Thầy giáo, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Đình Chúc - Ảnh: NGỌC QUYỀN
Đã bước sang tuổi 85, sức khỏe mai một phần nhiều, nhưng hằng ngày thầy Nguyễn Đình Chúc (bút danh Nguyên Đình, cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn say mê với việc sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian. "Gia tài" của ông bây giờ là 22 đầu sách và nhiều giải thưởng cấp tỉnh, cấp toàn quốc.
Giữ lại vốn quý cho đời sau
Sinh năm 1937, quê ở làng Phú Nông (xã Hòa Bình, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), ông Chúc tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Việt - Hán ở Trường đại học Văn khoa Huế năm 1967. Ra trường, ông đi dạy học ở nhiều nơi như Đắk Lắk, Quảng Trị, Lâm Đồng…
Sau 30-4-1975, thầy Chúc về lại quê nhà, dạy học ở các trường trung học trong tỉnh Phú Yên. Giai đoạn cuối của nghề giáo chức (1990-1999), ông dạy văn ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.
"Tôi nghĩ đi dạy rồi cũng đến lúc nghỉ hưu, vậy phải làm gì để những ngày sau đó cuộc sống của mình vui và có ý nghĩa? Đó chính là điều dẫn tôi đến với sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian" - thầy Chúc nhớ lại.
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, thấm đẫm nhiều phong tục, tập quán, loại hình văn nghệ truyền đời của cha ông để lại, cộng thêm với kiến thức văn chương, Hán - Nôm, ông lặng lẽ và cần mẫn bước vào công việc sưu tầm, nghiên cứu với mong muốn gìn giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau.
Ông Nguyễn Đình Chúc ghi chép tư liệu tại một đình làng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: NGỌC QUYỀN
"Từ hồi 15-16 tuổi, xem các buổi diễn hò khoan ở quê mình, tôi thấy độc đáo quá. Rồi những câu hò, câu ca của mẹ cũng "thấm" vào tôi từ nhỏ. Gần nghỉ hưu, tôi nghĩ nếu mình không nhanh chóng sưu tầm, ghi chép lại thì chẳng bao lâu nữa những người lớn tuổi, các thầy hò, cô hò qua đời, thế hệ sau không còn biết nữa sẽ là mất mát không thể khắc phục được" - ông Chúc kể.
Những công trình khảo cứu của nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc là tư liệu quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, văn nghệ dân gian của vùng đất Phú Yên, vùng Nam Trung Bộ.
PGS.TS NGUYỄN THỊ THU TRANG - chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian và văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên
Năm 1999, lần đầu ông Chúc dự một trại viết do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức. Tác phẩm Tìm hiểu địa danh Phú Yên qua ca dao, tục ngữ của ông được đánh giá cao và được cho xuất bản năm 2000.
Từ đó, lần lượt những Hò khoan Phú Yên, Văn hóa dân gian huyện Đồng Xuân, Văn hóa dân gian Phú Nông Tân Hội thôn, Văn hóa dân gian Vũng Rô - Đèo Cả - Đá Bia, Văn hóa dân gian làng ven đầm Ô Loan, Dân ca Phú Yên, Lễ tá thổ ở Phú Yên, Đình - miễu - lẫm - làng ở Phú Yên, Gốm Nam Trung Bộ… nối tiếp ra mắt độc giả.
Đôi chân không mỏi
Tháng 10-2022, tác phẩm Danh lam cổ tự từ Quảng Bình đến Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ của Nguyễn Đình Chúc được Nhà xuất bản TP.HCM ấn hành với độ dày gần 550 trang, ghi lại quá trình hình thành 138 ngôi danh lam cổ tự và các đời trụ trì của những ngôi chùa này. Để thực hiện được công trình trên, từ năm 2014 đến nay, tác giả đã đi thực tế ở nhiều tỉnh, thành, tìm hiểu kỹ lưỡng, ghi chép tỉ mỉ, tra cứu thêm nhiều tài liệu...
Đây đã là cuốn sách thứ tư mà ông Chúc sưu tầm, biên soạn liên quan đến Phật giáo, sau các tập: Lược sử Phật giáo và các chùa Phú Yên (viết chung với Huệ Nguyễn), Chư tôn Thiền đức Phật giáo Phú Yên, Lược sử chùa chư tôn Phú Yên trong và ngoài tỉnh.
85 tuổi, nhưng đôi chân thầy giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc vẫn tiếp tục in dấu trên nhiều vùng miền không chỉ ở tỉnh Phú Yên mà còn nhiều tỉnh, thành khác - Ảnh: NGỌC QUYỀN
"Chúng tôi thấy Phật giáo là tôn giáo theo lịch sử dân tộc từ buổi đầu. Từ xưa, trong dân gian có câu: "Muốn tu Phật về Phú Yên/ Muốn tu Tiên về Bảy Núi". Phú Yên là vùng đất nơi sinh ra Tổ Liễu Quán, vị tổ đầu tiên người Việt đã được Tổ sư Minh Hoàng - Tử Dung ấn chứng là Tổ kế thế Thiền phái có ảnh hưởng rộng lớn xứ Nam Hà (Đàng Trong). Đó là vị tổ của Thiền phái Liễu Quán. Điều đặc biệt ấy của Phật giáo tại Phú Yên thôi thúc tôi phải tìm hiểu, và càng khám phá càng thấy mênh mông, thú vị…" - thầy giáo Nguyễn Đình Chúc nói về lý do khiến ông để tâm làm các công trình nghiên cứu về Phật giáo.
Hòa thượng Thích Đức Thanh - trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế - cho rằng: "Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc đã có quá trình hơn phần tư thế kỷ nghiên cứu văn hóa dân gian, lịch sử Phật giáo trong và ngoài tỉnh Phú Yên. Dẫu tuổi đã cao nhưng ông không chồn chân mỏi gối, vẫn khát vọng nghiên cứu tìm hiểu, sưu tầm, biên soạn những cuốn sách quý về Phật giáo".
Một số công trình sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, lịch sử Phật giáo của tác giả Nguyễn Đình Chúc đã được xuất bản - Ảnh: NGỌC QUYỀN
22 đầu sách nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian trong hơn 26 năm cho thấy sức đi, sức làm việc đáng nể của ông. Nhưng ông khiêm tốn: "Tôi có nỗ lực, nhưng so với các bậc đàn anh thì chưa thấm vào đâu. Vì thế, chúng tôi muốn tiếp tục làm những công việc khi mình còn có thể làm được, vừa giúp mình có trí tuệ minh mẫn, vừa giữ được các giá trị truyền thống quý báu. Làm tới đâu hay tới đó, như một nguồn vui, cho cuộc sống của mình có ý nghĩa, vậy thôi".
Nhiều giải thưởng giá trị
- 2003: giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam cho tác phẩm Hò khoan Phú Yên.
- 2021: giải nhì (không có giải nhất) của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho tác phẩm Gốm Nam Trung Bộ (viết chung với Trần Thanh Hưng).
- Được trao 2 giải A, 2 giải B Giải Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên (5 năm trao một lần).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận