Nhiều golfer sau khi tham dự giải lần đầu tiên vào năm 2019 đã tiếp tục đồng hành với giải năm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong đêm gala, ban tổ chức sẽ công bố và trao giải cho 25 gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu được chọn - trong đó có một giải đặc biệt. Nhưng đó không phải là ý nghĩa duy nhất mà Golf for Start-up do báo Tuổi Trẻ phát động mang đến.
Ý nghĩa không chỉ nằm ở giải thưởng
"Việc ban tổ chức trao giải thưởng hỗ trợ kinh phí cho các gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu là điều rất ý nghĩa. Nhưng khi tham gia một sự kiện như thế này, tôi nghĩ đó không phải là lợi ích duy nhất của các bạn trẻ, của những người ôm giấc mơ khởi nghiệp. Quan trọng hơn cả là tạo ra cơ hội cho các bạn trẻ gặp gỡ các doanh nhân.
Họ có thể là những nhà đầu tư tiềm năng hay đơn giản là những người đi trước. Với người khởi nghiệp, càng tạo dựng nhiều mối quan hệ càng tốt, đây chính là điều ý nghĩa nhất mà giải đấu mang lại" - golfer Lê Hải Bình, đồng thời là giám đốc một doanh nghiệp, nói.
Với ý nghĩa đó, ngay khi được ra đời vào năm 2019, Tuổi Trẻ Golf for Start-up đã nhận được đông đảo sự quan tâm từ cộng đồng các doanh nhân - cũng là các gương mặt quen thuộc trong làng golf Việt Nam.
Nhiều doanh nhân tên tuổi đã tham gia ban giám khảo chấm giải cho các start-up như ông Phạm Phú Ngọc Trai (chủ tịch GIBC), ông Trần Thanh Tú (chủ tịch Tập đoàn Thái Bình, cũng là chủ tịch Hội golf TP.HCM), ông Don Lam (CEO VinaCapital), bà Lê Diệp Kiều Trang (sáng lập viên quỹ Alabaster)...
Anh Đỗ Văn Tiến, một golfer dự giải, cho biết: "Tôi khởi nghiệp từ việc học nghề, ra mở xưởng nhỏ rồi dần dần có kinh nghiệm mới phát triển thành doanh nghiệp. Vậy nên tôi hiểu rõ giá trị mà giải đấu mang đến cho các bạn trẻ. Ngay khi biết đến giải đấu, tôi lập tức đăng ký ngay mà không nghĩ ngợi nhiều, dù tôi đến giải với mục đích giao lưu là chính bởi giải quy tụ rất nhiều golfer tên tuổi.
Nhìn các bạn trẻ bây giờ khởi nghiệp với hừng hực đam mê, tôi như thấy lại hình ảnh của mình ngày nào. Theo tôi, nếu báo Tuổi Trẻ duy trì sự kiện này hằng năm, giải golf sẽ trở thành một ngày hội của những giấc mơ khởi nghiệp".
Vẫn là một sân chơi golf đỉnh cao
Rất nhiều golfer sau khi tham dự giải lần đầu tiên vào năm 2019 đã tiếp tục đồng hành với giải năm nay, cho thấy Golf for Start-up đã dần trở thành một sân chơi uy tín với cộng đồng các golfer. Trong khi đó, số lượng những người lần đầu tham dự giải cũng tiếp tục tăng.
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Nhã - một golfer dày dạn kinh nghiệm khi từng 4 lần tham dự các giải golf vô địch nghiệp dư nữ quốc gia - cho biết: "Tôi từng đánh golf ở rất nhiều sân của Việt Nam và khoảng 20 nước trên thế giới. Tôi thấy sân golf Long Thành là một trong những sân có diện tích rộng và phong cảnh rất đẹp. Điều này giúp VĐV thích thú và thi đấu thêm hưng phấn. Và sân golf Long Thành cũng có rất nhiều thách thức như hồ, đây là điều mà những golfer như tôi rất ngại, nếu chẳng may lỡ đánh bóng rơi xuống hồ sẽ bị phạt gậy".
Từng giành nhiều thành tích ấn tượng như á quân nữ của Giải golf tạp chí Forbes Việt Nam, hạng nhất nữ Giải golf của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chị Thanh Nhã vẫn không dám tự tin sẽ giành chiến thắng ở giải bởi phải đối đầu nhiều đối thủ mạnh.
Ông Lê Thanh Tùng - phó tổng giám đốc HD Bank, là đơn vị đồng hành, cũng là một golfer dự giải - nói: "Tôi từng tham dự nhiều giải golf, trong đó có những giải mang mục đích từ thiện, và giải Golf for Start-up của báo Tuổi Trẻ tổ chức vẫn khiến tôi có những ấn tượng đặc biệt. Đây là một thời điểm rất khó khăn với công việc kinh doanh của các bạn trẻ, có thể có được sự hỗ trợ, giúp sức từ cộng đồng vào lúc này là điều rất quý giá. Cả cộng đồng chơi golf cũng vậy, tôi mới tham gia giải lần đầu và rất hi vọng đây sẽ trở thành một sân chơi thường niên".
Nhiều doanh nghiệp và gôn thủ muốn đồng hành
Những start-up tiêu biểu được tặng bằng khen và các giải thưởng giá trị - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Càng sát ngày gala, càng nhiều tin nhắn và cuộc gọi liên lạc đến ban tổ chức thể hiện sự quan tâm, mong muốn đồng hành. Có doanh nghiệp còn mạnh dạn đề xuất ban tổ chức mở luôn hai sân trong mùa giải này để đáp ứng nguyện vọng của các gôn thủ. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp muốn đồng hành cùng mùa giải năm nay cũng gia tăng.
Dự án Tuổi Trẻ Golf Tournament ra đời lần đầu năm 2019, là giải đấu thường niên, với mục đích tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, do báo Tuổi Trẻ đồng hành với một số đơn vị tổ chức.
Hơn 25 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên các ấn phẩm của báo Tuổi Trẻ từ tháng 7 đến tháng 9-2020. Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.
Thông qua hội đồng thẩm định, ban tổ chức chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí vào đêm Gala 18-9 tại sân golf Long Thành, với sự đồng hành của các đơn vị như: Golf Long Thành, HD Bank, nhãn Trà Xanh Không độ, Quỹ VinaCapital Ventures, Công ty CP ĐT&TM Thái Bình, Hội Gôn TP.HCM (SGGA), IDICO, CT&D... (dự kiến 25 start-up sẽ được trao bằng khen + giải thưởng 20 triệu đồng, trong đó có 1 start-up được trao giải đặc biệt với bằng khen + giải thưởng lên tới 100 triệu đồng).
Cơ hội để giành những giải thưởng hấp dẫn
Trong năm thứ hai tổ chức, Golf for Start-up đã đạt quy mô giải thưởng rất lớn với các giải thưởng hiện vật có giá trị lên đến nhiều tỉ đồng, 5 tấm vé tham dự vòng chung kết MercedesTrophy VN 2020 và giải Hole in one (Một gậy vào lỗ) bao gồm một căn hộ Novaland cùng xe Mercedes trị giá 4,5 tỉ đồng.
Nhiều người vẫn cho rằng giải Hole in one là "bất khả thi", và các giải thưởng đặt ra chỉ để "trêu ngươi" VĐV. Sự thật có phải như vậy? Thật ra, Hole in one đúng là rất khó, nhưng không phải là không thể với hầu hết các giải đấu. Thống kê của Hiệp hội golf Mỹ cho thấy tỉ lệ để thực hiện thành công một cú Hole in one là 1/3.000 lượt đánh, một con số khá cao. Và đã có rất nhiều golfer nghiệp dư, gồm cả những cậu bé lẫn những người ngoài 70 tuổi thực hiện thành công một cú Hole in one.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận