02/09/2020 08:49 GMT+7

Vụ patê Minh Chay, bà Phạm Khánh Phong Lan: 'Tôi thà chọn cảnh báo nhầm để phản ứng ngay'

NGUYỄN TRÍ thực hiện
NGUYỄN TRÍ thực hiện

TTO - Tại TP.HCM, chiều qua 1-9 cơ quan chức năng đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm. Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ.

Vụ patê Minh Chay, bà Phạm Khánh Phong Lan: Tôi thà chọn cảnh báo nhầm để phản ứng ngay - Ảnh 1.

Bà Phạm Khánh Phong Lan

* Theo bà, vụ việc patê Minh Chay gây ngộ độc phức tạp có phải do cơ quan chức năng chậm công bố vụ việc?

- Sau khi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên vào ngày 17-7, cơ quan y tế TP.HCM hội chẩn và nghi ngờ khả năng ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, theo quy trình, TP.HCM phải gửi báo cáo ra Bộ Y tế - cơ quan có thẩm quyền, và đơn vị này phải tập hợp ý kiến, chờ các địa phương khác. 

Sau đó cục chuyên trách của bộ phải tiến hành thử để xem chủng nào, loài vi khuẩn nào thì phải tốn ít nhất 2-3 ngày. Đây được coi ví dụ điển hình cho sự "đúng quy trình", thậm chí hơi quan liêu.

Có thể những trường hợp như patê Minh Chay không nhiều nhưng không phải là không có. Do đó cơ quan quản lý cần phải có quy định cụ thể như trong vòng bao lâu phải báo cáo, phải trả lời. Bởi với trường hợp này cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đưa ra kết luận và cảnh báo sớm hơn, sẽ giúp hạn chế sự thiệt hại.

Nếu công ty có sản phẩm nhiễm độc trên ở TP.HCM và người dân TP.HCM là nạn nhân thì Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM sẽ khoanh vùng mạnh tay hơn, hiệu quả việc xử lý có thể sẽ tốt hơn.

* Theo bà, có nên cảnh báo vụ việc sớm hơn, dù thông tin ban đầu có thể nhầm lẫn?

- Nếu như tôi được lựa chọn giữa cảnh báo nhầm gây thiệt hại về kinh tế và người dân nhập viện sau đó nguy hiểm tính mạng vì ngộ độc thì tôi thà chọn cảnh báo nhầm - nghĩa là nếu có dấu hiệu thì cảnh báo, phản ứng ngay. Tôi nghĩ y bác sĩ chắc chắn sẽ lựa chọn yếu tố sức khỏe người dân lên hàng đầu.

Nhiều trường hợp chúng ta không xem hiệu quả công việc, mà cứng nhắc xem xét đúng quy trình. Đôi khi đúng quy trình lại đưa đến kết quả, hiệu quả không tốt thì nên xem xét sửa đổi. Rất cần nghiên cứu để có quy trình phù hợp nhất.

* Có ý kiến cho rằng việc 3 bộ ngành (NN&PTNT, Y tế, Công thương) cùng tham gia quản lý sản phẩm của Công ty Lối Sống Mới khiến việc quản lý thiếu hiệu quả. Có nên thay đổi điều này?

- Cả nước hiện chỉ có TP.HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh thí điểm quản lý tập trung thông qua ban quản lý an toàn thực phẩm. Việc quản lý tập trung này mang lại hiệu quả thanh tra, kiểm tra cao.

Lực lượng chuyên ngành chúng ta còn yếu và còn thiếu nên chúng ta cần phải tập hợp lực lượng lại. Bởi nếu phân 3 ngành, dễ xảy ra trường hợp ngành này bận nhưng ngành kia thảnh thơi, rất khó phối hợp.

Trên thế giới rất ít quốc gia chia ra mỗi cơ quan tham gia một chút như chúng ta. Mình cần nhất cơ quan nhà nước phải có thực quyền, phải có trách nhiệm với chuyện đó.

Trường hợp nhiều tỉnh thành có trường hợp nhiễm độc do ăn patê Minh Chay, nhưng hiện nay vụ việc tới đâu rồi, bao nhiêu nạn nhân, số lượng sản phẩm cần thu hồi... vẫn chưa có kết quả cụ thể. Do đó cần xem xét lại sự phối hợp quá nhiều cơ quan đã mang lại hiệu quả chưa.

103

Đó là số hộp patê Minh Chay mà cơ quan chức năng TP.HCM thu hồi được, tính đến chiều 1-9 trong tổng số 1.559 hộp đã xác định được người tiêu dùng (đã liên hệ được 1.101 người trong tổng số 1.223 người mua qua hình thức online).

Mới thu hồi 103 hộp patê Minh Chay, còn 1.456 hộp khách mua online đang ở đâu? Mới thu hồi 103 hộp patê Minh Chay, còn 1.456 hộp khách mua online đang ở đâu?

TTO - TP.HCM chỉ mới thu hồi được 103 hộp/tổng số 1.559 hộp đã xác định được người tiêu dùng mua qua hình thức online.

NGUYỄN TRÍ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên