Thứ 3, ngày 19 tháng 1 năm 2021
Vì sao cuộc bầu cử 20 năm trước khiến ông Trump lo lắng?
TTO - 537 phiếu phổ thông ở một bang chiến địa là tất cả những gì quyết định người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2000. Ông Donald Trump đang lo lịch sử lặp lại.

Ông George W. Bush giành chiến thắng sít sao trước đối thủ Al Gore hồi năm 2000 - Ảnh: AFP
Trong buổi tối nghẹt thở ngày 7-11-2000, kết quả kiểm phiếu nhảy múa liên tục ở bang chiến trường Florida.
Ban đầu các đài truyền hình Mỹ gọi tên Al Gore (Dân chủ), rồi chuyển sang George W. Bush (Cộng hòa), rồi Gore, rồi Bush... Khoảng cách giữa 2 ứng viên quá sít sao khiến kết quả chung cuộc không được công bố mãi đến 3 tuần sau.
Hơn 1 tháng sau người Mỹ mới biết ông Gore kiếm nhiều hơn ông Bush 543.895 phiếu phổ thông trên cả nước, nhưng ông Bush mới là người trở thành tổng thống nhờ kiếm được 271 phiếu đại cử tri, trong đó Florida là chiến thắng quyết định.
Quá sát nút
Viết trên trang History.com, nhà báo Lesley Kennedy nhận xét kết quả bầu cử năm 2000 kịch tính như vậy cũng không ngạc nhiên, vì thăm dò trước bầu cử cho thấy 2 ứng viên thay đổi vị trí dẫn đầu đến 9 lần trong những tháng đi vận động.
Khi biết kết quả kiểm phiếu ở Florida gần như là huề, ông Gore đã gọi điện cho đối thủ Bush để rút lại lời nhận thua cuộc ít phút trước lúc có kết quả cho thấy ông Bush đã thắng.
"Ý ông nói với tôi là, thưa ngài phó tổng thống, ông muốn nuốt lời?", ông Bush chưng hửng. Ông Gore đáp: "Ông không cần phải cay đắng thế. Để tôi giải thích một điều, em trai của ông không phải là tiếng nói quyết định trong chuyện này".
Câu nói đó là ông Gore nhắc đến Jeb Bush, em trai ông George W. Bush - người giữ chức thống đốc Florida thời điểm đó.
"Khi một cuộc bầu cử quá sát nút và cạnh tranh kiểu này, kiểm phiếu lại là điều dễ hiểu. Cuộc đua vào thượng viện bang Minnesota năm 2008 giữa Franken và Coleman mất gần 9 tháng để giải quyết tranh chấp, nhưng bầu cử tổng thống không thể đợi lâu như vậy, do đó mọi thứ càng phức tạp hơn", giáo sư Rick Hasen, Viện Đại học California tại Irvine, nhận xét.
Còn theo giáo sư Andrew E. Busch, Trường Claremont McKenna, một sự kiện bầu cử kiểu năm 2000 hiếm khi xảy ra, trừ hồi năm 1876 khi ứng viên Cộng hòa Rutherford B. Hayes giành chiến thắng với 20 phiếu đại cử tri gây tranh cãi.
"Florida năm 2000 mất nhiều thời gian như vậy do xảy ra rất nhiều kiện cáo và gián đoạn trong quá trình tái kiểm phiếu", ông Busch cho biết.

Các quan chức tư pháp Mỹ soi một lá phiếu bị nghi là giả trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11-2000 - Ảnh: AFP
Toà án tối cao thì liên quan gì?
"Tôi nghĩ cuộc bầu cử năm nay sẽ kết thúc tại Tòa tối cao. Đó là lý do vì sao chúng ta cần phải nhanh chóng có 9 thẩm phán", Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng ngày 23-9.
Ý ông Trump là việc thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời tuần trước khiến Tòa tối cao Mỹ chỉ còn 8 người nên không thể ra phán quyết áp đảo trong các trường hợp hệ trọng và gây tranh cãi.
Hồi năm 2000, khoảng một tuần sau ngày bầu cử, Toà án tối cao Liên bang đã tỏ thái độ không hài lòng với những rắc rối kiểm phiếu ở Florida.
Theo lời kể của giáo sư Busch, 9 thẩm phán đồng lòng trả kiến nghị của ông Bush về Tòa án tối cao Florida với hàm ý: "Chúng tôi không muốn can dự, nhưng các anh đang làm mọi thứ rối tung. Hãy sửa ngay".
Tuy nhiên, Tòa án tối cao Florida đã phớt lờ tín hiệu cảnh báo, tiếp tục thúc đẩy lời kêu gọi tái kiểm phiếu. Vụ việc lại được chuyển về Tòa tối cao liên bang.
"Lúc đó có 2 biểu quyết quan trọng của Tòa tối cao liên bang. Biểu quyết đầu tiên với tỉ lệ 7-2 quyết định rằng việc tái kiểm phiếu ở Florida là vi hiến do không có tiêu chuẩn rõ ràng áp dụng cho tất cả lá phiếu. Tiếp theo, tòa biểu quyết với tỉ lệ 5-4 rằng thời gian đã không còn để tìm giải pháp, do đó quá trình tái kiểm phiếu bị dừng và ông Bush là người thắng", giáo sư Hasen kể.

Trang bìa của các tờ báo Mỹ hồi tháng 11-2000 - Ảnh: AFP
Đó là một trong những phán quyết gây tranh cãi nhất của Tòa tối cao liên bang trong lịch sử Mỹ. Với chiến thắng Florida, ông Bush dẫn trước ông Gore với tỉ số 271-266 (phiếu đại cử tri), và do hết cách nên ông Gore đã chịu thua cuộc.
"Toà án bị chia rẽ theo quan điểm, bên bảo thủ ủng hộ ông Bush, nhóm tự do ủng hộ ông Gore. Vụ việc đặt ra những câu hỏi khó về sự can thiệp của tòa vào một quá trình pháp lý vốn bên nào cũng cho rằng đối phương mang động cơ chính trị", giáo sư Hasen giải thích thêm.
Kể từ năm đó, bài học Al Gore dạy cho các ứng viên tổng thống Mỹ sau này là "đừng bao giờ nhận thua quá sớm". Ông Donald Trump có lẽ cũng không phải ngoại lệ.
"Một trong những vấn đề của ông Gore trong suốt 5 tuần tranh cãi là ông nhận thua, xong lại rút lời, nên bị xem là kẻ thua cuộc thảm hại. Sau lần đó, cả 2 đảng đều nuôi một đội quân luật sư để sẵn sàng tham chiến khi 'Florida tập 2' xuất hiện.
Cuộc bầu cử năm 2000 càng góp phần gây chia rẽ trên chính trường Mỹ. Đảng Dân chủ xem Bush là ông tổng thống cơ hội, thắng nhờ ân huệ của Tòa tối cao, còn phe Cộng hòa xem ông Gore và 9Dảng Dân chủ là những người sẵn sàng thay đổi luật chơi giữa đường để bám víu quyền lực", giáo sư Busch diễn giải.
-
TTO - Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - môi trường rà soát, báo cáo việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải của phương tiện giao thông, yêu cầu Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn.
-
TTO - Đồi Capitol bị phong tỏa 'nội bất xuất, ngoại bất nhập'. Vệ binh quốc gia đang diễn tập an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden được yêu cầu tìm chỗ trú ẩn tại chỗ sau khi có khói đen bốc lên gần khu vực đặt tòa nhà Quốc hội.
-
TTO - Hội nghị Trung ương 15 (khóa XII) đã thông qua danh sách đề cử 'trường hợp đặc biệt' và chức danh 'tứ trụ', hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, kết thúc sớm hơn 1,5 ngày so với dự kiến.
-
TTO - Ngoài việc khởi tố thêm bị can, vụ án đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an rút lên để điều tra, mở rộng xem xét và lấy lời khai nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
-
TTO - Các nhóm biểu tình cánh hữu, trong đó một số người mang súng trường, tập trung bên ngoài tòa nhà nghị viện một số bang trên khắp nước Mỹ trong ngày 17-1. Đến nay chưa có vụ đụng độ nào xảy ra.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận