Liên quan vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, anh N.C.H. (41 tuổi, sống ở tầng 3 chung cư mini) cho biết thời điểm phát hiện có cháy, gia đình chuẩn bị đi ngủ. Khói đen từ tầng 1 xộc lên, kèm theo nhiều tiếng nổ và la hét của mọi người xung quanh nên gia đình anh phản ứng rất nhanh.
"Tôi chuẩn bị thang dây trong nhà mang ra ban công để ra ngoài. Do tòa nhà không có lối thoát hiểm nên ban công là con đường duy nhất để thoát ra ngoài. Tôi dặn vợ, con đeo khẩu trang và trèo từ tầng 3 xuống. May mắn cả gia đình đều an toàn ra ngoài.
Nếu chậm 5 phút thôi, có thể khói đã tràn lên khiến cả nhà chết ngạt. Nhiều người ở cùng tầng cũng đã tận dụng thang dây của tôi để thoát ra ngoài", anh H. nói và chia sẻ bản thân cũng lo lắng về việc có thể xảy ra cháy nổ nên đã chuẩn bị thang dây thoát nạn.
Bác sĩ Nguyễn Thiên Trung - khoa cấp cứu Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM) - cho rằng bên cạnh bỏng do tiếp xúc với lửa, tử vong do hỏa hoạn tại các khu chung cư, nhà cao tầng... chủ yếu là do ngạt khí độc, trong đó chủ yếu là khí CO.
Ngoài ra, khi sinh sống trong tòa nhà cao tầng nhưng diện tích chật hẹp, không có cầu thang thoát hiểm, ít cửa sổ thông thoáng, trước nhà quây kín bởi lồng sắt "chuồng cọp"... cũng sẽ làm giảm cơ hội thoát nạn, đội cứu hộ khó tiếp cận hơn khi hỏa hoạn xảy ra.
Theo các bác sĩ, nạn nhân trong vụ cháy thường gặp nguy hiểm do ngạt khói, vì có thể gây tử vong do thiếu oxy tại chỗ hoặc ngộ độc khí CO. Vì vậy, ngoài kỹ năng phòng cháy chữa cháy thì trong nhà nên trang bị thêm mặt nạ chống độc để sử dụng khi cần thiết.
Đối với nhà thấp tầng có thể trang bị thêm thang dây để thoát hiểm ra ngoài. Bên cạnh đó, có thể trang bị thêm búa, rìu… để phá cửa, khung sắt trong trường hợp lối ra vào không thể sử dụng.
Đồng thời nên loại bỏ những khung sắt cố định (có người gọi là chuồng cọp), thay vào đó người dân có thể sử dụng lưới an toàn, khung sắt có thể mở khi xảy ra sự cố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận