Công nhân trong cơn bão "cắt giảm"

TTCT - Tình trạng cắt giảm lao động năm nay khiến nhiều người nhận định còn tệ hơn cả năm ngoái, khi đại dịch Covid hoành hành. Không còn hình ảnh thường thấy dịp cuối năm - thời điểm công nhân tăng ca liên tục để doanh nghiệp kịp giao hàng cho đối tác. Hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm

Công nhân trong cơn bão cắt giảm - Ảnh 1.

Nhiều nhà máy da giày đang cho công nhân làm việc cầm chừng do đơn hàng khan hiếm. Ảnh: TIẾN THẮNG

Cắt giảm lao động

Ông Kiều Văn Đồng, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH gỗ Lee Fu (KCN Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai), cho biết doanh nghiệp có khoảng 1.700 lao động. Do việc kinh doanh khó khăn, không có đơn hàng nên gần đây công ty buộc phải cắt giảm lao động. 

Năm ngoái công ty chỉ giảm khoảng 100 người nhưng đến nay con số này là hơn 1.000, hiện còn khoảng 650 người. Dù đã cắt giảm gần 60% lao động, doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn. "Công ty không đủ đơn hàng cho công nhân làm, phải hoạt động cầm chừng, thứ bảy hằng tuần công nhân nghỉ, đời sống rất khó khăn", ông Đồng chia sẻ.

Công ty TNHH Timber (KCN Tam Phước, Đồng Nai) cho biết do đơn hàng gỗ của công ty bị giảm nhiều nên đang tạm hoãn hợp đồng với 853 trong số 3.466 lao động. Sau khi có một số đơn hàng, công ty đã gọi 135 người quay lại làm việc, dự kiến đầu năm 2023 sẽ quay lại hết.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tin, phó tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien (Đồng Nai), nói tình hình năm nay còn tệ hơn năm 2021. Đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp này thiếu lao động nhưng không thiếu đơn hàng, công nhân vẫn tăng ca, có tiền thưởng để đón Tết. 

Năm nay công ty này mất hơn phân nửa đơn hàng. "Từ đây tới Tết công ty cố gắng duy trì hoạt động nhưng dự kiến thời gian nghỉ Tết kéo dài hơn năm ngoái. Năm trước nghỉ 12 ngày, năm nay nghỉ Tết khoảng 1 tháng", bà Tin thông tin.

Ngành da giày cũng đang gặp không ít khó khăn và "khát" đơn hàng trong các tháng cuối năm. Các doanh nghiệp phải giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc luân phiên 2-3 ngày trong tháng. 

Chị Hỏa Thị Phương Nhi, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Longwell (huyện Thống Nhất, Đồng Nai), chuyên sản xuất giày, cho biết từ tháng 8-2022 doanh nghiệp này bị cắt giảm đơn hàng khá nhiều, họ cho người lao động (NLĐ) nghỉ phép 5 ngày/tháng nhưng vẫn trả 100% lương theo hợp đồng lao động. 

"Công đoàn đang thương lượng với lãnh đạo công ty, làm sao có lương, thưởng Tết hợp lý, hỗ trợ NLĐ có điều kiện đón Tết và có chi phí về quê sum họp gia đình", chị Nhi cho hay.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Cibao (sản xuất giày, TP Long Khánh, Đồng Nai), cho biết đơn hàng của công ty liên tục giảm trong những tháng qua, quý 4-2022 rất khó khăn và chưa có tín hiệu khả quan trong năm 2023. Công ty có phương án cho NLĐ nghỉ 4 ngày thứ bảy trong tháng 11 và 10 ngày trong tháng 12 tới.

Ít tuyển dụng mới

Đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) Hà Nội cho biết một số doanh nghiệp tại các KCN đã có kế hoạch từ đầu năm, chủ động nhập nguyên liệu, linh kiện… nên vẫn duy trì sản xuất, tuyển dụng lao động, nhất là doanh nghiệp FDI. 

"Hiện các KCN có hơn 700 doanh nghiệp và khoảng 166.000 lao động. Số lao động này đảm bảo sản xuất nên doanh nghiệp chỉ tuyển rải rác", vị này thông tin.

Chị Nguyễn Thị Chiển, chủ tịch công đoàn Công ty may Maxcore (Hà Nội), cho biết công ty đang tuyển 200 công nhân may do đã có đủ đơn hàng năm 2023, mức thu nhập từ 7-20 triệu đồng/tháng. 

"Dù công ty nhận đào tạo nghề nhưng đa số NLĐ không thích học may mà muốn làm việc ngay như công nhân lắp ráp điện tử. Công ty đang khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công nhân viên tìm được công nhân mới", chị Chiển nói.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, chủ tịch công đoàn Công ty Crystal Martin (Bắc Giang), hiện công ty vẫn có nguồn cung nguyên liệu tốt, đơn hàng đều do thương hiệu của công ty mẹ ở nước ngoài lớn và đảm bảo việc tăng ca cho công nhân nên thu nhập trung bình đạt khoảng 9 triệu đồng/người/tháng. Số lao động của công ty ổn định với hơn 8.000 người. 

Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ tịch Công đoàn tỉnh Bắc Giang, cho biết đã có một số doanh nghiệp nhỏ ngừng hoạt động nhưng đa số vẫn duy trì hoạt động. Tỉnh có 90.000 công nhân dệt may, chủ yếu gia công xuất khẩu đi Mỹ, Hàn Quốc và một số nước châu Âu.

Bắc Ninh được xem là "thủ phủ" sản xuất đồ điện tử của miền Bắc nhưng theo ông Nguyễn Văn Phúc, trưởng Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, so với cùng kỳ 2021, nhu cầu tuyển dụng năm nay giảm vài chục nghìn người do đơn hàng không còn ồ ạt dồn về Bắc Ninh như trước. 

Các doanh nghiệp điện tử lớn đang tìm đơn hàng mới nên bố trí giãn ca, giảm giờ làm. Một số đơn vị khác còn hàng tồn kho nên sản xuất cầm chừng, chờ đơn hàng mới. "Năm 2023, các nhà máy đang xây dựng sẽ tuyển thêm 10.000 - 15.000 lao động. 

Với các công ty lớn, sử dụng khoảng 30.000 - 40.000 công nhân khi có đơn hàng có khả năng thiếu lao động", ông Phúc nói. Ông cho biết xuất khẩu điện thoại chiếm khoảng 50% trong số các mặt hàng điện tử của Samsung nên biến động việc làm phụ thuộc vào công ty mẹ. 

Giải pháp là kết nối các doanh nghiệp với nhau, thuyết phục các công ty chi trả lương, bảo hiểm để giữ chân công nhân, giới thiệu NLĐ đến làm việc tại doanh nghiệp khác cùng ngành trong vài tháng…

Công nhân trong cơn bão cắt giảm - Ảnh 2.

Bữa ăn của một gia đình công nhân ở trọ tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: An Bình

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, phó trưởng Ban quản lý các KCN Bắc Giang, cho biết tỉnh đã thành lập các tổ hỗ trợ doanh nghiệp về vận chuyển, nhập khẩu nguyên vật liệu hoặc tuyển dụng lao động. Nếu thiếu nguyên vật liệu đầu vào, tổ này sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành trung ương như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn. 

"Cùng kỳ năm 2021 có khoảng 192.000 lao động làm việc tại gần 400 doanh nghiệp nhưng nay chỉ khoảng 188.000 lao động", ông Ngọc nói.

Tìm cách giữ chân công nhân

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, một lãnh đạo công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng cho biết qua khảo sát 97 công đoàn cơ sở, hơn 50% đơn vị cho biết việc xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ… của công ty đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng. 

Doanh nghiệp đang cố gắng giữ chân NLĐ nên tình trạng sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động chưa phổ biến nhưng cũng "chưa biết duy trì được bao lâu".

Tháng 8-2022, hơn 600 công nhân của xí nghiệp giày Hải Thất thuộc Công ty CP Da giày và phát triển Hải Phòng (Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do xí nghiệp này giải thể. 

Công đoàn ngành công thương Hải Phòng đã yêu cầu công đoàn công ty phối hợp giải quyết các chế độ, quyền lợi của NLĐ theo quy định pháp luật.

Ông Cao Duy Thái, phó trưởng phòng phụ trách phòng chính sách - lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, nêu nghịch lý: năm 2021 doanh nghiệp không có lao động sản xuất vì các phương án chống dịch, năm nay lao động rất nhiều lại không có đơn hàng. 

Theo ông Thái, hiện doanh nghiệp khó xác định trả lương ngừng việc theo quy định nào. Năm 2021 do dịch bệnh nên áp dụng ngừng việc vì lý do khách quan nhưng năm nay không áp dụng được, bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine chỉ ảnh hưởng một số ngành, có ngành vẫn hoạt động tốt. 

Do vậy, khi tính phương án cho NLĐ tạm hoãn hay nghỉ Tết kéo dài, doanh nghiệp và công đoàn cần thỏa thuận với NLĐ tùy tình hình doanh nghiệp, không thể áp dụng Luật lao động mà vận động NLĐ chia sẻ với doanh nghiệp những khó khăn trước mắt. Nếu doanh nghiệp "chết" thì NLĐ cũng mất việc. 

"Cắt giảm đối tượng nào, có thực sự vì lý do khó khăn hay mượn lý do khó khăn tạm thời để thay NLĐ. Vai trò của công đoàn rất quan trọng, phải xác định tình hình thực tế xây dựng phương án, giám sát, xin ý kiến chế độ…", ông Thái nhấn mạnh.

Ông Hồ Thanh Hồng, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, nhận định đa số các doanh nghiệp hoạt động ổn định là nhờ NLĐ có tay nghề, sản xuất được mặt hàng khó nên còn đơn hàng. ■

Lương giảm, giá sinh hoạt tăng

Vợ chồng chị Bùi Thị Dền đều làm cho công ty may tại KCN Vsip, Bắc Ninh. Bảy tháng nay công ty ít hàng, công nhân làm đến 4h chiều đã hết việc. Không được tăng ca nên thu nhập chỉ 5 triệu đồng/người, chưa bằng nửa lương những năm trước (12-13 triệu đồng, nếu tăng ca liên tục).

Chồng chị Dền đã nghỉ việc, ra ngoài chạy hàng ở chợ vải Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội). "Nếu kéo dài tình trạng này thì cuối năm nay vợ chồng tôi sẽ về quê ở Lạc Sơn, Hòa Bình làm ở gần nhà. Được gần con cái, không tốn tiền trọ, đỡ tốn kém hơn", chị Dền cho biết.

Thu nhập giảm trong khi giá cả sinh hoạt đắt đỏ hơn. "Một mớ rau trước đây 5.000-6.000 đồng, nay lên 10.000 đồng. Thịt cá, trứng sữa đều tăng giá", chị Dền than. Nhiều tháng qua, vợ chồng chị không sắm quần áo, đồ dùng mới mà dành tiền cuối tháng về quê thăm con.

"Một số công nhân đã nghỉ việc, chạy xe ôm, bán hàng online để trang trải tiền trọ, tiền ăn, tiền gửi về quê lo học phí cho con. Cuối năm nhiều khoản chi tiêu, Tết nhất đến nơi, năm nay không khéo mất Tết", chị Dền thở dài.

Hàng trăm công nhân một công ty may ở Thanh Hóa năm nay không có Tết vì cuối tháng 10 vừa qua, tất cả phải ký vào đơn chấm dứt hợp đồng lao động do công ty bất ngờ dừng hoạt động.

Chị Nguyễn Thị Hà, 43 tuổi, ở phường Dương Xá, TP Thanh Hóa, nói: "Buồn nhất là chỉ còn hơn tháng nữa là hết năm, được lĩnh lương tháng 13. Đùng một cái công ty cho nghỉ việc, không có một khoản trợ cấp nào hết, còn ít hàng tồn ai làm ngày nào tính tiền ngày đó nhưng tháng 11 này cũng hết thôi. Giờ đi xin việc đâu dễ, công ty chọn người trẻ rồi mới tới lượt già như tôi.

Tôi còn nuôi ba con đang ăn học, có đứa đang học ĐH Bách khoa Hà Nội, tốn kém lắm. Không có thu nhập, tôi chưa biết xoay xở thế nào. Định đi bán hàng ngoài chợ nhưng kinh nghiệm không có, mối hàng cũng không".

Chị Hà, công nhân may mặc tại một chi nhánh lớn của Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế ABC, tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa, cũng vừa được thông báo dừng hợp đồng. Chồng chị là lái xe, thu nhập không ổn định. Từ giờ tới Tết, chị chưa biết tìm công việc mới nào để trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình.

Chị Nguyễn Ngọc Hoa và chồng đều làm trong công ty may bức xúc: "Công ty cho nghỉ thời điểm này là có chủ ý, muốn cắt tháng lương thứ 13 mà công nhân mong đợi. Bắt ký dừng hợp đồng nhưng không hỗ trợ, công nhân phải điền vào đơn theo mẫu có sẵn là đơn xin thôi việc thì mới được làm thủ tục nghỉ việc.

Hoàn tất thủ tục nghỉ việc thì công nhân mới xin việc được ở nơi khác, chuyển tiếp đóng bảo hiểm. Chúng tôi phản đối nhưng công ty trả lời: dừng công việc có thể tháng 5-2023 hoạt động trở lại, nếu không ký đơn thì đợi đến sang năm làm tiếp. Công ty không đề cập gì đến khoản trợ cấp trong thời gian nghỉ, lấy gì chúng tôi sống?".

Làm việc ở công ty may gần nhà, chị Lê Thị Liên (ở xã Đông Hoàng, Đông Sơn, Thanh Hóa) đang lo vì từ đầu năm tới nay công ty của chị ít việc, lương giảm mạnh. Trước đây chị làm 7-8h tối mới về, nay chỉ 4-5h là hết việc.

"Trước đây công việc ổn định, tăng ca đều nên thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Nay không tăng ca, nghỉ luân phiên thu nhập chỉ khoảng 6 triệu" - chị Lê Minh, Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, Đồng Nai), nói.

Vợ chồng chị Minh làm chung công ty nên tổng thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, chi tiêu phải dè sẻn từng tí. Với thâm niên 6 năm, vợ chồng chị Minh không mạo hiểm nhảy việc lúc này mà chỉ mong công ty sớm có đơn hàng.

TÂM LÊ - A LỘC

Theo số liệu từ Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), riêng tháng 10-2022 có hơn 10.440 người mất việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nâng tổng số người mất việc 10 tháng qua tại TP.HCM gần 128.000 người. Con số này tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai cho biết 10 tháng đầu năm nay có gần 57.800 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong khi con số này của cùng kỳ năm trước là 37.760 người và cao hơn số người thất nghiệp của 10 tháng năm 2020 (hơn 56.140 người).

Còn theo Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, 9 tháng đầu năm nay đã tiếp nhận, thẩm định hơn 52.860 trường hợp đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp và đã ra quyết định cho gần 51.200 trường hợp, với kinh phí hỗ trợ là 1.356 tỉ đồng.

A.LỘC - H.QUÂN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận