08/11/2022 09:19 GMT+7

Xoay xở giữ công nhân khi giảm đơn hàng

BÁ SƠN - A LỘC - NGỌC HIỂN
BÁ SƠN - A LỘC - NGỌC HIỂN

TTO - Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) có tới 30%, thậm chí 50% lao động phải giãn việc do thiếu đơn hàng, dẫn tới thu nhập giảm. DN và người lao động cố gắng xoay xở khi dự báo tình hình thiếu việc làm có thể kéo dài tới sang năm.

Xoay xở giữ công nhân khi giảm đơn hàng - Ảnh 1.

Có kế hoạch lâu dài, đầu tư sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung nên nhiều doanh nghiệp vẫn ổn định sản xuất. Trong ảnh: công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến gia vị ở Đồng Nai - Ảnh: HỮU HẠNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số DN lớn, hiệp hội DN đều nhận định tình hình khát đơn hàng có thể còn kéo dài tới qua Tết Nguyên đán nên các DN đang cố gắng tìm cách xoay xở và tái cơ cấu để kiếm đơn hàng, giữ chân người lao động.

Cùng nhau xoay xở khi Tết sắp đến

Ông Nguyễn Liêm - chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - kể chuyện khi các DN tìm đến một hội chợ triển lãm ngành gỗ ở nước ngoài thông báo sẽ giảm giá thì nhận được câu hỏi ngược lại: "Chúng tôi đã giảm giá hàng tới 60%, miễn phí vận chuyển mà vẫn không có người mua thì chúng tôi có cách nào tư vấn cho họ không?".

Nói về giải pháp, lãnh đạo một DN chế biến gỗ ở Khu công nghiệp (KCN) Tam Phước (Đồng Nai) cho rằng những khó khăn về nguồn nguyên vật liệu hầu như ở ngành gỗ đều giống nhau, thị trường tiêu thụ "đóng băng" kéo theo đơn hàng giảm mạnh. Do đó, DN cần chủ động kiểm soát nguồn nguyên vật liệu, mở rộng tìm kiếm thêm khách hàng để có thêm đơn hàng cho lao động sản xuất.

"Một mặt chúng tôi tăng cường tuyên truyền, cố gắng duy trì sản xuất, lương cơ bản để ổn định lao động. Mặt khác, chúng tôi đã mở rộng tìm hiểu thị trường, làm thêm nhiều mẫu mã mới, tăng cường quảng bá nhằm tìm thêm đối tác, đơn hàng cho DN", vị lãnh đạo này nói.

Chủ tịch công đoàn một công ty lớn trong lĩnh vực giày da - túi xách tại Bình Dương cho biết sau đợt dịch COVID-19, DN này chuyển bớt nhà máy từ Bình Dương về các tỉnh miền Tây để tận dụng lao động tại chỗ. "Trước đây có một nửa trong số 50.000 lao động làm việc tại Bình Dương thì nay chỉ còn khoảng 15.000 người. Số còn lại chúng tôi đã chuyển về An Giang, Kiên Giang... Mặc dù đơn hàng giảm nhưng công ty chấp nhận cắt lỗ để vẫn trả lương cho người lao động, giữ chân được họ chờ tới khi có đơn hàng trở lại".

Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) Lê Nhật Trường cho rằng so với ngành gỗ, ngành giày da chịu ít tác động hơn. Đến tận tháng 11 công ty mới ngừng tăng ca, cho công nhân nghỉ phép năm ba ngày thứ bảy trong tháng.

"Trong thời gian này, công đoàn tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi cho người lao động. Qua đó tạo sự gắn kết giữa người lao động với công ty, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt", ông Trường cho hay.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cho biết đã chủ động chỉ đạo các công đoàn cơ sở nắm bắt khó khăn của các DN, người lao động và đang xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động. Với các DN lớn phải tạm giãn việc, đã vận động chủ DN vẫn chi trả một phần tiền cho người lao động trong những ngày nghỉ.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho hay trước mắt, với những người lao động nào phải nghỉ việc thì cơ quan liên quan chi trả bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ kịp thời để người lao động trang trải cuộc sống.

Nhiều DN đang khó khăn bốn bề nhưng vẫn chấp nhận bù lỗ đảm bảo thưởng Tết cho người lao động. Lúc này, rất cần sự tiếp sức của Nhà nước như chỉ đạo các ngân hàng cho giãn nợ, kéo dài thời gian chưa chuyển nhóm nợ xấu, tạm thời cho nợ tiền đóng quỹ bảo hiểm xã hội để lấy số tiền đó ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho người lao động...

Ông Nguyễn Liêm (chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương)

Nỗ lực giữ và tìm kiếm đơn hàng

Là một DN may mắn còn nhiều đơn hàng, ông Phạm Xuân Trường - giám đốc Nhà máy Ajinomoto Long Thành - cho hay từ tháng 10 đến nay, nhà máy này đã bắt đầu mùa vụ và phải tuyển thêm người lao động để đảm bảo sản xuất với mức dự báo tăng trưởng so với mọi năm nên 700 lao động hiện tại của nhà máy này vẫn đảm bảo lương thưởng và công việc.

Tại nhà xưởng của Công ty Lập Phúc, chuyên sản xuất khuôn mẫu (quận 7, TP.HCM), kỹ sư Trần Hoài Thăng cho biết trong khi nhiều ngành sản xuất gặp khó khăn thì người lao động của nhà máy này vẫn làm đều đặn, lương thưởng vào tài khoản đúng ngày.

Ông Nguyễn Văn Trí - giám đốc công ty - cho biết có một điều đặc biệt với ngành sản xuất khuôn mẫu là khi thị trường khó khăn, bán hàng ế thì các DN buộc phải tìm những mẫu mã mới để thu hút người dùng. Do đó, các DN sản xuất khuôn mẫu vẫn có đơn hàng đều đều, trong đó 60% là xuất sang thị trường Mỹ và 40% là đơn hàng nội địa.

Ông Phạm Văn Việt - tổng giám đốc Việt Thắng Jeans - cho biết do khó khăn đến từ những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật... nên các DN dệt may buộc phải thay đổi, tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường khác như Úc, Canada, một số nước trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí một số sản phẩm xuất ngược sang Trung Quốc và hướng vào thị trường nội địa.

Đặc biệt, các DN cũng chia sẻ đơn hàng thời trang mùa đông để cùng sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, các DN cũng chuyển đổi, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường, không còn làm chuyên biệt một vài loại sản phẩm trong giai đoạn này.

Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, cho biết so với giai đoạn sáu tháng đầu năm, hiện đơn hàng sụt giảm, chỉ còn 70 - 80% kể từ quý 3. Do đó ông Hồng cho hay các DN trong ngành dệt may cố gắng duy trì, tiếp tục giữ hoạt động sản xuất bằng các biện pháp tình thế như cắt giảm, không tăng ca như trước.

Bên cạnh đó, có các DN buộc phải giảm giờ làm đối với người lao động để sản xuất cầm chừng vượt qua giai đoạn khó. Tuy vậy, ông Hồng cho hay một số các DN lớn trong nhiều ngành, trong đó có các DN FDI ngành dệt may, buộc phải cắt giảm lao động song vẫn nỗ lực giữ các phúc lợi cho công nhân. "Dự báo quý 1 năm sau vẫn còn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng những bất ổn trên thế giới cải thiện, kinh tế sớm phục hồi thì tình hình đơn hàng sớm hồi phục", ông Hồng nói.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng cho rằng việc tìm kiếm các thị trường xuất nhập khẩu mới cũng là một giải pháp quan trọng về mặt lâu dài để giảm bớt phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Tỉnh Bình Dương vừa có nhiều đoàn xúc tiến đầu tư tại các thị trường mới như Ấn Độ, Cuba, Chile, Hàn Quốc... và tổ chức nhiều hoạt động hợp tác khác như diễn đàn kinh tế thu hút được nhiều nhà đầu tư tới Bình Dương tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.

Liên kết và chia sẻ để vượt khó khăn

HINH congnhan 1 1(Read-Only)

Công nhân sản xuất ở Công ty điện tử Dreamtech (Bắc Ninh) - Ảnh: GIA ĐOÀN

Anh Nguyễn Văn Tân, chủ tịch công đoàn Công ty Hosiden Bắc Giang (công ty chuyên về điện tử), cho hay đầu tháng 11-2022 cũng là lúc công ty thực hiện giãn việc để chờ đơn hàng mới. Trước mắt, công ty chia đều các ca để mọi người đều được tăng ca, đảm bảo thu nhập. Anh Tân cho hay các công ty phụ thuộc vào nguồn hàng qua đường bộ, đường biển sẽ gặp khó do chi phí logistics cao, Trung Quốc vẫn áp dụng Zero COVID... hoặc không đa dạng nguồn hàng, chỉ tập trung thị trường xuất khẩu nhất định.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, phó trưởng Ban quản lý các KCN Bắc Giang, cho hay với đặc thù đa số DN trên địa bàn trong ngành điện tử nên tỉnh đã thành lập các tổ hỗ trợ DN nhập khẩu, vận chuyển nguyên vật liệu, tuyển dụng mới nhân lực...

Tại An Giang, Công ty An Giang Samho đã tổ chức đối thoại với đại diện người lao động sau khi hàng loạt lao động phải nghỉ việc vì đứt đơn hàng. Ông Park Yeon Ho, tổng giám đốc công ty, đã hứa công ty sẽ có thông báo chính thức về chính sách hỗ trợ cho công nhân bị mất việc vào thứ sáu (ngày 11-11).

Ngoài ra, công ty sẽ xem xét việc vẫn giữ lại làm tiếp tục một thành viên đối với anh chị em ruột, mẹ đơn thân (có giấy tờ), người có sổ hộ nghèo và các trường hợp đã thông báo trước đó. Các trường hợp người lao động trên 40 tuổi mà còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1 - 2 tháng sẽ được giữ lại đến khi đóng đủ 12 tháng. Ban chấp hành công đoàn sẽ cân đối tài chính để có phần quà nhỏ chia sẻ đến người lao động bị mất việc.

Theo ông Châu Văn Ly - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang, Công ty Samho mới vừa đầu tư trên 1 triệu USD tại KCN Bình Hòa để mở rộng quy mô sản xuất, nên việc phải cắt giảm số lượng lớn công nhân là chuyện ngoài ý muốn. "Chúng tôi chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang để tìm kiếm DN nào thiếu lao động nhằm giới thiệu việc làm cho công nhân bị cắt giảm. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp cùng công ty giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động bị cắt giảm đúng theo quy định", ông Ly nói thêm.

HÀ QUÂN - BỬU ĐẤU

Sẽ kiến nghị Chính phủ gỡ khó cho doanh nghiệp

03 A LOC (1) 1(Read-Only)

Công nhân làm việc trong một doanh nghiệp gỗ ở TP Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Văn Anh - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết công đoàn đã nắm được tình hình sản xuất kinh doanh, giảm đơn hàng tại nhiều địa phương dẫn tới khó khăn cho người lao động.

"Tổng liên đoàn sẽ kiến nghị với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho DN. Gốc của vấn đề là DN phải có đơn hàng, từ đó công nhân có việc làm. Tổng liên đoàn đã giao liên đoàn tỉnh thành khảo sát, báo cáo để tìm cách cùng nhau tháo gỡ", ông thông tin. Ông Anh nói thêm hiện có DN xuất khẩu nông sản, thủy sản lại thiếu lao động sản xuất. Như vậy, hiện tượng trên có thể tập trung một số ngành nghề nhất định.

Ông Trần Văn Hà - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Giang - cho hay sở đã chỉ đạo các DN duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Trường hợp khó khăn cần phải cắt giảm lao động thì đơn vị chủ động xây dựng phương án sử dụng để sở phối hợp giải quyết, trong đó quan trọng nhất là giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

"Trường hợp xấu nhất là cơ quan chuyên môn hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại các DN phải cắt giảm lao động sang nơi làm mới", ông Hà cho hay. Cũng theo ông Hà, qua khảo sát nhanh, một số DN may mặc vẫn duy trì sản xuất dù gặp khó khăn. Tỉnh cũng có nhóm Zalo để tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho DN.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lâm - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - cho biết trong thời gian gần đây sở cũng ghi nhận tình trạng giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất ở một số DN trên địa bàn TP.HCM. Riêng với các đơn vị, DN trong 17 khu chế xuất và khu công nghiệp của TP thì tình hình sản xuất tương đối ổn định hơn.

"Theo quy định thì các đơn vị, DN khi sắp xếp lại lao động trong đó có giảm số lượng lao động phải báo cáo với cơ quan quản lý lao động. Khi nhận được thông tin thì sở phối hợp với Liên đoàn Lao động TP để nắm bắt tình hình, đảm bảo DN thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người lao động, đồng thời có các hỗ trợ kịp thời cho người lao động khó khăn", ông Lâm cho biết.

Để hỗ trợ cho người lao động, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết Trung tâm Dịch vụ việc làm (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) sẽ hỗ trợ kết nối việc làm cho người lao động đã nghỉ việc ở các doanh nghiệp đã thông báo ngừng hoạt động như Công ty Tỷ Hùng (quận Bình Tân). Đồng thời, sở cũng phối hợp với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp, chốt sổ BHXH cho các trường hợp người lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng BHXH...


H.QUÂN - V.THỦY

'Đói' đơn hàng, doanh nghiệp gặp khó

TTO - Dù được hưởng lợi lớn khi tỉ giá USD tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu trong các lĩnh vực như da giày, may mặc, đồ gỗ... vẫn không thể vui do đơn hàng sụt giảm mạnh, phải thu hẹp, thậm chí phải ngừng sản xuất.

BÁ SƠN - A LỘC - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên