Bệnh nhi 3 tháng tuổi mắc COVID-19 ra viện - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngày 20-2, cùng lúc có 3 bệnh nhân ở Vĩnh Phúc là bé N.G.L., 3 tháng tuổi (điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương) và 2 nữ bệnh nhân (1 người 55 tuổi, 1 là học sinh THPT 16 tuổi) cùng được công bố khỏi bệnh, sau hai lần xét nghiệm có kết quả âm tính với virus corona.
Hôm nay 21-2, bệnh nhân Việt kiều 73 tuổi sẽ được cho ra viện tại TP.HCM, sau 5 lần xét nghiệm âm tính. Như vậy tính đến 21-2, Việt Nam chỉ còn 1 bệnh nhân đang tiếp tục điều trị ở Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Khi nào được coi là "đã khống chế được dịch"?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia có trách nhiệm của Bộ Y tế cho biết việc công bố khống chế được dịch có thể thực hiện trên quy mô từng địa phương có ghi nhận bệnh nhân. Hiện Việt Nam có 4 tỉnh thành có bệnh nhân là Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Thanh Hóa và TP.HCM.
Những địa phương có thể công bố hết dịch chỉ khi đạt được điều kiện: Về chuyên môn, địa phương có thể công bố khống chế dịch sau 28 ngày kể từ khi ngành y tế quản lý được nguồn lây, nghĩa là tính từ khi bệnh nhân cuối cùng được cách ly tại bệnh viện.
Với cách tính kể trên, hiện hai tỉnh Khánh Hòa và Thanh Hóa đã gần đủ thời gian để có thể công bố khống chế dịch, tỉnh Vĩnh Phúc cần thêm 12 ngày nữa nếu không ghi nhận thêm bệnh nhân mới, TP.HCM cũng phải chờ.
Lặp lại thành công?
Ba bệnh nhân bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) được ra viện hôm qua 20-2 là 3 bệnh nhân đều lây bệnh từ một nguồn lây là nữ công nhân N.T.D., 23 tuổi (thành viên đoàn công nhân 8 người đi tập huấn ở Vũ Hán về nước hôm 17-1 với 6/8 người trong đoàn được xác định mắc bệnh).
Từ cô D., có 6 người bị lây bệnh gồm cha, mẹ, em gái, chị họ, hàng xóm của D. và em bé 3 tháng tuổi kể trên. Hiện chỉ còn cha D. đang tiếp tục điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà.
Cách nay 17 năm, ngày 18-4-2003, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam công bố VN đã khống chế được dịch SARS, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới làm được điều này. Với dịch COVID-19, dựa vào những dữ liệu kể trên cho thấy thành công đó có thể được lập lại.
"Hiện có đến 3.000 nhân viên y tế ở Vũ Hán, Trung Quốc bị lây nhiễm bệnh dịch COVID-19. Tại Việt Nam, các bác sĩ đã điều trị khỏi hoàn toàn cho 15/16 bệnh nhân, không có cán bộ y tế nào bị lây bệnh. Chúng tôi sẽ sớm tổ chức rút kinh nghiệm và luôn sẵn sàng chống dịch ở mức cao nhất" - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê chia sẻ.
Bệnh nhi 3 tháng tuổi, ca bệnh COVID-19 nhỏ nhất Việt Nam - Ảnh: V.DŨNG
"Lá thư" từ Sơn Lôi
Anh Hoàng Việt Lào, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, là một trong khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ được tăng cường về làm nhiệm vụ tại 12 chốt kiểm soát ra vào xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc từ ngày Sơn Lôi bị phong tỏa. Anh Lào chia sẻ:
Chúng tôi đến Sơn Lôi từ 13-2, ngay sau khi có quyết định phong tỏa Sơn Lôi của UBND tỉnh. 200 cán bộ chiến sĩ được chia đến làm việc tại 12 chốt kiểm soát, cùng với bà con địa phương.
Làm nhiệm vụ, nên từ đầu chúng tôi đến đây với tinh thần sẵn sàng, lại được các cán bộ y tế hướng dẫn cách phòng bệnh nên cũng yên tâm.
Mỗi chốt kiểm soát có 32-40 người, chúng tôi chia làm 3 ca, khi nào đến ca thì có nhiều nhiệm vụ, như đi tuần xung quanh, kiểm soát việc ra/vào xã, hết ca lại về khu trung tâm là nơi ăn nghỉ của tất cả mọi người thuộc các chốt.
Ở đây ngoài một số nhà kiên cố còn vài nhà tạm, vừa được dựng lên để sử dụng trong đợt chống dịch này. Là nhà tạm nên chỉ lợp tôn và quây xung quanh cũng bằng tôn, điều kiện ăn ở không thể bằng ở nhà mình, nhưng đang mùa dịch, chúng tôi thấy thế đã là rất ổn rồi.
Những ngày này, bà con ở Sơn Lôi vẫn đi làm ruộng, trồng rau, sinh hoạt bình thường, chỉ có khác là không ra khỏi phạm vi xã, đường làng vắng hơn, người dân biết nguy cơ nên hạn chế tụ tập đông người, ít ra đường.
Tỉnh đã giao Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phụ trách việc cung cấp thực phẩm, đồng thời cũng hỗ trợ mỗi người dân tiền sinh hoạt phí...
Tối đến, có khi có người trong làng mang tặng chúng tôi ngô, khoai, sắn mà họ trồng cấy được, họ để dành cho người ở chốt. Họ thấy mọi người làm việc vất vả. Điều đó làm chúng tôi thấy rất ấm áp.
Theo quyết định của UBND tỉnh, việc phong tỏa này sẽ kéo dài đến 3-3. Người Sơn Lôi sẽ có 21 ngày gần như là cách biệt với bên ngoài.
Tôi biết người dân đang vượt qua từng ngày, vì sự an toàn chung của mọi người. Ngay cả 200 người Sơn Lôi vắng mặt ở những ngày đầu tiên Sơn Lôi bị phong tỏa cũng đều đã trở về nhà.
Tôi và các đồng đội của mình cũng sẽ có 21 ngày ở đây, như một chuyến công tác đặc biệt. Tôi tin Việt Nam sẽ sớm khống chế được dịch bệnh.
KHUÊ ANH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận