12/11/2020 13:37 GMT+7

Tự chủ đại học vướng mắc do thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Nhiều chuyên gia chỉ ra những vướng mắc cản trở tự chủ đại học dù quyền tự chủ đã được quy định trong Luật giáo dục đại học.

Tự chủ đại học vướng mắc do thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), phát biểu tại tọa đàm sáng nay 12-11 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Toạ đàm "Tự chủ đại học và những vướng mắc cần tháo gỡ" do báo Người Lao Động tổ chức sáng 12-11 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GD-ĐT cùng đại diện 28 trường đại học.

Thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện có 240 trường đại học, học viện. Từ năm 2014, có 23 cơ sở giáo dục đại học bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ. 

Đến nay, hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 99/2019 hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học sửa đổi bổ sung (Luật 34). Tuy nhiên, Luật 34 có hiệu lực từ tháng 7-2019 và Nghị định 99 cũng mới bắt đầu thực hiện từ tháng 2-2020. Do vậy trong bước đầu thực hiện quyền tự chủ đại học dù đã được luật hóa vẫn còn một số vướng mắc.

"Tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật 34 mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật tài sản công, Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, Luật công chức - viên chức… Do vậy, khi thực hiện Luật 34 cũng phải rà soát, sửa đổi các luật trên và các quy định dưới luật", ông Nghĩa kiến nghị.

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, chủ tịch hội đồng Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho biết Luật 34 không phải là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất cơ sở giáo dục phải tuân thủ, mà các trường còn chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật tương ứng với lĩnh vực đó.

Trong khi đó, các quy định pháp luật này hiện nay đang có sự không đồng bộ, nhất quán. Vấn đề về tài chính và tài sản là đối tượng điều chỉnh chủ yếu của các luật về tài chính, đầu tư công, kiểm toán, kế toán…

Do đó, ông Nhiêm kiến nghị khi Luật giáo dục đại học đã được sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết được ban hành thì đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan cho phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), nhận định Luật 34 đã có những bước tiến và sửa đổi để phù hợp hơn, bên cạnh đó có những quy định khác, đặc biệt là các trường công đang còn có những vướng mắc. 

"Thực tế các cấp cao hơn cũng rất quan tâm và sắp tới sẽ có sự tham gia của các bộ ngành liên quan chứ không phải chỉ ngành GD-ĐT", bà Thủy cho hay.

Cần có hành lang pháp lý rõ ràng

TS Hoàng Đức Long, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho rằng tự chủ không có nghĩa là tự trị, mà tự chủ vẫn phải có hành lang pháp lý. 

"Trong thực tế gặp nhiều quy định chồng chéo, nhiều nút thắt được mở nhưng lại gặp vấn đề là con người. Chẳng hạn như các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Nếu những người thực thi công quyền căn cứ vào pháp luật hiện hành cởi mở hơn với nhà trường thì tốt hơn rất nhiều", ông Long nói.

TS Đàm Quang Minh, chủ tịch hội đồng Trường ĐH Phú Xuân, chỉ ra thực tế hiện có rất nhiều bộ - ngành đang là cơ quan chủ quản của rất nhiều trường: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn 32 trường, Bộ Y tế 11 trường… Trong tư duy quản trị vẫn còn rơi rớt các phương thức lạc hậu của quản lý tập trung, cơ chế hoạt động cho hội đồng trường còn mờ nhạt và mang tính hình thức.

Đề cập việc nhiều người hay gắn tự chủ với việc bỏ bộ chủ quản, TS Lê Trường Tùng, chủ tịch hội đồng Trường ĐH FPT, nói việc bỏ chủ quản không phải là bỏ cơ quan quản lý cấp cao hơn, mà thực chất là để tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" trong hoạt động quản lý nhà nước.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi là với việc tự chủ của các trường đại học, việc "tự quyết" và nguyên tắc "làm những gì không cấm" được hiểu và vận dụng như thế nào, nguyên tắc trên có áp dụng cho các trường đại học công hay không, nguyên tắc "chưa có hành lang pháp lý chưa được làm" xung khắc với "làm những gì không cấm" như thế nào…

"Tự chủ có thể hiểu là tự quyết và tự túc. Tự quyết phụ thuộc vào hành lang pháp lý và cách hiểu quy tắc "không cấm thì được làm", hay "chưa có hành lang thì chưa được đi", ông Tùng nhấn mạnh.

Theo TS Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng hội đồng trường chưa có thực quyền nhưng nếu có thực quyền thì liệu có đủ uy lực giải quyết không? "Mình tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng vẫn phải có hành lang pháp lý và có sự quản lý của Nhà nước" - ông Lý nói.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, so với nhiều trường đại học trên thế giới, tự chủ đại học ở Việt Nam không hề thua kém. Đặc biệt là tự chủ học thuật và tự chủ về tổ chức bộ máy theo quy định của Luật 34.

Bên cạnh quyền tự chủ là trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục ban hành các thông tư để hướng dẫn các trường và giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật. Đồng thời cũng sẽ kiến nghị với các bộ ngành, các bộ chủ quản thực hiện đúng quy định của pháp luật về tự chủ đại học.

Đại học thí điểm tự chủ: Trả lương cao, thu hút người giỏi Đại học thí điểm tự chủ: Trả lương cao, thu hút người giỏi

TTO - Thực tế từ 24 trường ĐH đang được thí điểm cơ chế tự chủ hiện nay cho thấy sinh khí mới của giáo dục ĐH với nhiều đổi thay tích cực.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên