xây dựng xong phần mềm. Sự chậm trễ này gây khó khăn cho việc quản lý, giám sát các nhà xe.
Nếu có phần mềm cùng với việc giám sát chặt chẽ thông qua công nghệ có thể sẽ ngăn chặn sớm hơn những vi phạm (tài xế bị tịch thu bằng lái mà doanh nghiệp vẫn cho lái trong vụ tai nạn trên quốc lộ 20 mới đây là một ví dụ).
"Hiện nay ngành giao thông còn quá nhiều phần mềm đơn lẻ, còn hệ thống GPS chưa được bổ sung các tính năng nên rất khó cho việc tra cứu dữ liệu, xử lý xe vi phạm. Cần thiết phải tích hợp phần mềm dùng chung để công bố rộng rãi dữ liệu để người dân, doanh nghiệp, địa phương, cơ quan quản lý theo dõi", chuyên gia này nói.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng việc sớm hoàn thiện phần mềm, bổ sung tính năng để áp dụng công nghệ vào giám sát, xử lý các nhà xe vi phạm là hết sức cần thiết. Đây được xem là một liều thuốc đặc trị tình trạng "xe dù, bến cóc".
Áp dụng công nghệ để hỗ trợ xử phạt các nhà xe vi phạm chỗ đón, trả khách sai quy định sẽ rất hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian. Việc sử dụng dữ liệu hành trình và hình ảnh sẽ giúp cho công tác xử lý, xử phạt triệt để hơn, cơ quan chức năng có bằng chứng rõ ràng.
Công bố kiểm tra hoạt động nhà xe Thành Bưởi
Chiều 5-10, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức công bố quyết định lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với nhà xe Thành Bưởi.
Ông Đỗ Ngọc Hải, trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, làm trưởng đoàn kiểm tra. Ông Đỗ Ngọc Hải cho biết đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định pháp luật đối với Công ty TNHH Thành Bưởi.
Các nội dung kiểm tra cụ thể là quy trình bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô của công ty này từ ngày 1-1-2023 đến nay. Thời gian kiểm tra từ ngày 5 đến hết ngày 15-10.
Sở Giao thông vận tải TP phân công ông Võ Khánh Hưng, phó giám đốc sở, theo dõi, chỉ đạo đoàn kiểm tra đảm bảo đúng yêu cầu, mục đích và tiến độ thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận