Ông Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol Ju xuất hiện tại Bình Nhưỡng ngày 7-1 trước khi lên đường sang Trung Quốc bằng tàu hỏa - Ảnh: AP
Cuối tháng 3-2018, lần đầu tiên kể từ khi trở thành lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên, ông Kim Jong Un đã bước ra khỏi biên giới quốc gia để có chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc.
Chuyến thăm đó diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời gặp ông Kim và hai nước có các bước đi hợp tác để xúc tiến cuộc gặp.
Giờ đây, giữa lúc ông Trump xác nhận "đang đàm phán" địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh lần hai, ông Kim Jong Un lại bất ngờ thăm Trung Quốc.
Ngày hôm nay 8-1, ngày ông Kim tới Bắc Kinh, cũng là sinh nhật lần thứ 35 của nhà lãnh đạo Triều Tiên, theo thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
3 điểm lớn trong chuyến thăm Trung Quốc
Những diễn biến lặp lại nêu trên không phải là sự ngẫu nhiên. Trả lời phỏng vấn trang DWNews, ông Phương Hạo Phạm (Fang Hao Fan) - giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Bắc Á của Đại học Sơn Đông (Trung Quốc), nhận định chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong Un có ít nhất 3 điểm lớn đáng xem xét.
Ông Kim Jong Un (phải) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3-2018 - Ảnh: CCTV
Thứ nhất, chuyến thăm được ông Kim thực hiện để cho thế giới thấy Trung Quốc và Triều Tiên là các nước láng giềng hữu hảo. Diễn ra vào đúng sinh nhật của ông Kim Jong Un, chuyến thăm này rõ ràng có ý nghĩa lớn.
Thứ hai, diễn ra trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, chuyến thăm này sẽ là bước chuẩn bị quan trọng cho ông Kim. Theo ông Phương, ông Kim có thể sẽ tham khảo các ý kiến của Bắc Kinh về cuộc gặp Mỹ - Triều lần hai cũng như bước đầu nói về thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp.
Thứ ba, trong chuyến thăm bốn ngày tại Trung Quốc, ông Kim có thể sẽ tham gia các chuyến khảo sát kinh tế bên ngoài Bắc Kinh và thảo luận hợp tác kinh tế Trung - Triều.
Ông Kim Jong Un trong cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore hồi tháng 6-2018 - Ảnh: REUTERS
Những tính toán lớn hơn
Ba điểm lớn trên cũng chính là cơ sở để đánh giá những tính toán lớn hơn của ông Kim trong chuyến thăm Trung Quốc lần này.
Ông Harry J. Kazianis, giám đốc bộ phận nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm lợi ích quốc gia (CNI, Mỹ), bình luận rằng giới quan sát "không nên ngạc nhiên với việc ông Kim Jong Un tới Trung Quốc để có cuộc gặp thượng đỉnh với (Chủ tịch Trung Quốc) Tập Cận Bình", theo Đài CNN.
"Ông Kim muốn nhắc nhở chính quyền ông Trump rằng ông ấy có các lựa chọn ngoại giao và kinh tế khác bên cạnh những gì mà Washington và Seoul có thể trao cho Bình Nhưỡng", ông Harry J. Kazianis nhận định về chuyến thăm của ông Kim.
Theo ông Kazianis, thật ra trong thông điệp năm mới vừa qua, "cách tiếp cận mới" mà ông Kim đề cập có thể hiểu là lời cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ xích gần hơn với Trung Quốc. "Điều đó sẽ khiến Mỹ khá lo ngại", ông Harry J. Kazianis đánh giá.
Trong khi đó, chuyên gia chính trị quốc tế Vương Sinh tại Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) nhận định chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim cũng là nền tảng quan trọng để cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra thuận lợi, trong bối cảnh Bình Nhưỡng muốn thoát khỏi vòng vây trừng phạt của quốc tế.
Ông Kim Jong Un đọc thông điệp năm mới 2019 - Ảnh: REUTERS
Với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần một cũng như cuộc gặp sắp tới, Bình Nhưỡng luôn muốn bước lên vũ đài chính trị "mặt đối mặt" bằng một hậu phương vững chắc. Bình Nhưỡng xem Bắc Kinh là một yếu tố không thể thiếu trong các chuyển động của bán đảo Triều Tiên.
Ngay trong thông điệp đầu năm mới 2019, ông Kim cũng đã ám chỉ Trung Quốc khi đề xuất tổ chức "các cuộc đàm phán nhiều bên" để thay thế thỏa thuận ngừng bắn giữa hai miền Triều Tiên kể từ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) bằng một hiệp ước hòa bình.
"Việc ông Kim đề cập các cuộc đàm phán nhiều bên liên quan tới thỏa thuận đình chiến là nhắm vào Trung Quốc", giáo sư Yang Moo Jin tại Đại học nghiên cứu Triều Tiên (UNKS, Hàn Quốc) nhận định, theo báo Washington Post.
Do đó, như chuyên gia Vương Sinh đến từ Đại học Cát Lâm bình luận trên Thời Báo Hoàn Cầu, đối với ông Kim Jong Un, Trung Quốc vẫn là yếu tố giúp Triều Tiên "chọc thủng phòng tuyến của cục diện nội chính và ngoại giao".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận