08/09/2023 15:45 GMT+7

Đề xuất bảo hiểm y tế chi trả sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Người có bảo hiểm y tế được chi trả khám bệnh để đánh giá nguy cơ đối với một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C...

Hội thảo xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi do Bộ Y tế tổ chức ngày 8-9 - Ảnh: HỒNG LAM

Hội thảo xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi do Bộ Y tế tổ chức ngày 8-9 - Ảnh: HỒNG LAM

Đây là một trong số những nội dung được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với mục tiêu chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh không lây nhiễm.

Ngày 8-9, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Đề xuất xây dựng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh trong dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.

Bảo hiểm y tế chi trả chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh lý

Theo bà Trần Thị Trang - quyền vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Bộ Y tế, nhằm đồng bộ về chính sách với Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực vào năm sau, cũng như chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng bảo hiểm y tế của người dân.

"Bộ Y tế đã đề xuất bảo hiểm y tế chi trả các chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường,… 

Đề xuất này dựa trên kinh nghiệm quốc tế, khoa học, mô hình bệnh tật cần quan tâm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang cố gắng có đánh giá về tác động, hiệu quả khi đưa các bệnh vào phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế", bà Trang nêu.

Bà Trang cũng cho rằng việc chẩn đoán sớm, phát hiện sớm sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch…

Bên cạnh đó, có thể đưa kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán các bệnh này về thực hiện tại y tế cơ sở tuyến xã, huyện.

Đây là những kỹ thuật không khó, y tế cơ sở có thể thực hiện được, đồng thời mở rộng phạm vi dịch vụ bảo hiểm y tế chi trả cho y tế cơ sở.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Văn Phúc, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết việc đưa danh mục chi trả sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh vào Luật Bảo hiểm y tế trong dự thảo là một trong những điểm mới. Hiện Luật Bảo hiểm y tế chỉ mới chi trả cho các dịch vụ khám, chữa bệnh.

"Việc khám sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích. Người dân được dự phòng tốt hơn, trong trường hợp phát hiện sớm có thể điều trị sớm, giảm chi phí điều trị. Theo dự thảo, việc sàng lọc này sẽ tập trung vào một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là quỹ bảo hiểm y tế còn hạn hẹp, chủ yếu vẫn đang tập trung chi trả cho khám chữa bệnh. Tương lai khi khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế thì cũng cần cân nhắc", ông Phúc nhận định.

Tiết kiệm hàng nghìn tỉ nhờ chẩn đoán, điều trị sớm

Đánh giá tác động kinh tế của việc đưa tăng huyết áp vào chẩn đoán, điều trị sớm, TS Nguyễn Khánh Phương, phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), cho hay chi phí phát sinh do sàng lọc tăng từ năm thứ nhất đến năm thứ 4. Bắt đầu từ năm thứ 5, chi phí này giảm xuống (đối tượng đích giảm).

Về chi phí tiết kiệm được khi sàng lọc sớm, trong năm thứ nhất chi phí điều trị vẫn ở mức khá cao (hơn 9.000 tỉ đồng), sau đó giảm dần do giảm số ca biến chứng nặng, đến năm thứ 4 chỉ còn 195 tỉ đồng.

Đặc biệt, từ năm thứ 5 sẽ không mất tiền mà còn tiết kiệm được chi phí cho điều trị. Cụ thể đến năm thứ 10, ước tính tiết kiệm được hơn 7.700 tỉ đồng.

"Như vậy, khi tính gộp chi phí sàng lọc và điều trị tăng huyết áp thì 4 năm đầu chi phí giảm dần từ hơn 9.000 tỉ đồng năm thứ nhất, đến thứ 5 giảm chi phí (ngân sách tăng thêm do tiết kiệm được trong điều trị). Trong 10 năm, chúng ta tiết kiệm chi hơn 12.000 tỉ đồng", TS Phương phân tích.

Với bệnh đái tháo đường, TS Phương cũng cho hay nếu tính gộp trong 10 năm ngân sách tiết kiệm được gần 1.700 tỉ đồng cho chi phí điều trị.

Đối với ung thư vú, ung thư cổ tử cung, TS Phương nhận định đây là hai gánh nặng bệnh tật và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phụ nữ trên toàn cầu. Việc phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý này sẽ giúp nâng cao chất lượng sống và giảm chi phí điều trị, gánh nặng kinh tế đối với người bệnh.

Các chuyên gia tại hội thảo đều đồng tình với việc đưa chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh lý vào phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế, từ đó từng bước giảm gánh nặng bệnh tật, nâng cao sức khỏe người dân.

Đưa vắc xin phòng ung thư cổ tử cung, cúm mùa... vào chương trình tiêm chủng mở rộngĐưa vắc xin phòng ung thư cổ tử cung, cúm mùa... vào chương trình tiêm chủng mở rộng

TTO - Chính phủ vừa ban hành quyết định đưa vắc xin phòng bệnh do virus rota, phế cầu, ung thư cổ tử cung và cúm mùa vào chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022-2030.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên