TS.BS Phạm Nguyên Quý - bác sĩ trưởng, khoa ung thư nội khoa Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản - đã đặt vấn đề như vậy tại tọa đàm "Cập nhật tiến bộ trong tầm soát, chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa, kinh nghiệm thực tiễn tại Nhật Bản và Việt Nam". Tọa đàm này do Hệ thống y khoa chuyên sâu quốc tế Bernard vừa tổ chức tại TP.HCM.
"Tầm soát, phát hiện sớm" là ưu tiên hàng đầu tại Nhật Bản trong chiến lược giảm thiểu gánh nặng do ung thư
Dù đang công tác tại Nhật Bản nhưng năm nào bác sĩ Quý cũng sắp xếp về Việt Nam 1-2 lần. Anh phối hợp với các bệnh viện, phòng khám ở khắp mọi miền đất nước để lan tỏa những kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị ung thư tại Nhật Bản cho các đồng nghiệp Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm này, bác sĩ Quý cũng đã tâm huyết chia sẻ những thay đổi ở mức độ chính sách, những nỗ lực triển khai các chương trình cộng đồng để kiểm soát ung thư tại xứ sở Phù Tang.
Theo bác sĩ Quý, ở Nhật Bản cũng có nhiều người mắc bệnh ung thư do tuổi thọ của người dân ở Nhật Bản ngày càng cao với số người trên 65 tuổi chiếm tới 29% dân số.
Trong khi đó, ung thư là một bệnh tăng dần theo độ tuổi. Tại Nhật Bản, ung thư đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu từ năm 1981. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản đã có một chiến lược nhất quán để kiểm soát ung thư ở nhiều cấp độ khác nhau.
Đầu tiên là cải thiện nhận thức của mỗi người dân về bệnh ung thư. Người dân hiểu được ung thư là bệnh có thể phòng tránh được, còn khi mắc bệnh mà được phát hiện sớm thì có thể chữa lành.
Để phát hiện sớm ung thư, người dân cần hiểu đúng về tầm soát và tiếp cận đúng nơi thực hiện tốt việc tầm soát các loại bệnh ung thư theo khuyến khích của chính phủ.
Nhật Bản đầu tư vào việc tầm soát phát hiện sớm những loại ung thư phổ biến như ung thư phổi, đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Đây là những loại ung thư có thể tầm soát để phát hiện sớm và kèm theo các phương pháp điều trị hiệu quả, dứt điểm để cải thiện thời gian sống cho người đi tầm soát.
Song song đó, Nhật Bản cũng cải thiện hệ thống điều trị ung thư. Hầu hết bệnh nhân ung thư đều có thể tiếp cận điều trị tại những bệnh viện chuyên sâu ở các tỉnh thành, gần nơi mình sống, chứ không nhất thiết phải đến các thành phố lớn để điều trị.
Nhật Bản còn có một hệ thống ghi nhận bệnh ung thư. Tất cả các bác sĩ ở Nhật Bản khi phát hiện ra một bệnh nhân mắc bệnh ung thư đều phải báo cáo với chính phủ. Các bác sĩ cũng phải tiếp tục báo cáo tiến trình điều trị của bệnh nhân, như kết cục thế nào, sống thêm bao lâu...
Từ đó, các chuyên gia và chính phủ sẽ có số liệu về vấn đề cụ thể của các loại ung thư, và đưa ra những chiến lược ứng phó hợp lý.
Nhật Bản cũng đẩy mạnh nghiên cứu về ung thư, nhờ đó phát triển thêm nhiều lựa chọn điều trị mới giúp bệnh nhân ung thư có tuổi thọ dài hơn.
"Trong thực tế, ngày càng có nhiều người điều trị thành công bệnh ung thư, nhưng cũng có nhiều người phải sống chung lâu dài với ung thư hoặc các khuyết tật, di chứng do điều trị ung thư. Cải thiện xã hội để bệnh nhân ung thư có thể chung sống dễ dàng hơn là việc cần làm để đảm bảo an sinh. Chính vì thế, Nhật Bản cũng đã xúc tiến nhiều chính sách, chương trình giúp đỡ những người bệnh ung thư để họ không chỉ được điều trị ung thư tốt hơn mà còn có thể tiếp tục học tập, làm việc và hòa nhập với cộng đồng", bác sĩ Quý nhấn mạnh.
Độ tuổi nào nên tầm soát ung thư?
Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 122.000 ca tử vong do ung thư và có thêm 182.563 ca mắc mới. Những loại ung thư phổ biến tại Việt Nam là gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.
Nếu được phát hiện sớm, nhiều bệnh ung thư sẽ dễ chữa lành hơn. Cụ thể, tỉ lệ điều trị chữa lành cho ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng giai đoạn rất sớm có thể lên đến 95-99%.
Điều này nói lên tầm quan trọng của tầm soát ung thư. Khi phát hiện ung thư qua tầm soát, bệnh nhân thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất nhẹ, quá trình điều trị cũng ngắn hơn, hiệu quả hơn trong khi chi phí điều trị thấp hơn.
"Tuy nhiên, có hơn 200 loại bệnh ung thư khác nhau, nên tầm soát loại ung thư nào? Khi nào thì nên tiến hành tầm soát? Tầm soát theo phương pháp nào là tốt?...", bác sĩ Quý nêu ra nhiều vấn đề quan trọng.
Vì tầm soát cần định kỳ - lặp lại sau một thời gian, ngay cả khi không có triệu chứng, các chuyên gia cho rằng những loại ung thư quá hiếm thì không nên tầm soát vì sẽ lãng phí (rất khó phát hiện ra).
Vì ung thư tăng dần theo độ tuổi, tùy tỉ lệ mắc bệnh tại mỗi nước mà các hiệp hội chuyên ngành sẽ đề xuất độ tuổi nhất định để đi tầm soát. Ví dụ, phụ nữ trên 21 tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung nhưng người lớn trên 40-50 tuổi mới nên đi tầm soát ung thư dạ dày và đại trực tràng.
Nhờ phổ biến các chương trình tầm soát ung thư cho cộng đồng bằng nội soi dạ dày với các hình thức khuyến khích như tích hợp vào chương trình khám sức khỏe định kỳ của doanh nghiệp, tại Nhật Bản có đến 63,9% ung thư dạ dày được phát hiện sớm, trong khi tại Việt Nam đa số người mắc bệnh ung thư loại này ở giai đoạn trễ, tức giai đoạn 3-4.
Vì xét nghiệm máu đo dấu ấn ung thư như CEA, CA19-9… thường tốn kém nhưng không có ích trong tầm soát ung thư dạ dày, bác sĩ Quý nhấn mạnh rằng nên thay thế chúng bằng nội soi dạ dày, nhất là ở những người có yếu tố nguy cơ như bị viêm teo dạ dày, đã từng bị loét dạ dày hay nhiễm vi khuẩn H.Pylori.
Ngoài ra, không chỉ tiến hành tầm soát ung thư mà còn phải kết nối bệnh nhân với cơ sở điều trị bệnh hiệu quả để họ có kết cục tốt nhất.
Nội soi toàn bộ đại tràng, xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, CT đại tràng ảo được khuyến cáo ứng dụng tầm soát ung thư đại trực tràng.
Với ung thư phổi, phương pháp tầm soát được Hiệp hội Ung thư Nhật Bản khuyến cáo là CT scan (chụp cắt lớp vi tính) liều thấp, độ tuổi nên tầm soát tùy vào yếu tố nguy cơ (hút thuốc…).
Tại buổi tọa đàm, BS.CK2 Trần Đoàn Đạo, chủ tịch Hội đồng cố vấn y khoa Bernard, cho biết ông rất tâm đắc với những thông tin mà bác sĩ Quý chia sẻ. Tại Hệ thống y khoa chuyên sâu quốc tế Bernard cũng hướng đến tầm soát và chẩn đoán ung thư sớm bằng các công nghệ cao, theo mô hình Nhật Bản.
Không ít khách hàng đến với Bernard khi chưa có triệu chứng nhưng đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Khách hàng đã được chẩn đoán bệnh từ giai đoạn sớm nên đã được giới thiệu tới các bệnh viện chuyên ngành để điều trị hiệu quả.
Một số bệnh nhân đã được hội chẩn từ xa với góp ý từ các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Dược Yamanashi (Nhật Bản).
Những bệnh lý ung thư thường gặp qua tầm soát sức khỏe tại Bernard là ung thư tuyến giáp, ung thư đại trực tràng, ung thư gan, ung thư vú, ung thư cổ tử cung...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận