Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành một trong những hoạt động đầu tiên tại Úc để gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp hai nước.
Còn đồng Bộ trưởng Sản xuất và Thương mại Úc Tim Ayres - người cũng có mặt tại diễn đàn - bày tỏ diễn đàn có ý nghĩa với các doanh nghiệp hai bên, để từ đó mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ thương mại giữa hai nước.
Kỳ vọng về "5 cái hơn"
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong chuyến thăm lần này của ông tới Úc, hai bên dự kiến sẽ tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương từ mức hiện nay là Đối tác chiến lược (được thiết lập vào tháng 3-2018).
"Điều này khẳng định tuy khoảng cách địa lý có thể xa nhưng tấm lòng và hợp tác giữa hai bên không có gì ngăn cản được, vì lợi ích của hai dân tộc, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới", Thủ tướng phát biểu và mong các doanh nghiệp góp phần vào điều này.
Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn, kỳ vọng về "5 cái hơn" khi quan hệ song phương được nâng cấp.
Đó là: tin cậy chính trị tốt hơn; hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư cao hơn; hợp tác khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn; hợp tác giáo dục và đào tạo, giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân sâu sắc hơn; hợp tác du lịch và lao động được đẩy mạnh hơn.
Dù những kết quả đã đạt được trong thương mại và đầu tư là rất đáng trân trọng, Thủ tướng cho rằng các con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, không gian hợp tác giữa hai nước.
Do đó Thủ tướng đề nghị hai bên cần tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Cùng với đó, hai bên cần hợp tác thúc đẩy các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ trên nền tảng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Trong quá trình hợp tác sẽ không tránh khỏi những khó khăn và vướng mắc, do đó sẽ cần cùng nhau tháo gỡ, giải quyết. Chính phủ Việt Nam sẽ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Nhiều tiềm năng và cơ hội
Bên ngoài khán phòng tổ chức diễn đàn sáng 5-3 trưng bày nhiều tài liệu về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam và Úc.
Trong đó nổi bật là hai báo cáo "Con đường đến Úc" và "Con đường đến Việt Nam", với các phân tích, dẫn chứng cùng những khuyến nghị cụ thể cho các doanh nghiệp hai bên đang tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh.
Theo hai báo cáo trên, những năm qua các hoạt động đầu tư từ Việt Nam vào Úc cho thấy tính tương hỗ cao giữa hai nền kinh tế. Đồng thời, các hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên đã tạo ra một chuỗi giá trị xuyên biên giới.
Chẳng hạn, Việt Nam nhập khẩu đất hiếm/khoáng chất từ Úc, sau đó chế tạo các linh kiện rồi xuất khẩu sang một nước khác. Ở chiều ngược lại, các nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Việt Nam đóng góp lớn vào quá trình sản xuất tại Úc và giá trị xuất khẩu của nước này.
Cũng theo báo cáo, năng lực ngày càng mạnh của Việt Nam trong vai trò nhà chế tạo và xuất khẩu các hàng hóa môi trường cũng như năng lượng tái tạo, cùng với trữ lượng các khoáng sản trọng yếu và chính sách hỗ trợ của Úc sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thương mại hai chiều, đầu tư chéo và hợp tác không ngừng trong lĩnh vực này.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã đến tìm hiểu, đặt vấn đề và ký thỏa thuận với đối tác Úc về nguồn cung nguyên liệu khoáng sản thô trong 2 năm trở lại đây.
Là một trong ba doanh nghiệp có phát biểu tại diễn đàn ngày 5-3, đại diện Công ty khai khoáng Blackstone Minerals của Úc đánh giá về lợi thế đi đầu của Việt Nam trong bức tranh chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Đặc biệt trong khai thác, chế biến nickel "xanh", tạo thành phẩm sử dụng trong các ngành công nghệ mới như pin xe điện. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư lâu dài, ổn định tại Việt Nam.
Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều tiềm năng
Cũng tại diễn đàn doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao một số văn kiện hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực hàng không, điện gió ngoài khơi, nông nghiệp công nghệ cao.
Không chỉ những tập đoàn lớn của Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp Úc, một số doanh nghiệp mới xuất hiện gần đây cũng tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực này.
Khởi đầu từ bệ phóng FTA
Việc là thành viên chung của ba hiệp định thương mại tự do (FTA) đã trở thành bệ phóng vững chắc cho xuất khẩu của Việt Nam vào Úc, cũng như mở ra nhiều cơ hội mới khi hai nước dự kiến nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Có mặt tại thị trường Úc suốt hơn 20 năm nay, sản phẩm nhân điều của Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định khi chúng ta trở thành nhà cung cấp số 1 cho quốc gia này. FTA (hiệp định thương mại tự do) là nền tảng cho những thành công này.
Xây dựng chỗ đứng từ các FTA
Ông Nguyễn Minh Họa - phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) - đánh giá thị trường Úc có nhiều thuận lợi như mở cửa từ sớm và gần như không có rào cản thuế và kỹ thuật. Tuy nhiên mức tiêu dùng của thị trường này vẫn còn khiêm tốn nên tăng trưởng xuất khẩu không nhanh.
Thêm nữa, sản phẩm hạt điều chế biến cũng chưa thể thâm nhập sâu do mức độ cạnh tranh lớn.
Vì vậy ông Họa kỳ vọng những lợi thế từ các FTA mà Việt Nam và Úc đã ký kết, cùng với chuyến thăm chính thức lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sẽ mở thêm cơ hội để hạt điều thâm nhập sâu hơn.
Ông Ngô Sỹ Hoài - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cũng kỳ vọng tương tự, bởi vài năm gần đây nhu cầu nhập khẩu gỗ của Úc từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ngày càng tăng.
Lý do là nước bạn muốn đa dạng nguồn cung thay thế cho đối tác Trung Quốc. Nhiều nhà nhập khẩu Úc đã đến Việt Nam tìm nguồn cung, chủ yếu là gỗ dán và ván công nghiệp.
Thị trường Úc cũng có nhiều thuận lợi về mặt địa lý, gần gũi về thị hiếu, văn hóa tiêu dùng, có đông kiều bào sinh sống, lại không có nhiều rào cản thuế quan nên rất thuận lợi cho xuất khẩu.
Tuy vậy ông Hoài nói do ngành gỗ của Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ, nên việc dịch chuyển sang các thị trường khác gặp khó khăn. Hiện ta chưa chủ động giới thiệu sản phẩm sang phía bạn.
Do đó ông mong muốn sau khi hai nước nâng cấp quan hệ, sẽ có nhiều cách làm mới để thúc đẩy ngành gỗ xuất khẩu sang Úc, không chỉ gỗ dán, ván công nghiệp mà còn là đồ nội thất khi đây là nước nhập khẩu đồ gỗ nội thất lớn thứ 9 thế giới.
"Tôi mong muốn có đội quân tiếp cận thị trường, nghiên cứu thị hiếu, thông thạo luật pháp bên Úc để giúp tiếp thị sản phẩm của Việt Nam.
Dù đây là thị trường cũng cạnh tranh trực tiếp, nhưng chúng ta còn nhiều dư địa khai thác cho các sản phẩm gỗ nội thất, đồ mộc thiết kế.
Chúng tôi rất mong Chính phủ, Bộ Công Thương và các ban ngành liên quan hỗ trợ tối đa để các nhà buôn gỗ lớn của hai nước gặp nhau, kết nối giao thương tốt hơn sau chuyến đi này" - ông Hoài bày tỏ.
Thêm nhiều lợi thế hợp tác
Theo đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Việt Nam và Úc hiện là thành viên chung của ít nhất ba FTA gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA).
Các hiệp định này đều mang lại lợi thế rất lớn cho Việt Nam xuất khẩu khi tận dụng tối đa việc giảm thuế quan, ưu đãi quy tắc xuất xứ.
Thực tế, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam cũng đã tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để xuất khẩu vào thị trường này.
Trong đó, Việt Nam đã cấp gần 78.000 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AANZ, tăng 13,52% so với năm 2021, trị giá hơn 2,5 tỉ USD trên tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỉ USD (tỉ lệ tận dụng C/O là 39,28%).
Vì vậy, không chỉ hạt điều hay đồ gỗ kể trên, lĩnh vực đáng chú ý nhất là hàng thủy sản của Việt Nam đang giữ vị trí số 1 trên thị trường Úc. Năm 2022, thủy sản của Việt Nam chiếm tỉ trọng 23%, cao hơn rất nhiều so với con số 13% cách đây 5 năm khi nhiều mặt hàng được hưởng lợi nhờ mức thuế 0% như tôm, cá tra, hải sản...
Ngày 5-3, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Úc đã được tổ chức trong khuôn khổ chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng đã minh chứng thêm cho những triển vọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Ngay trước thềm diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã trực tiếp gặp gỡ, làm việc với một số doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn của Úc.
Chia sẻ về các cuộc gặp gỡ đó, ông Diên cho biết nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ triển vọng hợp tác rất lớn với Việt Nam.
Trong đó, đại diện Công ty Moose Toys chuyên sản xuất đồ chơi cho biết đang có hợp đồng sản xuất với các doanh nghiệp Việt Nam và mong muốn đẩy mạnh đầu tư, xây dựng đội ngũ nghiên cứu, chế tạo.
Đại diện Quỹ đầu tư Unified chia sẻ vừa đến Việt Nam và rất tin tưởng vào sự phát triển kinh tế nên rất quan tâm tới việc đầu tư vào giáo dục, nhất là đào tạo nhân lực. Trong khi đó đại diện Quỹ đầu tư BMYG thì muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo...
Hai nền kinh tế có sự bổ sung cao, trong đó Việt Nam mạnh về đồ điện tử, máy móc, dệt may, giày dép; Úc có nhiều tài nguyên, nhiên liệu chất lượng cao, thế mạnh về nông sản xuất khẩu, phát triển năng lượng...
Do đó, kế hoạch nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm lần này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư của hai nước trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Chuyến thăm mở ra nhiều cơ hội
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Úc dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm ASEAN - Úc và kết hợp thăm chính thức Úc phản ánh quan hệ hợp tác đang phát triển ngày càng tốt đẹp giữa Úc và ASEAN, giữa Úc và Việt Nam.
Các nhà ngoại giao và lãnh đạo hai nước nhiều lần đánh giá quan hệ Việt Nam - Úc đang ở mức tốt nhất từ trước đến nay. Hai nước nhìn nhận nhau như là láng giềng tốt, đối tác tốt và người bạn tốt của nhau.
Việt - Úc có nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng và chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính chắc chắn sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội tăng cường hợp tác hơn nữa.
Hai nước có nền tảng quan hệ hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhân lực. Hiện có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Úc và rất nhiều thế hệ chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam đã từng học tập tại đây.
Đó là chưa tính đến cộng đồng lớn người Việt ở đây, vốn có nhiều đóng góp tích cực trên nhiều phương diện cho sự phát triển của Úc, là cầu nối cho quan hệ hai nước.
Úc cũng là quốc gia sở hữu nhiều trường đại học hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh Việt Nam coi phát triển nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, chúng ta có thể tranh thủ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực với Úc để xây dựng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong thời gian tới.
Từ đó hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045 đã đặt ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Không chỉ vậy, đội ngũ sinh viên, cán bộ, chuyên gia đã, đang và sẽ học tập tại Úc cũng là những cầu nối giữa nhân dân hai nước, góp phần tăng cường hợp tác song phương dựa trên kênh đối ngoại nhân dân - một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam.
Bên cạnh đó, khoa học nông nghiệp và năng lượng tái tạo cũng là những thế mạnh của Úc.
Trong quá trình Việt Nam chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, Úc có rất nhiều bài học hay, cách làm sáng tạo mà chúng ta có thể học hỏi. Đồng thời Việt Nam cũng có thể tranh thủ thu hút vốn đầu tư từ Úc trong các lĩnh vực này.
Việt - Úc chia sẻ nhiều điểm tương đồng về lợi ích trong quan hệ với ASEAN, trong việc phát triển Cộng đồng ASEAN, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Với quan hệ hợp tác và niềm tin chiến lược sẵn có, tôi hy vọng hai nước có thể sớm đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.
Quan trọng nhất vẫn là cụ thể hóa quan hệ hợp tác bằng những chương trình, kế hoạch thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của hai quốc gia, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
TS Lục Anh Tuấn (tốt nghiệp ngành chính trị học và nghiên cứu quốc tế, Đại học New South Wales, Úc)
ASEAN và Úc bàn hợp tác tương lai
Hôm nay 6-3, Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Úc bắt đầu các hoạt động chính với hai phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese và các lãnh đạo ASEAN sẽ tham dự hai phiên họp quan trọng này.
Hội nghị có chủ đề "Đối tác cho tương lai", được tổ chức trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Úc diễn ra năng động trên nhiều lĩnh vực. Đây là dịp để hai bên nhìn lại chặng đường 50 năm qua và trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ sau khi thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện năm 2021.
Trước đó trong sáng 5-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự lễ khai trương Viện Chính sách Úc - Việt Nam (AVPI) - viện chính sách đầu tiên của Úc tập trung vào quan hệ của Úc với Việt Nam.
Tại đây, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng viện sẽ tham gia vào việc tham mưu chính sách cho chính phủ hai nước, thúc đẩy và nâng cao chất lượng quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực. AVPI cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện hiệu quả "Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040" của Úc mà Việt Nam là một đối tác quan trọng.
Chiều cùng ngày, lễ đón chính thức các trưởng đoàn ASEAN đã diễn ra trong không khí trang trọng dưới sự chủ trì của Thủ tướng Úc Albanese. Nước chủ nhà cũng dành một nghi lễ đặc biệt độc đáo, với hàm ý cầu chúc những điều tốt đẹp sẽ đến với các lãnh đạo dự hội nghị.
Cũng liên quan "Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040", phát biểu trước 100 lãnh đạo doanh nghiệp Úc và Đông Nam Á tại Melbourne ngày 5-3, Thủ tướng Úc Albanese đã công bố một gói sáng kiến quan trọng để cụ thể hóa những khuyến nghị trong chiến lược trên.
Trong đó có việc thành lập Quỹ tài trợ đầu tư Đông Nam Á (SEAIFF) trị giá 2 tỉ AUD để cung cấp các khoản vay, bảo lãnh, vốn chủ sở hữu và bảo hiểm cho các dự án nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư của Úc ở Đông Nam Á, đặc biệt là hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Úc cũng sẽ dành 140 triệu AUD trong 4 năm để mở rộng Chương trình đối tác cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ ASEAN cải thiện năng lực, thu hút nguồn tài chính cơ sở hạ tầng chất lượng cao và đa dạng hơn.
Nằm trong gói sáng kiến còn có "Landing Pads", một mô hình nhằm cung cấp hỗ trợ các doanh nghiệp Úc để xuất khẩu dịch vụ công nghệ sang thị trường Đông Nam Á. Mô hình này sẽ sớm được mở cửa tại Jakarta và TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận