14/09/2023 18:46 GMT+7

Người dân quanh chung cư ứng cứu thế nào khi xảy ra cháy?

Khi xảy ra cháy chung cư, ngoài người bị nạn, cộng đồng dân cư xung quanh cũng cần nắm bắt những kỹ năng ứng cứu người trong đám cháy.

Cảnh sát, nhân viên y tế và người dân đưa các nạn nhân trong đám cháy đi cấp cứu - Ảnh: DANH TRỌNG

Cảnh sát, nhân viên y tế và người dân đưa các nạn nhân trong đám cháy đi cấp cứu - Ảnh: DANH TRỌNG

Căn chung cư mini 9 tầng tại số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng là chốn đi về, là tổ ấm của hàng chục gia đình, sinh viên, người làm công ăn lương…

Sau vụ hỏa hoạn đêm 12-9, nơi đây chỉ còn là đống hoang tàn.

Vụ cháy thảm khốc đã cướp đi sinh mạng 56 người, khiến 37 người bị thương. Nỗi đau do hậu quả vụ cháy gây ra quá lớn.

Ngược lại thời điểm xảy ra vụ cháy chung cư, nhiều người dân xung quanh đã nhanh chóng tìm cách cứu các nạn nhân đang mắc kẹt. Tuy nhiên, trên mạng xã hội cũng chia sẻ những clip nhiều người dân chỉ đứng dùng điện thoại quay clip trong khi các nạn nhân đang cố gắng la hét cầu cứu.

Vấn đề đặt ra là khi xảy ra cháy, cộng đồng cư dân xung quanh cần có những kỹ năng ứng cứu các nạn nhân mắc kẹt ra sao?

Có thể dùng xà beng, kìm cộng lực phá cửa nếu cửa đóng

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy bắc thang, trèo lên cứu nạn nhân mắc kẹt - Ảnh: DANH TRỌNG

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy bắc thang, trèo lên cứu nạn nhân mắc kẹt - Ảnh: DANH TRỌNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 14-9, một chuyên gia trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho biết khi cháy chung cư, những người trong khu vực xảy ra cháy rất cần những người xung quanh hỗ trợ khi lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy chưa đến.

Theo đó, thời điểm này người dân bên ngoài có thể hỗ trợ cứu người bằng cách dùng xà beng, kìm cộng lực, búa… phá cửa (nếu cửa đóng) ở tầng một để mở lối thoát nạn cho người gặp nạn đi xuống, ra ngoài.

"Trường hợp ngọn lửa bùng phát ở tầng cao thì người dân ở tầng thấp hoàn toàn có thể thoát ra ngoài trước khi cháy lan", vị lãnh đạo nói.

Tiếp theo, người dân ở xung quanh có thể dùng phương tiện chữa cháy nhà mình đã được trang bị như bình chữa cháy xách tay, xe đẩy chữa cháy… huy động tập trung ra khu vực cháy sẵn sàng hỗ trợ dập tắt đám cháy.

Nếu những nhà gần đám cháy có trang bị họng nước chữa cháy thì ngay lập tức triển khai phun nước lên các tầng ngôi nhà đang xảy ra cháy để dập lửa.

Bên cạnh đó, người dân có thể sử dụng thang tre, thang nhôm… có sẵn để bắc lên mái nhà lân cận hoặc bắc từ tầng một lên tầng hai, ba để người phía trên thoát xuống.

"Nếu gia đình không có thang thì có thể nhanh chóng kêu gọi, tìm kiếm ở nhà hàng xóm để dùng các phương tiện này cứu người bị nạn", vị này khuyến cáo.

Đặc biệt, khi phát hiện cháy, người bên ngoài cần gọi ngay 114 cho lực lượng cảnh sát biết điểm cháy để kịp thời đến chữa cháy, cứu nạn.

Trong trường hợp cần thiết, những nhà có đệm mút giường ngủ có thể bê ra đặt phía dưới nhà xảy ra cháy, hoặc đặt lên mái nhà của các công trình lân cận (mặt bằng đảm bảo) để những người ở phía trên các tầng hai, ba… nhảy xuống trong tình huống khẩn cấp.

Việc này có thể giảm thiểu chấn thương cho nạn nhân. "Tuy nhiên, người dân không nên nhảy từ trên các tầng quá cao xuống vì rất nguy hiểm".

Các nhà ở lân cận tiếp giáp với nhà xảy ra cháy ở khoảng cách nhỏ hoàn toàn có thể tháo song sắt cửa sổ để người bị nạn trèo qua. Hoặc có thể đưa thang, dây để họ buộc vào nơi cố định thoát ra ngoài.

"Trong thực tế có rất nhiều cách ứng cứu, nhưng tùy vào người dân lúc đó có linh hoạt hay không, có kỹ năng hay không để thiết lập một điều kiện an toàn hỗ trợ người bị nạn", vị này cho hay.

Cảnh sát và người dân đưa nạn nhân là một trẻ em ra khỏi chung cư bị cháy - Ảnh: DANH TRỌNG

Cảnh sát và người dân đưa nạn nhân là một trẻ em ra khỏi chung cư bị cháy - Ảnh: DANH TRỌNG

Làm thế nào để kết thành dây tụt xuống dưới?

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, khi phát hiện đám cháy ở nhà cao tầng, chung cư, người dân cần bình tĩnh suy xét tìm lối thoát nạn.

Khi chạy thoát nạn, cần thông báo cho các phòng bên cạnh có cháy. Nếu phải băng qua lửa, khói phải dùng mặt nạ phòng độc, hoặc dùng chăn, áo, khăn ướt trùm lên đầu, mặt. Khi di chuyển cần cúi khom men theo tường nhà.

Khi mở cửa cần cẩn thận đặt tay lên cửa kiểm tra nhiệt độ. Khi mở cần tránh mặt, người sang một bên, phòng lửa, khỏi tạt thẳng vào người. Khi thấy nhiệt độ quá cao tuyệt đối không được mở cửa mà phải quay lại tìm lối khác.

Trong trường hợp không thể ra cửa hoặc tìm lối thoát nạn an toàn, cần ra ban công, cửa sổ hô to cầu cứu, dùng đồ vật sáng màu ra hiệu, gọi điện thoại 114 hoặc báo cho người thân.

Tình huống người bị nạn mắc kẹt tại các vị trí (cửa sổ, ban công…) và đang bị các yếu tố nguy hiểm trực tiếp tác động (khói, lửa…) có thể sử dụng các vật dụng sẵn có xung quanh (mền chăn, drap giường, vòi chữa cháy…) kết thành dây để tụt xuống các vị trí bên dưới và sau đó thoát ra nơi an toàn.

Tuy nhiên, khi buộc dây phải chọn các cấu kiện chắc chắn, các mối buộc phải chặt, tránh bị tuột, bung, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc chấn thương. Tuyệt đối không nhảy từ trên tầng quá cao xuống nếu không có sự hướng dẫn của cứu hộ.

Trường hợp người bị nạn mắc kẹt trên mái nhà hoặc tại các vị trí cheo leo có thể bị rơi xuống bất kỳ lúc nào phải giữ bình tĩnh, ổn định vị trí, không gào khóc, không di chuyển.

Mọi người xung quanh cần động viên, trấn an tinh thần người bị nạn (đặc biệt với trẻ nhỏ) và chờ lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến sử dụng các biện pháp đặc chủng để cứu.

Cháy chung cư mini 9 tầng: Thảm họa quá đau lòngCháy chung cư mini 9 tầng: Thảm họa quá đau lòng

Chung cư mini được xây dựng năm 2015, có diện tích khoảng 200m2 với 45 phòng, khoảng 150 người sinh sống nhưng chỉ có một lối ra ở cửa chính...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên