27/09/2018 10:36 GMT+7

Vòng quanh thế giới thịt chó - kỳ 2: Ăn thịt chó ở Hàn Quốc và Trung Quốc

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Hàn Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt chó nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Tổ chức "Hỗ trợ quốc tế cho động vật Hàn Quốc" (IAKA) ghi nhận mỗi năm tại Hàn Quốc có 2 triệu con chó bị giết thịt.

Vòng quanh thế giới thịt chó - kỳ 2: Ăn thịt chó ở Hàn Quốc và Trung Quốc - Ảnh 1.

Món chó được chế biến tại Haàn Quốc - Ảnh: AP

Hàn Quốc là quốc gia duy nhất nuôi chó thương phẩm quy mô lớn.

Tổ chức “Cơ hội cuối cùng cho động vật” ở Mỹ

Thịt chó mang lại mỗi năm 2 tỉ USD cho hơn 20.000 nhà hàng chế biến thịt chó và 9.000 cửa hàng bán nước ép thịt chó.

Độc đáo các món thịt chó!

Theo Tổ chức "Bảo vệ quyền động vật Hàn Quốc" (KARA), hầu hết người ăn thịt chó ở Hàn Quốc thuộc tầng lớp trung lưu và ở độ tuổi trung bình. Số người từng ăn thịt chó tối thiểu một lần chiếm từ 30-60% dân số.

Xã hội Hàn Quốc phát triển nhanh trong thập niên 1980 cũng là nguyên nhân thúc đẩy thị trường thịt chó. Cuối thế kỷ 20, trong hai tháng đã có 10 nhà hàng phục vụ thịt chó ra đời.

Các nhà hàng lấy tên McDog quảng bá ẩm thực truyền thống để cạnh tranh với chuỗi McDonald's bán thức ăn nhanh kiểu Mỹ.

Tháng 10-2003, Hàn Quốc từng tổ chức lễ hội thịt chó tại Seocheon. Năm 2011, festival thịt chó cũng được tổ chức tại chợ Moran ở Seoul, chợ thịt chó lớn nhất nước. Ngoài thịt chó còn có nhiều sản phẩm chế biến từ chó như rượu, kem, tinh dầu, nhũ tương.

Giáo sư - tiến sĩ Ann Yong Geun thuộc khoa dinh dưỡng Đại học Chungcheong có biệt danh là "tiến sĩ thịt chó". Ông đã nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thịt chó để cho ra nhiều sản phẩm độc đáo như nước tương, kim chi, xốt mayonnaise, thịt hộp, kẹo.

Xốt mayonnaise thịt chó là mayonnaise thông thường trộn với giấm, dầu ăn, trứng và thịt chó thủy phân.

Các món thịt chó thường được dùng với rượu soju (rượu gạo). Tài liệu Hàn Quốc từ năm 1670 đến năm 1943 mô tả có tổng cộng 22 gia vị dùng cho thịt chó.

Thịt chó còn được chế biến thành nước ép dinh dưỡng (gae soju) gồm thịt chó sống cùng với gừng, hạt dẻ, táo tàu và nhiều loại gia vị nấu trong nồi áp suất lớn trong nhiều giờ rồi ép lấy nước.

Một con chó 20kg cho ra từ 100-120 túi nước ép gae soju.

Chó trộm, chó chết đều mua

Ở Hàn Quốc, thịt chó có nhiều nguồn. Đầu tiên là chó nuôi thương phẩm. Dân Hàn Quốc phân biệt hai loại: chó ăn được (nureongi) và chó nhà.

Chủ tịch Tổ chức "Quyền cùng tồn tại của động vật trên trái đất" (CARE) tại Hàn Quốc Park So Youn nhận xét ngành công nghiệp thịt chó ở Hàn Quốc phân biệt hai loại chó như thế chỉ nhằm khuyến khích ăn nhiều thịt chó vì người ta cứ tưởng chỉ ăn chó thương phẩm nureongi chứ không phải ăn thịt chó nhà.

Thật ra khoảng 10 chợ chó ở Hàn Quốc đều bán cả chó nhà, chó bị bắt trộm, chó đi lạc hoặc chó bị chủ bỏ. Tại Hàn Quốc, bỏ chó ngoài đường sẽ bị phạt tiền nên chủ muốn bỏ chó cứ việc dẫn chó ra chợ bán.

Trong thập niên 1980, người dân Hàn Quốc đồn rằng phải coi chừng bọn đi xe đạp chở lồng chó sau yên xe vì bọn này sẵn sàng bắt trộm chó nhà bán cho các quán ăn.

Năm 2012, trang web của Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã đăng lời khai của một bác sĩ thú y thú nhận đã bán xác chó chết vì bệnh ung thư hay bệnh phổi cho các nhà hàng vì chủ chó không đến nhận. Nhà hàng mua chó chết rẻ hơn chó sống và không hề quan tâm chó chết vì sao.

Tóm lại tại Hàn Quốc, loại chó nào cũng có thể bị cho vào nồi.

Vòng quanh thế giới thịt chó - kỳ 2: Ăn thịt chó ở Hàn Quốc và Trung Quốc - Ảnh 3.

Cung cấp chó cho lễ hội Ngọc Lâm tại Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Thịt chó đông lạnh ở Trung Quốc

Nếu tính theo số lượng, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ số lượng chó nhiều nhất thế giới. Thói quen ăn thịt chó ở nước này phổ biến trong 30 năm gần đây. Phần lớn người ăn là nam giới.

Thịt chó hiếm khi được dùng trong các bữa ăn bàn công việc. 60% ăn với bạn bè, 20% ăn trong gia đình hay dịp lễ hội và 15% nấu món thịt chó tại nhà.

Trái ngược với Hàn Quốc, thịt chó ở Trung Quốc thuộc loại rẻ nhất, chỉ bằng 50% giá thịt bò.

Tổ chức "Động vật châu Á" ở Hong Kong ghi nhận 95% chó đông lạnh ở Trung Quốc đều kém chất lượng vì đã chết trước khi giết mổ và có thể là chó bị hạ độc. Chó đông lạnh thường được cắt thành mảnh cho vào bao bì bán ở siêu thị.

Quảng Châu được xem là thủ phủ thịt chó, nhưng lễ hội bị chỉ trích nhiều nhất là lễ hội thịt chó ở Ngọc Lâm (khu tự trị Quảng Tây).

Lễ hội hằng năm kéo dài 10 ngày từ ngày 21-6 với hơn 10.000 con chó và 4.000 con mèo bị hạ thịt. Dân chúng đổ xô về đây ăn thịt chó với trái vải và uống rượu gạo.

Ngoài thời gian lễ hội, mỗi ngày tại Ngọc Lâm có 300 con chó được giết mổ để cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng.

Từ xì đồng đến thuốc chó

Dân Trung Quốc phân biệt một số giống chó là chó nhà, số khác là chó thịt và một số giống vừa là chó nhà vừa là chó thịt.

Tân Hoa xã ngày 19-6-2016 khẳng định tại Trung Quốc không có trang trại nuôi chó thương phẩm vì chi phí nuôi và tiêm chủng cho chó cao so với các vật nuôi khác và chó lớn chậm hơn heo.

Như vậy chó giết thịt có thể đến từ các nguồn khác. Đó là chó nhà bị mất trộm và chó hoang. Đa số chó của những người mua bán dạo là chó hoang.

Tổ chức "Động vật châu Á" cho biết trộm chó là chuyện xảy ra như cơm bữa ở Trung Quốc. Theo khảo sát năm 2015, khi chó bị mất thì 76% số người Trung Quốc được hỏi nghĩ ngay đến việc chó bị bắt trộm.

74% chó bị bắt trộm vào mùa đông và 31% vào mùa thu. Số liệu này cho thấy dân Trung Quốc thích nhắm thịt cầy lúc trời lạnh.

Giới trộm chó thường ra tay từ 4-6 giờ sáng. Chúng sẽ đập chết chó hoặc dùng dây thòng lọng thít cổ chó. Bọn cao tay hơn dùng ống xì đồng bắn kim có tẩm thuốc mê hoặc thảy cho chó miếng thịt nướng tẩm thuốc mê cực mạnh diethyl ether.

Bọn sử dụng xe bán tải thường hành sự từ 5-10 giờ sáng lúc chủ dẫn chó đi dạo. Một tên lái xe chầm chậm, đồng bọn ngồi ở cửa xe canh me tròng sợi dây thép dài 1m vào cổ chó. Tên lái xe tăng tốc, thế là xong. Quy trình bắt chó chỉ tốn 5 giây.

Trộm chó ở Việt Nam, Philippines và Indonesia

cho3

Thịt chó bày bán ở Việt Nam - Ảnh: AFP

Các tổ chức bảo vệ động vật ghi nhận nạn bắt trộm chó xảy ra tại Việt Nam như sau: "Những người bán hàng rong đi xe đạp hoặc xe máy đến nông thôn đổi dụng cụ gia đình lấy chó. Khi nhu cầu ăn thịt chó gia tăng, giá chó cũng tăng và bọn trộm chó ngày càng lộng hành".

Còn tại Philippines, chó hoang hay chó có chủ đều có nguy cơ bị bắt. Tại Indonesia, bọn bắt chó dùng cá tẩm chất độc xyanua để thuốc chó.

Kỳ tới: Món chó ở châu Phi

Vòng quanh thế giới thịt chó - Kỳ 1: Dân Tây từng xơi thịt chó Vòng quanh thế giới thịt chó - Kỳ 1: Dân Tây từng xơi thịt chó

TTO - Văn hóa phương Tây xem hành vi ăn thịt chó là độc ác, trong khi thịt chó lại được sử dụng như thực phẩm tại một số nước châu Á. Phe bài bác và phe tán thành xơi “cầy tơ” đều có lý lẽ riêng, song xu thế ăn thịt chó đang lùi vào dĩ vãng…

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên