Ngày 4-7, bác sĩ Tống Thanh Hải, chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia, chia sẻ vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân trong tình trạng tay phải to gấp rưỡi tay bên trái do biến chứng sau điều trị ung thư vú.
Bà N. cho biết sau khi điều trị ung thư vú ổn định, cánh tay bà bắt đầu to dần, hạn chế vận động, thậm chí phải dùng dây vải để treo tay lên.
Gần đây, bà xuất hiện tình trạng mệt mỏi, sốt cao, cánh tay phải sưng đỏ, ngứa ngáy. "Tôi gãi nổi mụn rộp, có mủ, rất đau. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đến bác sĩ để cắt bỏ cánh tay để khỏi đau đớn", bà N. bộc bạch.
Bác sĩ Hải cho hay bệnh nhân được chẩn đoán mắc biến chứng phù bạch mạch sau điều trị ung thư, còn gọi là phù tay voi. Đây là hiện tượng tích tụ, ứ đọng dịch trong hệ bạch huyết, dẫn đến cánh tay bị phù to. Người bệnh có cảm giác đau đớn, các chi khó cử động và di chuyển, gây khó khăn sinh hoạt.
Theo bác sĩ Trần Thị Hòa Bình - khoa hóa trị can thiệp và chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), sau điều trị ung thư vú, phẫu thuật cắt bỏ hay xạ trị vào vùng nách nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư vú ác tính nhưng lại khiến cho hệ thống bạch mạch và hạch bạch huyết bị tổn thương, tắc nghẽn.
Lượng bạch huyết vốn dĩ được lưu thông tuần hoàn, nay bị chặn lại, dẫn đến tình trạng ứ đọng vào các kẽ mô xung quanh gây phù nề.
Tại Bệnh viện Bỏng quốc gia, bà N. được điều trị bằng kháng sinh chống viêm liều cao và thay băng chăm sóc tay viêm, chích mủ các nốt phỏng viêm mủ.
Sau đó, khi sức khỏe khá hơn, bà được chỉ định mổ gấp để nối thông bạch mạch - tĩnh mạch bằng kỹ thuật siêu vi phẫu. Đây là kỹ thuật vi phẫu áp dụng với các mạch máu có đường kính dưới 0,7mm. Kỹ thuật này được PGS.TS Vũ Quang Vinh, phó giám đốc Bệnh viện Bỏng quốc gia, phát triển.
Ca mổ kéo dài khoảng 4 giờ. Sau mổ vài ngày, tay của bệnh nhân gần như đã trở về vận động linh hoạt tốt hơn.
Trước phẫu thuật, bắp tay phải của bà có đường kính 40,5cm, bắp tay trái là 25,5cm. 5 ngày sau ca mổ, bắp tay phải rút xuống còn 36,5cm và sẽ còn tiếp tục giảm.
Theo bác sĩ Hải, bệnh nhân phù bạch mạch do di chứng điều trị ung thư rất lớn song hầu hết không biết chữa trị ở đâu và đành sống chung. Trong khi đó, nếu không điều trị sớm, phù biến chứng nặng có thể dẫn đến cắt cụt chi thể.
Bác sĩ khuyến cáo sau điều trị ung thư, nếu phát hiện các bất thường, bệnh nhân cần đến khám tại các cơ sở y tế sớm để được can thiệp kịp thời.
Gần 80% liên quan đến ung thư
Bác sĩ Hải cho biết thêm chứng phù tay voi, chân voi có thể ảnh hưởng 140-200 triệu người trên toàn thế giới, nữ giới mắc nhiều hơn nam. Có hai căn nguyên gây phù, thứ nhất là phù bạch mạch nguyên phát, hiếm gặp, chiếm 1/100.000, do bất thường hệ thống bạch mạch.
Thứ hai là phù bạch mạch thứ phát với tỉ lệ mắc 1/1.000, tuổi trung bình 50-58, trong đó 75-80% liên quan đến ung thư.
Bệnh phù tay voi giai đoạn 4, biến chứng nặng viêm nhiễm mô da. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm nhiễm toàn bộ hệ thống bạch huyết, mô mềm dưới da. Hậu quả là có thể phải cắt bỏ tay. Nặng hơn nữa có thể dẫn đến nhiễm khuẩn máu, suy đa tạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận