Bạn đã tầm soát ung thư vú chưa? - Video TVO
Mặc dù đây là căn bệnh rất phổ biến nhưng những thông tin, sự hiểu viết về ung thư vú vẫn còn nhiều hạn chế, đôi khi là chưa chính thống.
Để có cái nhìn đầy đủ, hiểu đúng, nhận thức đúng về căn bệnh này là điều hết sức cấp thiết. Báo Tuổi Trẻ với vai trò kết nối thông tin đã tổ chức buổi tọa đàm "Cùng chung tay vì cô ấy".
Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động nâng cao nhận thức về ung thư vú với sự đồng hành của Roche Việt Nam.
Tham dự tọa đàm gồm các khách mời:
- TS.BS Huỳnh Quang Khánh - Trưởng đơn vị tuyến vú, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM;
- BS.CKII Trần Nguyên Hà - Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan niệu Bệnh viện Ung bướu TP.HCM;
- Đặng Trần Thủy Tiên - "Hoa khôi truyền cảm hứng" của trường Đại học Ngoại thương;
- Người dẫn chương trình: MC Hoài Hương
Đại diện Ban biên tập báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho khách mời và đơn vị đồng hành - Ảnh: DUYÊN PHAN
Việt Nam: Ung thư vú gia tăng ở phụ nữ trẻ
BS.CKII Trần Nguyên Hà - Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan niệu Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết tại Việt Nam, trong tổng số ca mắc ung thư ở phụ nữ thì ung thư vú nằm trong top đầu (mỗi năm khoảng 15.000 ca mắc mới).
"Đặc biệt trong những thập niên gần đây, ung thư vú tại nước ta có xu hướng gia tăng ở phụ nữ trẻ, một trong những nguyên nhân là sự chủ quan nghĩ mình còn trẻ không mắc bệnh nên không chủ động tầm soát", bác sĩ Hà đánh giá.
Theo bác sĩ Hà, so với các nước ở châu Á, số ca mắc mới bệnh ung thư vú của nước ta thấp hơn nhưng tốc độ gia tăng càng ngày càng nhiều hơn. Ngoài ra ở các nước phát triển, người mắc ung thư vú thường rơi vào khoảng trên 50 tuổi, ở Việt Nam thì thấp hơn 5 tuổi. Đặc biệt, thời điểm phát hiện bệnh cũng muộn hoặc quá muộn.
TS.BS Huỳnh Quang Khánh - Trưởng đơn vị tuyến vú Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, lưu ý mọi người, khi phát hiện một biểu hiện bất thường ở vú (da trên tuyến vú có những nốt, tiết dịch hoặc lõm vào so với lúc trước có thể là dấu hiệu của ung thư vú) cũng đừng quá lo lắng, điều đó không đồng nghĩa rằng mình đã mắc ung thư.
Hãy đến cơ sở y tế để được khá, chẩn đoán khi thấy có biểu hiện bất thường ở tuyến vú - Video: TVO
"Mình nên đến cơ sở y tế để được khám, làm các chẩn đoán bằng các phương pháp mới để được xét nghiệp tế bào, mô học để xác định chính xác đó là u ác tính hay lành tính. Và kết quả đa phần là u lành tính", bác sĩ Khánh nói thêm.
Tầm soát ung thư vú sớm quan trọng như thế nào?
BS.CKII Trần Nguyên Hà cho biết, tầm soát ung thư vú sớm ngoài đối tượng nguy cơ theo độ tuổi thì những người có tiền căn gia đình (có người thân mắc ung thư vú hoặc ung thư khác) hoặc đã từng bị ung thư vú đã chữa trị khỏi đều phải chú ý tầm soát.
Ngoài ra, người phụ nữ bị béo phì, có kinh sớm, mãn kinh trễ hoặc sau mãn kinh có dùng các biện pháp nội tiết tố thay thế lâu dài đều nên quan tâm tầm soát sớm.
"Ở nước ta, chúng tôi khuyên người phụ nữ tầm ở tuổi 40 trở lên nên đi tầm soát ung thư vú mỗi năm một lần", bác sĩ Hà nói thêm.
Phụ nữ tầm ở tuổi 40 trở lên nên đi tầm soát ung thư vú mỗi năm một lần - Video: TVO
Trong khi đó TS.BS Huỳnh Quang Khánh nhìn nhận chính việc tầm soát trễ, phát hiện bệnh khi quá muộn ở nước ta là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc điều trị khỏi bệnh thấp.
Bác sĩ Khánh thông tin thêm hiện nay ở nước ta có rất khá nhiều nơi thực hiện tầm soát ung thư vú. Riêng trong tháng 10 này thì tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM và bệnh viện Chợ Rẫy đều có chương trình tầm soát miễn phí cho phụ nữ trên 40 tuổi (nhóm có nguy cơ cao) để góp phần nhỏ, chung tay giúp đỡ chị em phụ nữ.
Các phương pháp y khoa điều trị ung thư vú hiện nay ngày càng tiên tiến
Theo các bác sĩ, trong những năm gần đây, việc chẩn đoán cũng như điều trị ung thư vú đã có những bước phát triển vượt trội.
Phương pháp phẫu thuật trước đây sẽ "tàn phá" rất nhiều mô tuyến vú. Hiện nay các y, bác sĩ có thể đánh giá khối u ở từng giai đoạn để có phương án tái tuyến vú tạo tức thì ngay lúc mổ.
Liệu pháp nhắm trúng đích là một trong những liệu pháp đột phá trong điều trị ung thư vú. BS.CKII Trần Nguyên Hà cho biết giữa tế bào lành tính và tế bào ung thư có sự khác biệt nhỏ và liệu pháp này mang lại hiệu quả ngay lập tức khi đánh trúng đích vào điểm khác biệt này.
Tiến bộ của y khoa giúp chữa trị và tái tạo tuyến vú tốt hơn, giúp phụ nữ "tái hòa nhập" cuộc sống nhanh hơn - Video: TVO
Ngoài ra những phương pháp cũ như xạ trị, hóa trị, nội tiết…đã có những cải tiến nhất định. Cuối cùng không thể không nhắc đến liệu pháp miễn dịch ung thư đang được thử nghiệm và đã cho những hiệu quả điều trị vượt bậc.
TS.BS Huỳnh Quang Khánh cũng cho rằng nhờ những tiến bộ trong việc tầm soát, chẩn đoán phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm cùng với những tiến bộ trong điều trị như đã nêu ở trên có thể giúp người phụ nữ bị ung thư vú "tái hòa nhập" trở lại cuộc sống bình thường sau khi ra viện.
Vượt qua căn bệnh và truyền cảm hứng đến mọi người
Trong buổi tọa đàm này, không riêng các bác sĩ mà những người làm chương trình như chúng tôi cũng cảm thấy rất xúc động khi nhìn hình ảnh hai người phụ nữ siết chặt tay nhau để sẻ chia những buồn vui lẫn niềm hạnh phúc sau thời gian dài chiến đấu và vượt qua căn bệnh ung thư.
Đó là MC Hoài Hương - người mắc phải căn bệnh ung thư tuyến giáp (năm 2011) và Đặng Trần Thủy Tiên - "Hoa khôi truyền cảm hứng" của trường Đại học Ngoại thương (phát hiện mắc ung thư vú từ tháng 6-2019, lúc tròn 20 tuổi).
Thủy Tiên, cho biết từ lúc phát hiện mình bị ung thư vú, cô đã sống chung với nó vượt qua nó giống như một giấc mơ vậy.
Nhưng giấc mơ ấy - giấc mơ vượt qua căn bệnh quái ác này không phải lúc nào cũng màu hồng mà "ở đó có cả nước mắt và nỗi đau dằn vặt nhưng chưa bao giờ em từ bỏ cơ hội dù là nhỏ nhất để được sống, để đền đáp sự thương yêu của gia đình và thực hiện những hoài bão của mình".
Đặng Trần Thủy Tiên - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ba tháng sau khi phát hiện bệnh, Tiên đã nộp đơn thi "Duyên dáng Ngoại thương" và đã thu hút được sự chú ý của tất cả mọi người không đơn thuần chỉ vì căn bệnh đang mang mà chính là sự duyên dáng, nụ cười và một tinh thần lạc quan.
"Khi em chia sẻ câu chuyện của mình trên sân khấu lúc ấy đơn thuần chỉ mong muốn trải lòng về chuyện mình đang gặp phải và đối diện với nó ra sao nhưng không ngờ nó lan tỏa, được nhiều người biết đến như vậy", Tiên nhớ lại.
MC Hoài Hương nhớ như in cái ngày mình tham gia cuộc thi người dẫn chương trình của Đài truyền hình TP.HCM (2014) là lúc đang điều trị bệnh ung thư tuyến giáp. Lúc ấy, ngoài cô và gia đình không ai biết được điều này.
"Rất sợ phải nói ra, sợ người ta sẽ thương hại mình. Sau đó mình cũng có chia sẻ với một vị trong Ban giám khảo, được động viên nên chia sẻ câu chuyện trong chương trình để lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người. Nhưng mình đã từ chối và thật sự rất hối hận với điều đó", MC Hoài Hương hồi tưởng lại.
MC Hoài Hương - Ảnh: VĂN BÌNH
Mãi đến nhiều năm sau đó, Hoài Hương mới dám chia sẻ với nhiều người, trên mặt báo về câu chuyện của mình sau khi nghe lời khuyên của một đồng nghiệp: "Hương ơi! Đừng tích cực một mình, đừng vượt qua một mình, câu chuyện của em chia sẻ sẽ làm nhiều suy nghĩ tích cực. Và đặc biệt nhất là các bạn trẻ dù không mắc bệnh nhưng khi nghe câu chuyện này chắc chắn khi họ gặp khó khăn sẽ có động lực để vượt qua".
Đến hôm nay, khi gặp Thủy Tiên, Hoài Hương mới càng thấy trân trọng sự can đảm để đối diện với nghịch cảnh của cô gái trẻ này và đó chính là thông điệp trân quý gửi đến những người phụ nữ nhân ngày 20-10, dù mắc bệnh hãy can đảm đối diện, cố gắng vượt qua và hãy truyền thật nhiều cảm hứng đến với mọi người bằng câu chuyện của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận