23/05/2023 09:20 GMT+7

Từ bữa ăn sáng mất ngon

Cách đây hơn một tuần gia đình tôi từ TP.HCM đi du lịch Singapore. Do đi sớm nên làm thủ tục xong, cả nhà kiếm một nhà hàng trong nhà ga T2 Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để ăn sáng.

Hai người lớn chọn ăn phở, còn cháu nhà tôi thích ăn burger nên mẹ cháu đưa cho tờ 200.000 đồng tự đi mua. Cháu đi một lát quay trở lại với vẻ mặt buồn thiu và nói không đủ tiền. Hóa ra họ bán combo gồm một bánh burger, một phần khoai tây chiên và một phần nước ngọt hơn 300.000 đồng.

Với mỗi người lớn là combo gồm một tô phở bò, một chai nước suối và một phần nhỏ chè đậu, hóa đơn đưa ra là khoảng 30 USD, chúng tôi đổi qua tiền Việt và đưa cho nhân viên gần 700.000 đồng nữa. Tính ra với ba người nhà chúng tôi một bữa sáng ở sân bay hơn 1 triệu đồng. Quá đắt, dù là ở sân bay quốc tế.

Bữa ăn sáng với chúng tôi trở nên mất ngon!

Mấy hôm nay nhiều người lại bàn tán về một hóa đơn ăn uống trong nhà ga hành khách T2 Nội Bài (Hà Nội) với bát phở bò có giá hơn 200.000 đồng, cốc trà có đá giá hơn 100.000 đồng. 

Hay trước đó nữa, tình trạng "chặt chém" du khách cũng đã được nêu ra ở nhiều địa điểm du lịch, trong đó có cả thiên đường du lịch Phú Quốc (Kiên Giang).

Giá cao dù đúng với giá niêm yết không có nghĩa là chấp nhận, theo kiểu "thuận mua vừa bán". Bởi vì giá cả ảnh hưởng đến tâm lý cảm xúc của người dùng, nhất là trong ngành du lịch, hàng không, vốn coi trọng cảm xúc của khách đối với dịch vụ. 

Rõ ràng giá các dịch vụ ở sân bay tại Việt Nam nói riêng cũng như giá và chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều nơi đang có nhiều vấn đề làm du khách bức xúc, ảnh hưởng xấu đến phát triển du lịch.

Việt Nam là một trong những nước mở cửa du lịch sớm sau đại dịch COVID-19 với kỳ vọng khách du lịch sẽ đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của kinh tế. Nhưng kết quả đã không như kỳ vọng khi năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, tuy nhiên chỉ đón 3,6 triệu lượt khách. 

Nhìn sang các quốc gia trong khu vực năm 2022, lượng khách quốc tế đến Singapore đạt 6,3 triệu; Thái Lan 11,8 triệu (trong khi kế hoạch chỉ 8 triệu); Malaysia 7,2 triệu lượt... mới thấy cảnh đẹp thôi chưa đủ mà còn là dịch vụ, sự thân thiện và tiện ích dành cho du khách nữa.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó chỉ ra những hạn chế của ngành du lịch và giao nhiệm vụ cho các bộ ngành cần tăng cường quảng bá, rút ngắn thủ tục, tăng thêm thời hạn visa để thu hút du khách nước ngoài.

Du lịch đang phát triển và đã từng đạt được những con số kỷ lục. Nhưng có thu hút được khách đến mà gặp tình trạng "chặt chém", tận thu thì du khách ngoại quốc sẽ ngán ngại, khách trong nước sẽ quay lưng. 

Du lịch cần nhất là ấn tượng, mà nếu ngay từ cái nhìn đầu tiên du khách đã không thiện cảm thì khó có thể làm hài lòng họ về sau.

Người ta sẽ khó có lần trở lại khi ngay từ trải nghiệm đầu tiên, họ gặp khó có visa, vừa hạ cánh không thấy nụ cười, cảnh giá cao hay phục vụ không tốt ở sân bay, đi đây đi đó thì bị "chặt" giá... 

Với quốc tế, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn khi các nước có những chính sách thông thoáng và cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp và dài hạn. Du lịch Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi có những bất tiện ngay từ những khâu đầu tiên như vậy.

Cũng như gia đình tôi chưa có được một chuyến đi thật sự hài lòng khi ấn tượng xấu về một bữa ăn sáng mất ngon vẫn còn đó.

Ra sân bay ăn mì gói, uống nước không quá 20.000 đồng?Ra sân bay ăn mì gói, uống nước không quá 20.000 đồng?

TTO - Từ tháng 1-2017, Bộ Giao thông vận tải quy định khung giá một số dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam giá tối đa một tô mì gói, chai nước suối dưới 500ml không quá 20.000 đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên