26/09/2020 09:21 GMT+7

Vì sao ông Donald Trump quan tâm tòa tối cao?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây kịch liệt phản đối bầu cử qua đường bưu điện vì cho rằng nước ngoài có thể in giả phiếu bầu và làm sai lệch kết quả.

Vì sao ông Donald Trump quan tâm tòa tối cao? - Ảnh 1.

Người dân ở bang Arizona bỏ phiếu vào thùng thư chuyên biệt trong cuộc bầu cử sơ bộ chọn ra ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ tháng 3-2020 - Ảnh: REUTERS

Nỗi lo sợ đó ngày một lớn khi mới đây Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tìm thấy 9 phiếu bầu vắng mặt bị vứt bỏ ở bang Pennsylvania, trong đó có 7 lá phiếu bầu cho ông Trump.

Sự việc xảy ra không lâu sau khi người ta tìm thấy một thùng thư bị vứt xuống một con mương ở hạt Outagamie, bang Wisconsin ngày 22-9. Theo Đài Fox News, trong thùng có tới ba khay thư chứa phiếu bầu vắng mặt. Thùng thư hiện đã được trả lại cho Bưu cục liên bang (USPS), nhưng chưa rõ bằng cách nào nó lại nằm dưới mương.

'Cuộc bầu cử không trung thực'

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump một lần nữa từ chối tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực trong hòa bình nếu thua đối thủ Joe Biden và đặt câu hỏi về mức độ "trung thực" của cuộc bầu cử vào ngày 3-11 sắp tới. 

'Cứ chờ coi chuyện gì sẽ xảy ra. Các ông biết tôi đã phàn nàn suốt chuyện bỏ phiếu qua thư. Mấy lá phiếu đó là thảm họa' - ông Trump nhấn mạnh ngày 24-9.

Phát ngôn của ông Trump tạo ra một làn sóng tranh cãi dữ dội với những chỉ trích từ phe Dân chủ. 

'Tổng thống Trump, ông không phải là một nhà độc tài và nước Mỹ sẽ không cho phép ông trở thành một nhà lãnh đạo độc tài' - lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói, gọi ông Trump là "mối đe dọa lớn nhất" đối với nền dân chủ Mỹ.

Một số thượng nghị sĩ Cộng hòa như Mitch McConnell phải lên tiếng như đỡ lời cho tổng thống. 'Người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3-11 sẽ nhậm chức vào ngày 20-1, giống như những gì đã diễn ra mỗi 4 năm một lần kể từ năm 1792' - ông McConnell viết trên Twitter cá nhân. 

Tuy nhiên, tình hình vẫn không dịu xuống bao nhiêu khiến thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany phải lên tiếng giải thích lại rằng ý của Tổng thống Trump là ông "chỉ chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử tự do và công bằng".

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump từ chối nói sẽ chấp nhận kết quả nếu thua cuộc, theo Hãng tin Reuters. Giới phân tích cho rằng một khi cuộc bầu cử tổng thống kết thúc, ông Trump có thể sẽ tạo ra các vụ tranh luận tại tòa liên bang về kết quả kiểm phiếu để kiếm đủ số phiếu đại cử tri nhằm tiếp tục ở lại Nhà Trắng. 

Khả năng sự việc bị đẩy lên tòa tối cao, nơi hiện chỉ có 8 thẩm phán (nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg mới qua đời), là hoàn toàn có thể xảy ra.

Kịch bản Al Gore - Bush tái diễn?

Chỉ có một cuộc bầu cử tổng thống trước đây của Mỹ có kết quả do tòa án tối cao quyết định. Đó là cuộc tranh cử năm 2000 giữa George W. Bush của Đảng Cộng hòa và Al Gore của Đảng Dân chủ. Khoảng cách chênh lệch vài trăm phiếu bầu giữa ông Bush và ông Gore tại bang Florida khiến tòa tối cao tiểu bang ra lệnh kiểm lại.

Tuy nhiên, tòa tối cao liên bang đã ra lệnh cấm kiểm phiếu lần hai. Điều này gián tiếp trao 25 phiếu đại cử tri của bang Florida cho ông Bush, nâng tổng số phiếu đại cử tri của ông lên 271 - hơn đúng 1 phiếu so với yêu cầu chiến thắng. Ông Al Gore khi đó đã được 266 phiếu đại cử tri và có nhiều phiếu bầu phổ thông hơn đối thủ nhưng cuối cùng đành chấp nhận thua cuộc.

Việc thẩm phán Ginsburg đột ngột qua đời, khiến tòa tối cao bị khuyết mất một vị trí, vô hình trung lại có lợi cho ông Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục lấy lý do bầu cử qua thư có thể khiến kết quả "có vấn đề" để đẩy nhanh tiến trình bổ nhiệm thẩm phán tối cao. 

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham, một đồng minh của ông Trump, cho biết có thể có tranh luận ở tòa án về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. "Tòa án tối cao sẽ quyết định và nếu Đảng Cộng hòa thua, chúng tôi sẽ chấp nhận kết quả đó - ông Graham nói với Fox News - Nhưng trước hết chúng ta cần một tòa án đầy đủ".

Giới quan sát nhận định Tổng thống Trump gần như chắc chắn sẽ đề cử một người bảo thủ. Nếu được Thượng viện thông qua, Tòa tối cao Mỹ sẽ có 6 thẩm phán tư tưởng bảo thủ và 3 thẩm phán tự do. Dù một số người tin rằng Đảng Cộng hòa sẽ không thể muốn làm gì thì làm trong hệ thống tam quyền phân lập, một số nghị sĩ trong Đảng Dân chủ đã thể hiện sự lo lắng do nhiệm kỳ của thẩm phán tòa tối cao là trọn đời.

Theo Reuters, các hạ nghị sĩ Dân chủ dự kiến sẽ trình một dự luật giới hạn nhiệm kỳ thẩm phán tòa tối cao xuống còn 18 năm trong tuần tới. Dự luật cũng quy định mỗi tổng thống trong nhiệm kỳ 4 năm chỉ được phép bổ nhiệm tối đa 2 thẩm phán tòa tối cao. Giới chuyên gia luật cho rằng việc sửa đổi này là rất nhiêu khê và tốn thời gian, bởi các nghị sĩ sẽ phải sửa lại hiến pháp Mỹ.

CNN: bầu cử qua thư được bảo mật

Đài CNN và một số tờ báo khác khẳng định bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu vắng mặt không có gì khác biệt, hoàn toàn bảo mật. Theo quy định, cử tri muốn bỏ phiếu vắng mặt phải có lý do chính đáng và đăng ký với chính quyền mới được gửi phiếu bầu.

Bầu cử qua thư thì mang tính "đại trà" hơn, tức không cần đăng ký hay nêu lý do, gần đến ngày bầu cử phiếu bầu sẽ tự động được gửi tới tất cả người đủ điều kiện bỏ phiếu.

Vì sao cuộc bầu cử 20 năm trước khiến ông Trump lo lắng? Vì sao cuộc bầu cử 20 năm trước khiến ông Trump lo lắng?

TTO - 537 phiếu phổ thông ở một bang chiến địa là tất cả những gì quyết định người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000. Ông Donald Trump đang lo lịch sử lặp lại.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên