Người ủng hộ ông Trump dừng chân bên đường ở nơi tổ chức sự kiện vận động tại Macon, bang Georgia ngày 16-10 để chụp ảnh và mua sản phẩm của chiến dịch tranh cử - Ảnh: Reuters
Chúng ta đều biết rằng ngay cả cuộc thăm dò dư luận tốt nhất cũng có thể sai (...), nên chúng ta cần phải tiếp tục vận động như thể đang bị dẫn trước.
Bà Jen O’Malley Dillon (giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Biden)
Trong diễn văn từ biệt năm 1796, tổng thống George Washington - người từ chối nhiệm kỳ thứ ba và từ đó mở ra cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên ở Mỹ, từng cảnh báo về những mối nguy của tư tưởng đảng phái đối với tính chân thật của tranh luận công khai và thống nhất dân tộc.
Người cha của đất nước Mỹ đã cảnh báo chống lại chủ nghĩa đảng phái trong nền chính trị quốc nội và kêu gọi mọi người nên vượt ra ngoài đảng phái và phục vụ lợi ích chung. Ông từng lo lắng về những cuộc biểu tình bạo lực và nổi loạn vì điều đó sẽ làm suy yếu đất nước, mở cửa cho sự can thiệp của nước ngoài.
Những cảnh báo đó dường như đúng hơn bao giờ hết với những kỳ tranh cử ở Mỹ gần đây. Thậm chí, nước Mỹ không chỉ bị chia rẽ trong tính đảng phái (có người gọi là chia rẽ đến tận trong "tế bào gia đình") mà còn trong rất nhiều vấn đề xã hội khác, đặc biệt là màu da, khoảng cách giàu - nghèo...
Tính bạo lực của những cuộc biểu tình vài tháng trước với các hành động đập phá, hôi của, tấn công lực lượng chức năng hiện đang được Tổng thống Trump đưa vào các bài phát biểu của mình trong cuộc chạy đua nước rút giành phiếu bầu. Ông tìm cách thuyết phục cử tri rằng nếu bầu cho Joe Biden, bầu cho Đảng Dân chủ thì "khu ngoại ô rồi sẽ đầy những kẻ du thủ du thực, rồi thì sẽ mất tôn giáo, rồi thì sẽ không còn có quyền sở hữu súng ống".
Không ít nhà quan sát cho rằng ông Trump đang nỗ lực trổ tài như thời tranh cử cách đây 4 năm. Ông gặp gỡ cử tri và chỉ xoáy vào những vấn đề đang khiến họ lưu tâm hoặc bức bối và ông đưa ra lời hứa xử lý. Ông cho tổ chức tụ tập người ủng hộ để truyền đi thông điệp ông mới là nhà điều hành giỏi nhất, làm việc chăm chỉ nhất, có thể đem lại an toàn cho người dân Mỹ. Chính thư ký báo chí của ông Trump, bà Kayleigh McEnany, cũng thừa nhận ông "đang làm việc cật lực để lấy được phiếu bầu của người dân".
Hơn thế nữa, các nhà quan sát cho rằng ông đang chơi chiêu mà ông rất giỏi: đánh đúng vào những vấn đề cử tri Mỹ lưu tâm, nhắc đi nhắc lại để người ta nhớ. Cố tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt từng nói: "Có nhai đi nhai lại thì cũng chẳng biến lời nói dối thành sự thật". Nhưng có lẽ ông Trump không bao giờ lắng nghe điều đó, bởi ông từng điều hành một doanh nghiệp suốt 40 năm mà chẳng thèm nghe ai, chẳng có hội đồng cố vấn nào cả.
Là một người dày dạn kinh nghiệm trận mạc kinh tế, ông Trump hiểu rằng cốt lõi của chiến dịch quảng cáo chính là chuyện nhai đi nhai lại, miễn là lập luận có tính thuyết phục, còn thì đúng sai tính sau. Chẳng hạn những lời hứa giúp ông thắng cử 4 năm trước, ông chưa hoàn thành đầy đủ. Nhưng giờ đây cũng không nhiều cử tri xét nét điều đó. Họ đã có những mối lưu tâm mới.
Hẳn vì thế mà hôm 17-10, ban vận động tranh cử của ông Biden đã kêu gọi người ủng hộ không nên "tự mãn" và "mất cảnh giác", dù kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ứng viên của Đảng Dân chủ hiện đang dẫn trước ứng viên Cộng hòa trên toàn quốc cũng như tại một số bang chiến trường quan trọng.
Bà Jen O’Malley Dillon, giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Biden, dẫn ví dụ về cuộc bầu cử năm 2016, khi ứng viên Hillary Clinton đã mất đại cử tri đoàn mặc dù giành được số phiếu phổ thông cao hơn và từng được dự đoán sẽ giành chiến thắng trong nhiều cuộc thăm dò dư luận trước đó. Vì vậy, bà nhắc nhở những người ủng hộ không nên cho rằng ông Biden đã được đảm bảo là sẽ giành chiến thắng, bởi có một sự thật là Tổng thống Trump vẫn có thể chiến thắng trong cuộc đua và các dấu hiệu hiện nay cho thấy mọi thứ chưa thể rõ ràng.
Bên Đảng Dân chủ cũng thừa nhận cuộc đua lần này rất sít sao. Nhưng các nhà quan sát thì cũng thấy một dấu hiệu đáng ngại cho ông Trump: dựa theo lịch sử bầu cử, một khi cử tri đi bầu sớm ồ ạt thì đó là dấu hiệu cho thấy họ muốn có sự thay đổi!
11 tỉ USD
Đó là ước tính của Trung tâm Phản ứng chính trị (CRP) về tổng số tiền chi cho các cuộc bầu cử liên bang. Hai ứng viên Trump và Biden cùng các đồng minh có khả năng phải chi hơn 5,1 tỉ USD để vận động cho cuộc đua vào Nhà Trắng, cao hơn gấp đôi chi phí của cuộc chạy đua năm 2016 và hơn gần 2 tỉ USD so với cuộc đua tổng thống Mỹ đắt giá nhất từ trước đến nay từng được chi vào năm 2008.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận