16/09/2020 19:09 GMT+7

Nhóm bạn trẻ 10X vô địch khởi nghiệp quốc tế nhờ... cùi bắp

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Một trong những điểm đặc biệt của dự án "ghi điểm" trong mắt ban giám khảo quốc tế là việc sử dụng bao tải đay (gai) thay cho bao tải dứa thường được bà con sử dụng để đựng lõi ngô.

Nhóm bạn trẻ 10X vô địch khởi nghiệp quốc tế nhờ... cùi bắp - Ảnh 1.

Với dự án tái chế cùi bắp, nhóm bạn trẻ 10X ở Hà Nội tạo thu nhập cho bà con nông dân, tái chế 100% nguyên liệu cùi bắp tưởng chừng như vứt đi - Ảnh: QUANG NAM

"Ai cũng nói cùi bắp vô dụng, nhưng cùi bắp Cobtain thì khác". Với 9.000 tấn sản phẩm được tái chế từ "cùi bắp", một nhóm bạn trẻ 10X ở thủ đô đã ngăn được lượng lớn CO2 thải ra môi trường. Họ còn thu mua "cùi bắp" tưởng chừng vứt đi, tạo thu nhập cho bà con nông dân vùng cao.

Phạm Minh Tuấn (15 tuổi, ở Hà Nội) vẫn nhớ giây phút tên gọi "Cobtain, Vietnam" được xướng tên vô địch cuộc thi Khởi nghiệp trẻ quốc tế (SAGE Global 2020) với dự án tái chế "cùi bắp" (lõi ngô - PV).

"Lễ công bố giải này rất đặc biệt vì tổ chức online, rất tiếc chúng em không được ngồi cạnh nhau trong giây phút ấy. Khi ban giám khảo xướng tên Coptain và chúc mừng đại diện Việt Nam chung cuộc, mọi người vỡ òa trong hạnh phúc. Bây giờ chúng em vẫn còn cảm giác lâng lâng hạnh phúc, bởi không chỉ tên Coptain, mà cả tên Việt Nam được xướng lên tại đấu trường quốc tế", Tuấn nhớ lại.

Nhóm bạn trẻ 10X vô địch khởi nghiệp quốc tế nhờ... cùi bắp - Ảnh 2.

Vượt qua 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhóm bạn trẻ 10X ở Hà Nội vừa đoạt ngôi vô địch cuộc Khởi nghiệp trẻ quốc tế năm 2020 với dự án tái chế lõi ngô - Ảnh: QUANG NAM

Tái chế 100%, đến cả bụi ngô cũng được tận dụng

Dự án tái chế lõi ngô do Trần Hải Yến (15 tuổi), Nguyễn Ngọc Khánh Linh (14 tuổi), Trần Thái Uyên (13 tuổi), Nguyễn Vĩnh Hạnh Linh (16 tuổi), Dương Phương Nhi (14 tuổi), Nguyễn Phúc Thạch Anh (15 tuổi) và Phạm Minh Tuấn (15 tuổi) triển khai từ cuối năm 2019. 

Chưa đầy 5 tháng sau, họ nhờ phụ huynh đứng tên đăng ký thành lập công ty, và một tháng sau đó bán ra thị trường những sản phẩm tái chế đầu tiên từ lõi ngô.

"Ý tưởng tái chế lõi ngô nảy ra lúc đi chơi ở Mộc Châu (Sơn La) vào hè năm ngoái. Chúng mình đi bộ thấy lõi ngô bị đốt rất nhiều hai bên đường. Mọi người thường quan tâm đến túi nilon, rác thải nhựa, chúng mình chọn lõi ngô. Thay vì vứt đi, chúng mình tái chế thành những sản phẩm người tiêu dùng hàng ngày có thể dùng được như trồng cây, giúp người nông dân lót chuồng cho gia súc gia cầm, tạo phân bón", Thạch Anh - thành viên nhóm chia sẻ về ý tưởng tái chế "cùi bắp".

Có ý tưởng rồi, nhóm bạn trẻ 10X ngồi lại với nhau, đặt ra nhiều câu hỏi như phải làm thế nào, phải làm những gì và làm cho ai. Các bạn phải nghiên cứu nhiều sách báo, từ người đi trước và đến tận nhà máy xuất khẩu lõi ngô hàng đầu tại Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm, tìm câu trả lời. "Chúng mình nghiên cứu lượng lõi ngô vứt đi hàng năm, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước ra sao để xem khả năng phát triển của dự án", Thái Uyên bộc bạch.

Quá trình tìm hiểu, nhóm biết được theo số liệu thống kê, hằng năm ở Việt Nam có khoảng 8 - 10 triệu tấn sản lượng lõi ngô thải ra môi trường. Họ tìm đến vùng trồng ngô ở Sơn La thuyết phục bà con nông dân, thu mua sản lượng lớn lõi ngô rồi chuyển về một nhà máy ở Hòa Bình là đối tác sản xuất, cũng là nhà cung cấp các sản phẩm lõi ngô số 1 tại Việt Nam. 

Tại đây, "cùi bắp" được chế biến thành hai dạng: lõi ngô ép viên được dùng làm đệm lót sinh học cho gia súc, gia cầm, thú cưng, đồng thời có thể làm thức ăn cho chúng, và sản phẩm thứ hai là lõi ngô nghiền được dùng làm giá thể trồng cây và thêm dinh dưỡng cho cây.

"Chúng mình sản xuất không rác thải, tái chế 100% nguyên liệu, không vứt đi bất kỳ nguyên liệu nào. Trong công đoạn nghiền lõi ngô sẽ có rất nhiều bụi ngô, chúng mình phát hiện ra bụi ngô cũng có thể giữ lại được. Chưa kể, lõi ngô được thu mua từ người dân địa phương. Trước kia bà con hay đốt nay, mình thu mua giúp tăng thu nhập cho họ", Thạch Anh bộc bạch.

Một trong những điểm đặc biệt của dự án "ghi điểm" trong mắt ban giám khảo quốc tế là việc sử dụng bao tải đay (gai) thay cho bao tải dứa thường được bà con sử dụng để đựng lõi ngô. Nhờ điều này, quá trình vận chuyển nguyên liệu đến nhà máy và quá trình sản xuất sẽ hạn chế được những sợi nhựa lẫn vào lõi ngô.

Nhóm bạn trẻ 10X vô địch khởi nghiệp quốc tế nhờ... cùi bắp - Ảnh 3.

Sản phẩm lõi ngô ép viên được bán với giá 7.000 đồng/kg - Ảnh: QUANG NAM

Biến ý tưởng thành hiện thực

Khó khăn hơn cả là thời điểm chạy dự án lại xảy ra dịch bệnh COVID-19, chưa kể các thành viên trong nhóm phải "chạy nước rút" hoàn thiện hồ sơ du học cấp 3. Nhóm cho biết việc họp mặt các thành viên là điều khó khăn nhất, vừa sắp xếp thời gian, vừa phải cân bằng giữa việc học và khởi sự kinh doanh sao cho hiệu quả nhất.

Chưa đầy 5 tháng sau đó, các bạn trẻ 10X quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực, cho ra mắt sản phẩm tái chế đầu tiên từ 5 tấn lõi ngô tưởng chừng vứt đi. Họ đến hội chợ nông sản giới thiệu sản phẩm tái chế, khá nhiều khách hàng tò mò tìm đến, đánh giá cao sản phẩm độc đáo, thân thiện với môi trường. Giá bán ra là 5.000 đồng/kg lõi ngô nghiền và 7.000 đồng/kg lõi ngô ép viên.

"Buổi sáng đầu tiên bán hàng lãi được 120.000 đồng, cả nhóm không dám ăn trưa, suốt 3 ngày hội chợ đều bán hàng xuyên trưa. Các cô chú hỏi nhiều lắm, vì sản phẩm tái chế lõi ngô của chúng em chưa có nhiều người bán, khách hàng ai cũng tò mò về công dụng và cách sử dụng sản phẩm", Khánh Linh, thành viên nhóm bộc bạch.

Nhóm bạn trẻ cùng nhau thành lập công ty mang tên Cobtain với khẩu hiệu "Nguồn sống từ cùi bắp", mở văn phòng bày bán sản phẩm thân thiện với môi trường đặt ở Hà Nội. Nhóm bạn cho biết tên gọi Cobtain là sự kết hợp giữa hai từ tiếng Anh, trong đó "Cob" là lõi ngô và "Obtain" nghĩa là đạt được một điều gì đó.

"Lúc họp nhóm, các bạn mời bố mẹ đến nghe, tính toán chi phí, gặp gỡ thuyết phục nông dân, nhà máy ra sao. Ban đầu tính vốn đầu tư khá cao, các bạn có ý muốn xin phụ huynh hỗ trợ. Về sau làm việc với cô chú ở nhà máy, cắt giảm được chi phí sản xuất nên không cần đến sự hỗ trợ của bố mẹ nữa mà các bạn lấy tiền tiết kiệm ống heo góp vào. Cả năm trời chạy dự án, các thành viên đã nỗ lực hết mình để đảm bảo kết quả học tập tốt", chị Đặng Quỳnh Trang, 43 tuổi, phụ huynh chia sẻ.

Không dừng lại ở tái chế lõi ngô và tạo thu nhập cho bà con, nhóm cho biết sắp tới Cobtain sẽ mở rộng thị trường, làm việc với các trang trại trồng nấm, các công ty thiết kế cảnh quan, trang trại gia súc, gia cầm. Đồng thời mục tiêu trong 5 năm tới là trở thành nhà bán lẻ sản phẩm lõi ngô số 1 tại thị trường Việt Nam.

Nhóm bạn trẻ 10X vô địch khởi nghiệp quốc tế nhờ... cùi bắp - Ảnh 4.

Vượt qua 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhóm bạn trẻ 10X ở Hà Nội vừa đoạt ngôi vô địch cuộc Khởi nghiệp trẻ quốc tế năm 2020 với dự án tái chế lõi ngô - Ảnh: QUANG NAM

11h đêm 11-8 (theo giờ Việt Nam), đội Cobtain được xướng tên với ngôi vị cao nhất tại chung kết cuộc thi "Khởi nghiệp trẻ quốc tế - SAGE Global 2020" được tổ chức tại Mỹ, quy tụ hơn 10.000 học sinh đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tại cuộc thi này, Việt Nam lên ngôi vô địch - lập kỳ tích hai lần liên tiếp tại sân chơi Khởi nghiệp trẻ quốc tế.


Vinh danh 25 startup Việt tiêu biểu đêm 18-9

Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các start-up tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Startup 2020.

Đây cũng là hoạt động nhằm kỉ niệm 75 năm Quốc Khánh nước CHXHCN Việt Nam, 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.

Sẽ có khoảng 20-25 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 7 đến đầu tháng 9-2020. Dự kiến thời điểm trao giải cho các startup được hội đồng chuyên môn chọn sẽ là đêm 18-9 tại sân golf Long Thành.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư.

Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: Golf Long Thành, HD Bank, nhãn Trà Xanh Không độ, quỹ VinaCapital Ventures, CP ĐT&TM Thái Bình, IDICO, Hội Gôn TP.HCM (SGGA), Tân Thuận... (sẽ có khoảng 20- 25 startup được trao bằng khen + giải thưởng là 20 triệu đồng, trong đó, có 1 startup được trao giải đặc biệt với bằng khen + giải thưởng lên tới 100 triệu đồng).

Nhóm bạn trẻ 10X vô địch khởi nghiệp quốc tế nhờ... cùi bắp - Ảnh 7.
Dốc hết con tim khi khởi sự doanh nghiệp Dốc hết con tim khi khởi sự doanh nghiệp

TTO - Trong dịch COVID-19, những lĩnh vực như tổ chức sự kiện và quảng cáo bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫu vậy Nguyễn Hoài Đức (24 tuổi, sáng lập viên Công ty truyền thông COMUSUN) vẫn bình tĩnh lèo lái công ty vượt qua đợt sóng gió bất ngờ trên.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên