20/02/2020 09:18 GMT+7

COVID-19 chiếm lấy mô phổi ra sao?

PGS NGUYỄN HỮU ĐỨC
PGS NGUYỄN HỮU ĐỨC

TTO - Các tế bào ở phổi là mục tiêu mà virus corona rất thích tấn công. Nhưng trước hết, để đi đến phổi, chúng cần vượt qua hàng rào bảo vệ của hệ hô hấp.

COVID-19 chiếm lấy mô phổi ra sao? - Ảnh 1.

Các bác sĩ tại một bệnh viện ở Vũ Hán xem xét tình trạng của một bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: REUTERS

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng mới coronavirus (hay tiếng Việt còn gọi là virus corona) là "tình trạng khẩn cấp toàn cầu" (global emergency).

Chìa khóa gặp ổ

Corona là một chủng virus lớn có thể gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau (SARS, MERS, COVID-19). Các nghiên cứu cho thấy khi vào cơ thể người, virus corona chủng mới sẽ gắn với một thụ thể đặc hiệu có ở đường hô hấp. 

Cơ chế này giống hệt như "chìa khóa gặp ổ khóa", cho phép virus chui thẳng vào tế bào, khiến tế bào chủ phải tạo nên nhiều bản sao virus mới. Vì thế, siêu vi "vương miện" gây bệnh ở đường hô hấp, nhẹ là gây sốt, sổ mũi, nhảy mũi, ho; nặng là viêm phổi.

Cần lưu ý influenza là một loại siêu vi, khác với virus corona, gây cúm mùa. Thường sau khi nhiễm influenza, người ta sẽ sốt, sổ mũi, ho và nhiều người sau đó bị viêm phổi, nhưng viêm phổi đây là một nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn gây nên. Đó là do virus influenza làm yếu cơ chế bảo vệ thông thường của phổi, khiến các vi khuẩn khác có thể ăn theo mà tràn vào, nhân rộng.

Còn bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (gọi tắt là COVID-19) gây ra bởi chính virus corona mới.

Siêu vi "vương miện" thích gây bệnh ở phổi

Các tế bào ở phổi là mục tiêu mà virus corona rất thích tấn công. Nhưng trước hết, để đi đến phổi, chúng cần vượt qua hàng rào bảo vệ của hệ hô hấp.

Ta cần biết lớp dịch nhầy (mucus) và sự chuyển động của hệ thống lông mao (cilia) trên bề mặt các biểu mô lát mặt trong đường dẫn khí của hệ hô hấp có tác dụng bảo vệ, sẽ bám dính các hạt bụi, vi khuẩn, virus... và đẩy chúng ra ngoài khỏi hệ hô hấp. 

Hàng rào bảo vệ cơ thể của đường dẫn khí theo cơ chế vừa nêu tuy mang tính cơ học nhưng đóng vai trò quan trọng. Các siêu vi muốn tấn công phổi, chúng phải tấn công, xâm nhiễm các tế bào lông mao này và tiêu diệt "đội quân cilia".

Sau khi tiêu diệt được đội quân cilia, các virus corona chủng mới dùng "cửa" gọi là thụ thể ACE2 để tiến vào xâm nhiễm các tế bào của mô phổi. Siêu vi chỉ xâm nhiễm tế bào ký chủ của nó thông qua gắn vào thụ thể đặc hiệu. 

Virus corona chủng mới có ái lực đặc biệt với thụ thể ACE2 có ở tế bào mô phổi. Bên trong tế bào ký chủ, virus tìm cách nhân lên thành nhiều tế bào mới; cuối cùng, các virus mới trưởng thành được phóng thích khỏi tế bào bị nhiễm để xâm nhập vào các tế bào khác của cơ thể...

Sau khi nhân bản xong, chính virus này làm thương tổn tế bào ký chủ ở mô phổi hoặc hệ miễn dịch của cơ thể chống lại, gây hại nó và hại luôn tế bào ký chủ mà nó xâm nhiễm. Hậu quả bao gồm các triệu chứng nhẹ là giống cảm cúm như sốt, ho, khó thở và trong trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ bị viêm phổi.

Hé lộ mức độ tổn thương phổi do COVID-19 Hé lộ mức độ tổn thương phổi do COVID-19

TTO - Kết quả sinh thiết phổi một bệnh nhân đã chết vì COVID-19 đã hé lộ nhiều thứ. Những phân tích như vậy là chưa từng có bởi các thi thể được yêu cầu hỏa táng ngay lập tức, khiến việc sinh thiết và giải phẫu tử thi là điều không thể.

PGS NGUYỄN HỮU ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên