Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại lễ phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh nhân ung thư vú "Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu" năm 2023 tổ chức chiều 19-10, tại trụ sở Bộ Y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ung thư vú là bệnh thường gặp, theo thống kê mỗi năm cả nước có khoảng 21.555 ca mắc mới, chiếm 25,8% tổng số các loại ung thư thường gặp ở nữ giới.
"Đáng lo ngại hơn, hiện nay ung thư vú đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Hơn nữa do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để phát hiện sớm bệnh. Dẫn đến nhiều chị em phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn, hiệu quả kém.
Việc tầm soát phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa quan trọng, tỉ lệ chữa khỏi lên tới 90%. Vì vậy, các chị em đừng trì hoãn, hãy tự chăm sóc bản thân và chủ động tầm soát định kỳ phát hiện ung thư vú", bà Lan nhấn mạnh.
Chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh nhân ung thư vú "Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu" năm nay với thông điệp "Bưởi hay chanh, khỏe tươi xanh mới đẹp". Chiến dịch mong muốn phụ nữ lắng nghe, yêu thương cơ thể và đặc biệt cần chủ động tầm soát ung thư vú.
Sau 10 năm hoạt động, chiến dịch đã tầm soát miễn phí cho hơn 72.000 phụ nữ toàn quốc. Hàng nghìn phụ nữ được hướng dẫn chăm sóc ngực, cách phát hiện bệnh sớm và phòng bệnh hiệu quả thông qua chuỗi chương trình.
Bà Tâm rạng rỡ với bộ tóc mới được trao tặng, chụp ảnh gửi về cho người thân - Ảnh: D.LIỄU
Có mặt tại buổi lễ từ sớm, bà Tâm (45 tuổi, bệnh nhân ung thư vú) đang điều trị tại Bệnh viện K, đưa tay vén mái tóc giả vừa được chương trình trao tặng. Cầm điện thoại, bà cười tươi làm dáng rồi chụp vài tấm ảnh gửi về cho người thân.
"Tôi vừa gửi ảnh cho các con và chồng khoe tóc mới, mấy tháng nay mọi người chưa nhìn thấy tóc tôi dài như vậy. Mọi người đều khen tôi xinh, vui lắm", bà Tâm hồ hởi nói.
Bà Tâm chia sẻ mình vừa phát hiện mắc ung thư vú hồi tháng 6 vừa qua. Ngày nhận được tin mình mắc ung thư vú, bà Tâm cũng hoang mang, sợ hãi, không biết rằng mình có thể vượt qua căn bệnh này không.
"Nhưng được các bác sĩ tư vấn, đồng bệnh chia sẻ và những người thân động viên, mình càng có động lực để chiến đấu. Tôi sẽ chiến thắng căn bệnh này", bà Tâm quả quyết.
Tại chương trình, 20 bệnh nhân ung thư vú được trao tặng tóc. Bên cạnh đó, Quỹ Vì ngày mai tươi sáng cũng dự định sẽ triển khai hàng loạt hoạt động dành cho bệnh nhân ung thư trên cả nước.
Trong đó, chuỗi chương trình "Diễn đàn bệnh nhân ung thư" sẽ được tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM để tư vấn, cập nhật thông tin về chẩn đoán, điều trị.
Tạo cơ hội cho những người bệnh gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, truyền năng lượng tích cực, tinh thần lạc quan để chiến đấu với bệnh tật.
Nam giới cũng mắc ung thư vú
Theo thống kê, tỉ lệ mắc ung thư vú ở nam ít hơn nữ giới, chỉ chiếm khoảng 1%. Do hiếm gặp nên nhận thức về ung thư vú ở nam giới còn hạn chế.
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương - giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nam giới.
Nam giới nhiều tuổi thì nguy cơ ung thư vú tăng (thường trên 60 tuổi); nam giới đã sử dụng estrogen; người bệnh mắc hội chứng Klinefelter; di truyền. Hoặc nam giới mắc một số bệnh lý, chẳng hạn như xơ gan, có thể làm giảm nội tiết tố nam và tăng nội tiết tố nữ, làm tăng nguy cơ ung thư vú.
"Nam giới khi nhận thấy bất thường vùng ngực như ngực lớn, có u cục,… cần đến cơ sở y tế để thăm khám. Cũng như ung thư vú ở nữ giới, việc tầm soát phát hiện sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị bệnh, tỉ lệ chữa khỏi cao", PGS Phương khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận