03/09/2020 09:32 GMT+7

Từ vụ patê Minh Chay: Chấp nhận cảnh báo nhầm để phản ứng nhanh được không?

TIẾN LONG thực hiện
TIẾN LONG thực hiện

TTO - 'Tính mạng và sức khỏe người dân là quan trọng nhất, nên phải sớm cảnh báo. Tuy nhiên, để tránh việc ảnh hưởng đến doanh nghiệp khi cảnh báo nhầm thì cơ quan chức năng vào cuộc một cách nghiêm túc nhất'.

Từ vụ patê Minh Chay: Chấp nhận cảnh báo nhầm để phản ứng nhanh được không? - Ảnh 1.

Điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc do patê Minh Chay tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: D.PHAN

Liên quan vụ việc patê Minh Chay, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng thà chọn cảnh báo nhầm để phản ứng ngay vì yếu tố sức khỏe phải được đặt lên hàng đầu thay vì làm “đúng quy trình” như hiện nay.

Tuổi Trẻ trao đổi với đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu trung ương (Hà Nội), về quan điểm này.

* Ông có quan điểm như thế nào trước ý kiến của bà Phạm Khánh Phong Lan?

- Quan điểm nếu có dấu hiệu thì cảnh báo, phản ứng ngay khi có sự cố về an toàn thực phẩm của bà Phạm Khánh Phong Lan tôi cho là đúng. Tức là nếu phát hiện một sản phẩm nào đó có dấu hiệu gây hại cho người sử dụng thì ngay lập tức phải công bố cảnh báo cho nhà sản xuất để đề nghị họ phối hợp kiểm tra. 

Đồng thời cảnh báo sớm cho người tiêu dùng biết, thận trọng khi sử dụng sản phẩm trong thời gian chờ cơ quan chức năng làm rõ.

* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu "cảnh báo nhầm" sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho doanh nghiệp sản xuất?

- Sức khỏe và tính mạng của người dân phải được đặt trên hết so với lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. Tất nhiên việc công bố cảnh báo ở đây là cảnh báo có hiện tượng và dấu hiệu cho thấy sản phẩm đó có vấn đề chứ không phải lập tức đình chỉ, buộc doanh nghiệp dừng hoạt động. 

Nói rõ hơn, chúng ta nên công bố hiện tượng có một số trường hợp đã sử dụng sản phẩm nào đó và đề nghị nhà sản xuất phải xem lại sản phẩm, quy trình sản xuất. Đồng thời lưu ý người dân khi sử dụng sản phẩm phải thận trọng, nếu có tình trạng xấu khi sử dụng sản phẩm thì phải báo cho cơ quan chức năng ngay.

* Theo ông, cần làm gì để giải quyết vấn đề quy trình?

- Quy trình đưa ra cảnh báo về an toàn thực phẩm hiện nay quá cứng nhắc, dẫn đến một số vụ việc được công bố chậm trễ. Theo tôi, cần phải xem lại hệ thống pháp lý quy định về việc truy tìm, thông báo, cảnh báo sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm như vụ patê Minh Chay để tránh hiện tượng một số cơ quan chủ quan khi xử lý vụ việc.

Trong đó quy định rõ quy trình cảnh báo, những cấp độ cảnh báo và khung thời gian cụ thể để các cơ quan chức năng đưa ra kết quả xác minh. Lấy ví dụ, khi có hai người có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm patê Minh Chay, cần phải cảnh báo ngay cho nhà sản xuất và người dân biết. 

Đồng thời trong 1-2 ngày, cơ quan chức năng cũng phải xác minh và đưa ra kết luận xác minh. Đây có thể gọi là mốc thời gian cụ thể theo hình thức "xét nghiệm cấp cứu".

* Việc "xét nghiệm cấp cứu" có phải là yêu cầu để đảm bảo không ảnh hưởng đến doanh nghiệp nếu có "cảnh báo nhầm"?

- Đúng như vậy. Như tôi nói, tính mạng và sức khỏe người dân là quan trọng nhất, nên phải sớm cảnh báo. Tuy nhiên, để tránh việc ảnh hưởng đến doanh nghiệp khi "cảnh báo nhầm" thì cơ quan chức năng vào cuộc một cách nghiêm túc nhất. 

Cần quy định sau khi cảnh báo lập tức các cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay, đặc biệt bộ phận an toàn thực phẩm, để kiểm tra, kiểm định và nhanh chóng lấy kết quả thông báo cho người dân. Giả sử không có độc cũng phải an dân ngay, đảm bảo không gây ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp.

Trên thực tế một số trường hợp, các nhà chức trách hay lơ là những vụ việc như thế này, không làm đến nơi đến chốn. Khi nghe thông tin không cảnh báo và vào cuộc xác minh ngay, dẫn đến hậu quả nặng nề cả cho doanh nghiệp lẫn người sử dụng.

Đại biểu Lê Văn Sỹ (giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa):

Sản phẩm gây ảnh hưởng tính mạng cần cảnh báo ngay

Quan điểm của bà Phạm Khánh Phong Lan hoàn toàn hợp lý. Một khi đã có những bằng chứng nghiêng nhiều về việc một sản phẩm nào có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân, lập tức cảnh báo ngay cho cộng đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng phải tạm dừng ngay việc mua bán, sản xuất sản phẩm đó và lập tức vào cuộc để tránh hậu quả cho những trường hợp tiếp theo.

Tất nhiên việc cảnh báo này cũng chỉ nên dừng ở mức tạm dừng hoạt động mua bán, sử dụng sản phẩm đó, chờ các cơ quan chức năng có kết luận chính xác. Cần nói rõ là tạm dừng, không phải nghiêm cấm. Việc tạm dừng chỉ là để xác minh cụ thể, nếu đúng sản phẩm có vấn đề thì lập tức cấm sản xuất, sử dụng và thu hồi sản phẩm. Nhưng nếu sản phẩm không gây hại, lập tức phải cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động để không ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp.

Lại có thêm bệnh nhân sau ăn patê Minh Chay

Thông tin từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho hay trong 2 ngày vừa qua tiếp tục có thêm người bệnh đến khám do biểu hiện yếu cơ, nói khó, khó thở, mỏi mệt... sau khi ăn patê Minh Chay. Qua thăm khám, bệnh viện đã cho những bệnh nhân này điều trị ngoại trú; số bệnh nhân nội trú chưa có thêm trường hợp nào, nhưng ca bệnh nặng nhất (nam giới, 70 tuổi) vẫn đang liệt hoàn toàn, phải thở máy và chưa có tiến triển đáng kể.

Bộ Y tế vừa cấp phép nhập chuyến hàng 2 lọ thuốc giải độc từ Thái Lan để điều trị cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, đây là loại thuốc rất đắt và hiếm (8.000 USD/lọ). Bộ Y tế đang xúc tiến thủ tục và tìm các nhà cung cấp loại thuốc này, nhằm điều trị cho các trường hợp có chỉ định.

Theo ông Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm chống độc, thực phẩm đóng hộp, lọ kín có nguy cơ nảy sinh độc tố botulinum. Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là rất đặc biệt, do vi khuẩn sinh ra và ảnh hưởng đến thần kinh.

Thức ăn dễ nảy sinh độc tố này là các loại thức ăn đóng gói, đóng hộp, đóng lọ, đóng chai kín, đặc biệt trong môi trường không đủ điều kiện kiềm chế vi khuẩn phát triển và sinh độc tố, như độ pH, độ mặn không đảm bảo. Ngay cả tại gia đình chúng ta, nếu chế biến thực phẩm không đảm bảo các điều kiện bảo quản cũng có thể nảy sinh vi khuẩn này. (L.ANH)

Thăm dò ý kiến

Liên quan vụ patê Minh Chay, có ý kiến cho rằng thà ‘cảnh báo nhầm’ để phản ứng ngay vì sức khỏe người dân phải được đặt lên hàng đầu. Bạn chọn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Vụ patê Minh Chay, bà Phạm Khánh Phong Lan: Vụ patê Minh Chay, bà Phạm Khánh Phong Lan: 'Tôi thà chọn cảnh báo nhầm để phản ứng ngay'

TTO - Tại TP.HCM, chiều qua 1-9 cơ quan chức năng đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm. Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ.

TIẾN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên