Ông Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế, thăm hỏi bệnh nhân ung thư vú đang điều trị tại Bệnh viện K. Bìa phải ảnh là Đặng Trần Thủy Tiên, bệnh nhân ung thư vú trẻ nhất ở Việt Nam (được phát hiện bệnh khi 19 tuổi) - Ảnh: T.H
Trao đổi với báo chí bên lề lễ ký đề án "Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú giai đoạn 2020 - 2025" vừa diễn ra tại Hà Nội chiều 8-12, bà Nguyễn Thị Xuyên, chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết trong khuôn khổ đề án này, lần đầu tiên sẽ thiết lập "bản đồ bệnh ung thư vú" tại Việt Nam.
"Hiện nay việc lập bản đồ đang được triển khai, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để phối hợp về số liệu đã được mã hóa về cơ cấu bệnh tật, nhóm bệnh, từ đó có thông tin về diễn tiến của bệnh, tỉ lệ mắc trong dân cư, phân bố theo địa giới lãnh thổ, từ đó có định hướng để phòng chống bệnh ung thư vú và các ung thư khác", bà Xuyên cho biết.
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới và đứng thứ 5 về tỉ lệ tử vong trong các loại ung thư thường gặp ở Việt Nam, với trên 15.200 ca mắc mới/năm và trên 6.100 ca tử vong/năm. Gần đây, bệnh ung thư vú có dấu hiệu trẻ hóa, đã phát hiện bệnh nhân dưới 20 tuổi mắc ung thư vú.
Theo ông Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế, 10 năm trước có đến 80% bệnh nhân ung thư vú đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn 3, 4, nhưng khảo sát gần nhất cho thấy tỉ lệ này đã giảm xuống, hiện ở mức 55%.
Ông Thuấn cho biết tỉ lệ được điều trị khỏi trong ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng ngày càng cao, trong đó có sự tiến bộ của các kỹ thuật chẩn đoán, xét nghiệm và các liệu pháp sinh học và phát hiện sớm bệnh nhân.
Đề án được ký kết lần này giữa Tổng hội Y học Việt Nam và Roche Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư vú, tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh, xây dựng "bản đồ ung thư vú", tăng cường số người được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm... được thực hiện trong 5 năm, tính từ cuối năm 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận