Các công nhân mất việc chia tay trên vỉa hè ngày 30-11 - Ảnh: VŨ THỦY
Họ là những công nhân may đã làm cùng nhau 8 năm, 10 năm, 18 năm... nay phải nghỉ việc một lượt do công ty thiếu đơn hàng, buộc phải chấm dứt hợp đồng với hơn 1.000 lao động.
Bao lo toan còn ở phía trước. Người thì đã 44 - 45 tuổi, không biết sẽ tìm việc được nữa không, người thì cùng lúc cha đổ bệnh chưa biết có qua khỏi, người thì chồng vừa nghỉ làm để điều trị... Nhưng mỗi người mỗi ngả, người Long An, người Sóc Trăng, người Bạc Liêu... rồi sẽ tản mát khắp nơi, ngày cuối cùng còn gặp nhau nên ráng nán lại.
Nhắc đến Tết, người công nhân mất việc chỉ cười buồn: "Tết nay chắc khó".
Trong những tháng qua, hàng loạt doanh nghiệp "đói" đơn hàng do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nhiều nơi doanh nghiệp cố gắng xoay xở từ giãn ca, cho nghỉ luân phiên... để chờ đơn hàng dồi dào trở lại.
Nhưng mọi thứ đều rất khó đoán. Ngay đầu năm doanh nghiệp còn hối hả lo tìm sẵn nơi ở để người lao động đến xin việc có nơi ở ngay vì lo thiếu lao động, không tuyển đủ cho đơn hàng sắp tới. Cuối năm cũng chính doanh nghiệp đó gửi kế hoạch đến cơ quan quản lý lao động cắt giảm 1.400 lao động.
Vị lãnh đạo Hội Da giày TP.HCM xác nhận nhiều doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng giảm mạnh do người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhiều đối tác ngưng nhập khẩu vì lượng hàng tồn kho đang nhiều, một số cam kết sẽ nhập thêm nhưng chỉ khi nào hàng tồn được bán hết.
Vậy nên dù cố gắng xoay trở, từ cho nghỉ luân phiên đến cắt giảm lương..., nhiều doanh nghiệp vẫn phải ngậm ngùi cho người lao động nghỉ việc.
Các chị công nhân ăn liên hoan ở vỉa hè Công ty Tỷ Hùng cũng không trách móc. Họ kể rằng trong buổi họp mặt cuối cùng với hơn 1.000 công nhân trong ngày làm việc cuối cùng, ông giám đốc cũng rơm rớm nước mắt.
Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 28-11-2022, hơn 472.000 lao động đang chịu ảnh hưởng trực tiếp suy giảm việc làm, mất việc. Trong đó hơn 41.500 lao động mất việc và 430.600 người bị giảm giờ làm hằng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng.
Trước khó khăn đó của người lao động, các tổ chức của người lao động cũng nỗ lực tìm cách để vận động tìm việc làm, kết nối việc làm mới cho họ.
Nhưng trong bối cảnh tình trạng thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất diễn ra trong nhiều ngành hàng, không phải là tình trạng cục bộ của một địa phương, một doanh nghiệp thì mọi thứ không dễ dàng.
Trước mắt, Nhà nước cần có một chính sách cụ thể để hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm thu nhập sâu... từ nhiều nguồn khác nhau như đã làm trong và sau đại dịch COVID-19.
Những ngày cuối năm, khi nhiều công ty bắt đầu công bố lương thưởng Tết thì người lao động rơi vào cảnh mất việc, giảm thu nhập sẽ chạnh lòng biết mấy.
Trò chuyện với nhiều anh chị công nhân, thật không khỏi xót xa khi nhiều người nói chắc Tết này không thể về quê vì cuộc sống những ngày thất nghiệp sắp tới còn chưa biết xoay xở ra sao.
Tại TP.HCM, Liên đoàn Lao động TP.HCM đã thông báo kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động sớm hơn so với mọi năm.
Liên đoàn sẽ cùng với các doanh nghiệp tổ chức các chương trình mua hàng ưu đãi; tặng quà, vé xe, vé tàu cho người lao động; tổ chức Tết cho người lao động xa quê ở lại TP...
Nhưng với hàng trăm ngàn người lao động bị ảnh hưởng, chỉ mình công đoàn cũng không thể chăm lo xuể.
Chúng ta đã vượt qua một đại dịch khó lường bằng sự chung sức, chung lòng và lần này người lao động cũng cần lắm sự quan tâm, sẻ chia, đặc biệt khi năm hết Tết đang đến gần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận