26/02/2020 09:23 GMT+7

Việt Nam chặn dịch corona từ những vùng dịch mới ra sao?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Sau giai đoạn 1 (dịch COVID-19 tập trung chủ yếu ở Trung Quốc), những ngày gần đây COVID-19 bắt đầu lan mạnh sang Hàn Quốc, Nhật, Ý, Iran và nhiều nước Trung Đông. Việt Nam triển khai kế hoạch chặn COVID-19 từ những vùng dịch mới ra sao?

Việt Nam chặn dịch corona từ những vùng dịch mới ra sao? - Ảnh 1.

Nhóm du khách Hàn Quốc và Việt Nam từ TP Daegu về Đà Nẵng trưa 24-2 được đưa đi cách ly - Ảnh: TẤN LỰC

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Việt Nam đã chuẩn bị 5 kế hoạch ứng phó cho tùy từng số lượng, mức độ bệnh nhân trong chặn dịch.

Dập lửa, không để âm ỉ

"Với những kinh nghiệm đã có, phương châm của Việt Nam là phải ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để, như dập đống lửa để không còn gì âm ỉ" - Phó thủ tướng khẳng định.

Phó thủ tướng cho biết trong 5 tình huống ứng phó, với tình huống thứ 4 có số lượng bệnh nhân COVID-19 lên tới 1.000 người. "Với những cơ sở vật chất đã chuẩn bị, ở giai đoạn này chúng ta có thể ứng phó tốt trong tình hình có 3.000 bệnh nhân" - ông Đam khẳng định.

Trong lúc đó, Hà Nội có khoảng 25.000 người Hàn Quốc đang tạm trú dài hạn. Hà Nội đã chuẩn bị sẵn gần 400 giường bệnh và khi cần, số giường bệnh có thể tăng hơn để cách ly, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Chuẩn bị về cơ sở vật chất như thế nào để đón học sinh trở lại trường học là vấn đề tất cả các gia đình quan tâm. Theo đại diện Hà Nội, đến nay tất cả các trường học của Hà Nội đã hoàn tất khử khuẩn lần thứ 4, cuối tuần này sẽ tiến hành khử khuẩn trường học lần 5. Các đợt khử khuẩn đều có sự tham gia của cha mẹ học sinh và thầy cô trong trường.

Khai thác kinh nghiệm từ Sơn Lôi

Hôm nay 26-2, tổ công tác của Bộ Y tế sẽ có bản hướng dẫn tổ chức cách ly, tổ chức khám chữa bệnh, phát hiện bệnh sớm tại nơi cách ly, sau khi tổ này có 2 tuần ở vùng tâm dịch - xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tài liệu này nhằm phổ biến rộng rãi, áp dụng trong điều kiện có tình huống tương tự trong thời gian sắp tới.

Theo ông Trần Như Dương - tổ trưởng tổ công tác, cách đây 2 tuần việc phong tỏa xã Sơn Lôi là phù hợp, do đã có tình trạng dịch lây lan ra cộng đồng, số lượng bệnh nhân gia tăng liên tục tại xã. "Việc cách ly cả một khu vực địa lý nhằm ngăn dịch lây lan sang nơi khác là chính xác. Việc cách ly, phong tỏa Sơn Lôi không chỉ bảo vệ ở Sơn Lôi mà còn là bảo vệ các khu vực lân cận và rộng hơn" - ông Dương cho biết.

Theo đó, tổ công tác của Bộ Y tế đã tổ chức 60 người chia vào 30 nhóm giám sát, trên 2.700 hộ gia đình ở Sơn Lôi được khảo sát về nhân khẩu và chia 50-60 gia đình/nhóm. Mỗi ngày nhóm giám sát sẽ đến từng hộ gia đình đo thân nhiệt, hỏi bệnh lý từng người, đưa vào các biểu mẫu và báo về cơ quan chức năng 2 lần mỗi ngày. 10.600 người bị cách ly với rất nhiều tình huống phát sinh, luôn có 2 xe cứu thương túc trực, 1 xe dành cho bệnh nhân mắc bệnh lý thông thường, 1 xe chở người nghi nhiễm.

Đến ngày 3-3, tức là khoảng 1 tuần nữa Sơn Lôi sẽ kết thúc 21 ngày bị phong tỏa. Đây là sự kiện chưa có tiền lệ, đã góp phần quan trọng cho "chiến thắng ở chiến dịch giai đoạn đầu tiên" của Việt Nam. "Chúng ta cảm ơn người dân Sơn Lôi" - ông Dương nói. 10.600 người đã có 2 tuần đặc biệt trong cuộc đời, hoàn toàn chỉ ở làng mình, xã mình, họ chỉ nhìn thế giới qua mạng xã hội. 1 tuần nữa, họ sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường.

30 đơn vị có thể xét nghiệm COVID-19

Ngày 25-2, Bộ Y tế thông báo hiện có 30 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm COVID-19, bao gồm phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Sốt rét - côn trùng - ký sinh trùng trung ương; các trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Lào Cai; các bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bạch Mai, Nhi trung ương, Chợ Rẫy, Bệnh viện T.Ư Huế, cùng một số đơn vị khác như Viện Thú y, Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương, 6 chi cục thú y vùng.

L.ANH

Lãnh sự quán Hàn Quốc thăm bệnh viện dã chiến

Sở Y tế TP.HCM cho biết đại diện Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP vừa đến bệnh viện dã chiến để tìm hiểu môi trường cách ly và hài lòng với cách tổ chức chăm sóc của TP.

Ban giám đốc bệnh viện dã chiến đã cho triển khai thêm bảng hướng dẫn bằng tiếng Hàn Quốc tại các phòng cách ly, trước đó đã có bảng hướng dẫn bằng tiếng Trung Quốc.

Các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến khi thăm khám sẽ sử dụng máy phiên dịch đa ngôn ngữ, được bệnh viện trang bị trước (nếu người cách ly không có phiên dịch đi cùng).

Đến nay, TP.HCM đã thành lập 1 bệnh viện dã chiến với 300 giường bệnh tại huyện Củ Chi, đã chuẩn bị phương án mở thêm 200 giường tại Nhà Bè và sẵn sàng huy động thêm 1.000 giường bệnh khi cần.

THU HIẾN

Tạm dừng kỷ niệm, tôn vinh ngày 27-2

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có văn bản gửi 63 sở y tế tỉnh thành, các bệnh viện trực thuộc, đề nghị tạm dừng tổ chức các hoạt động tôn vinh và biểu dương kỷ niệm 65 năm Ngày thầy thuốc VN (27-2).

Trong đó có các hoạt động biểu dương thầy thuốc được nhận danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, đồng thời lồng ghép các hoạt động của bệnh viện, đơn vị vào công cuộc chống dịch COVID-19.

Ngày 27-2 năm nay là dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thầy thuốc VN (27-2-1955 - 27-2-2020).

L.ANH

Dịch COVID-19 ngày 26-2: Ý tăng vọt lên 322 ca, Hàn Quốc hơn 1.100 Dịch COVID-19 ngày 26-2: Ý tăng vọt lên 322 ca, Hàn Quốc hơn 1.100

TTO - Hàn Quốc có thêm 169 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.446, trong khi số ca nhiễm ở Ý cũng tăng vọt lên hơn 300 người.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên