20/11/2022 12:53 GMT+7

Tự bạch của thầy giám thị khó tính: Thích 'chơi đuổi bắt cùng học trò'

NHƯ QUỲNH
NHƯ QUỲNH

TTO - Khai thác những khía cạnh đáng yêu của thầy cô ngoài giờ lên lớp, tự tay làm hoa, vẽ thiệp trang trí bảng tin… là cách mà học sinh ngày nay dùng để bày tỏ tấm lòng của mình với thầy cô nhân Ngày Nhà giáo 20-11.

Tự bạch của thầy giám thị khó tính: Thích chơi đuổi bắt cùng học trò - Ảnh 1.

Hình ảnh trang trí trên một bảng tin của học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - Ảnh: Đoàn Trường Minh Khai

Khác với mọi năm, thay vì "vắt óc" suy nghĩ nên mua gì tặng thầy cô ngày 20-11, Minh Uyên - học sinh lớp 12, chủ nhiệm một câu lạc bộ truyền thông thuộc Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) - quyết định thực hiện một dự án về thầy cô - để thầy cô điền vào một tấm bảng tự bạch về bản thân, với mục đích kết nối thầy cô gần gũi hơn với các bạn học sinh, cũng như giúp họ thấy được những tính cách chưa từng được khám phá của những thầy cô tưởng chừng như vô cùng nghiêm nghị.

Làm giáo viên có gì vui?

Đối diện với những tin tức tiêu cực liên quan đến nghề giáo, Minh Uyên lại muốn tìm hiểu điều gì đã khiến thầy cô trở nên tận tâm với nghề, yêu thương học trò đến thế. Nghĩ là làm, em cùng những thành viên trong Câu lạc bộ PCT Media bắt tay vào thực hiện dự án "Những tâm tư chưa kể".

"Em cảm thấy rằng thầy cô cũng có nhiều tâm tư muốn truyền tải đến học sinh, nhưng dường như những giờ học trên lớp chưa bao giờ là đủ. Thế nên em và các bạn trong câu lạc bộ đã quyết định làm dự án nhỏ này để các bạn, các em học sinh có thể thêm hiểu, thêm yêu "những người lái đò" của mình nói riêng và tất cả nhà giáo nói chung" - Minh Uyên chia sẻ.

"Những tâm tư chưa kể" chọn ngẫu nhiên các thầy cô ở những độ tuổi khác nhau, kể cả những người mang tiếng "dễ" và "khó" trong lòng học sinh. Mỗi thầy cô sẽ điền vào chiếc bảng ba thông tin cơ bản, gồm: họ và tên, chức vụ, làm giáo viên có gì vui.

Minh Uyên cho rằng ngày 20-11 nên được chú ý theo đúng ý nghĩa của nó, tức chỉ tập trung tôn vinh những giá trị tốt đẹp mà thầy cô đã cống hiến suốt cả sự nghiệp của mình, không nên chú trọng quá nhiều vào những thứ bên lề.

"Khi làm dự án này, bản thân em nghĩ phải đặt thầy cô vào vị trí chủ thể, tức là để thầy cô được tự do bày tỏ những cảm xúc của mình. Dẫu sao, ngày 20-11 là ngày chúng ta nên tập trung vào thầy cô nhất. Như thế cả thầy cô và học trò có thể vui vẻ, thoải mái với nhau mà không phải e dè bất kỳ điều gì" - Minh Uyên nói.

Đa phần các thầy cô đều trả lời câu hỏi một cách hóm hỉnh nhưng không kém phần tình cảm. Chẳng hạn thầy Nguyễn Ngọc Lâm, người nổi tiếng là giám thị khó tính nhất nhì Trường THPT Phan Châu Trinh, chuyên "săn lùng" những học sinh vi phạm, lại viết điều thầy yêu nhất là "chơi đuổi bắt cùng học trò".

Mặt khác, cô Đặng Thị Hương, giáo viên vật lý tại trường, cho rằng cô rất vui vì có thêm nhiều người con.

Kể từ lúc đăng tải, dự án đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều học sinh lẫn cựu học sinh, mọi người thi nhau gửi lời chúc tới các thầy cô, đồng thời kể lại những tình huống "dở khóc dở cười" thời đi học, chẳng hạn như bị thầy giám thị rượt vì đi học muộn, phải… trốn vào toilet.

Một số người còn không quên khẳng định rằng, nhờ những trải nghiệm này, họ đã có một thời học sinh thật đáng nhớ và trở nên tốt hơn trong tương lai.

Tự tay làm quà tri ân thầy cô

Tự bạch của thầy giám thị khó tính: Thích chơi đuổi bắt cùng học trò - Ảnh 2.

Thầy Ngọc Lâm, một trong những giám thị lâu năm tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) - Ảnh: PCT Media

Thay vì mua hoa để tặng thầy cô, học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) đã cùng tham gia thi làm hoa để mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam vào ngày 14-11.

Với nguyên liệu đa dạng từ giấy A4, giấy nhúng, vải, len… mỗi đội thi đại diện cho từng lớp đã tạo ra được thành phẩm đầy màu sắc và đẹp mắt. Không chỉ sử dụng được lâu dài, không tốn nhiều chi phí, những bông hoa này còn có giá trị tinh thần to lớn khi được chính tay các em học sinh mày mò, làm ra.

"Lúc làm xong, tụi em đem những bông hoa của mình làm ra về trang trí trên bàn giáo viên. Thầy cô vào lớp thấy hoa thì cảm thấy vui và hay khen hoa đẹp lắm. Nhưng khoảnh khắc em yêu thích nhất vẫn là lúc thầy cô và các bạn cùng nhau cổ vũ, theo dõi chăm chú các đội thi làm hoa.

Nó tạo cho cả trường một không khí vô cùng đoàn kết và tinh thần được nâng cao lên nhiều" - Minh Châu, học sinh tham gia thi làm hoa, chia sẻ.

Còn tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), Thu Phương (lớp 12) tâm sự cả lớp em vô cùng tâm huyết với bảng tin mà tập thể làm ra.

Để có được một bảng tin hoàn chỉnh, cả lớp phải cùng ngồi lại lên ý tưởng và tìm cách sao cho thể hiện được tình cảm đến tất cả giáo viên của lớp, bao gồm giáo viên chủ nhiệm lẫn giáo viên bộ môn.

"Tất cả mọi người đều muốn trang trí sao cho các thầy cô đều được xuất hiện trên bảng tin, vì vậy tụi em đứa thì hì hục cắt dán hình ảnh các thầy cô với lớp, đứa thì làm thủ công mấy hình trang trí bằng giấy, còn người thì được phân công viết vẽ… nên đứa nào cũng cảm thấy rất vui" - Thu Phương nói.

Tự bạch của thầy giám thị khó tính: Thích chơi đuổi bắt cùng học trò - Ảnh 3.

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trong buổi làm hoa - Ảnh: Đoàn trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

Quan trọng nhất là tấm lòng

Cô Trần Lê Khánh Duyên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cho rằng mỗi khi đến tháng 11, các giáo viên đều loay hoay với vô số công việc riêng nên "quanh đi quẩn lại là hết ngày 20-11".

Thế nhưng, sự bận rộn đó không thể che lấp được nỗi xúc động khi nhìn thấy các em học sinh thể hiện những tình cảm chân thành, trong sáng dành cho thầy cô.

"Tôi nghĩ các giáo viên đều bận rộn với các ngày lễ và hoạt động trong tháng 11, thế nên cái gì xuất phát từ tấm lòng của học sinh mới là thứ khiến tôi hạnh phúc nhất. Thật ra không nhất thiết phải có quà cáp mới được gọi là "tri ân".

Thay vào đó, cứ đến ngày này các em học sinh cũ và mới liên tục tìm thầy cô trò chuyện, hỏi han và hai bên thấu hiểu, yêu thương nhau hơn thì đó mới là điều làm tôi xúc động" - cô Duyên chia sẻ.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, trao yêu thương trong từng suất học bổng Ngày Nhà giáo Việt Nam, trao yêu thương trong từng suất học bổng

TTO - Sáng nay 20-11, tại tỉnh Tiền Giang, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Tiền Giang, Bến Tre tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 92 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Tiền Giang, Bến Tre.

NHƯ QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên