21/11/2022 08:21 GMT+7

Chiếc áo thầy cho

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TTO - Sau buổi lễ tổng kết năm học lớp 7, tôi chuẩn bị ra về thì thầy giáo dạy toán đứng sau lưng tôi lúc nào không hay. Thầy vỗ nhẹ vai tôi bảo: "Thầy nhờ em chút việc nhé".

Chiếc áo thầy cho - Ảnh 1.

Cứ mỗi dịp 20-11, các học trò cũ lại về quây quần bên thầy Lê Duy Thông (giữa) - Ảnh: T.V.

Thầy nắm tay tôi và nói nhỏ nhẹ bằng giọng Huế: "Thầy có đứa em trai bằng tuổi em, dáng người cũng như em, thầy muốn may cho nó cái áo nhưng không có số đo. Em giúp thầy nhé!". Tôi dạ và đi theo thầy vào tiệm may đồ ông Tám gần trường.

Trích đồng lương ít ỏi

Xong việc, tôi định chào thầy ra về, thầy kéo tay tôi nói nhỏ: "Thầy đùa em thôi. Thầy không có em trai nào hết mà thầy may cái áo này tặng em". 

Tôi đứng lặng câm không nói nên lời, bối rối như muốn rụng rời từng lóng tay. Tôi thấy khó thở và nghèn nghẹn ở cổ. "Dạ em cảm ơn thầy thật nhiều! Em cảm ơn!" - tôi chỉ biết nói ú ớ vậy thôi và giấu đi những giọt nước mắt hạnh phúc.

Buổi trưa đó và nhiều ngày sau nữa, tôi suy nghĩ rất nhiều về thầy và biết rằng hôm nhà trường tổng kết, khi tôi bước lên nhận phần thưởng có lẽ thầy đã thấy cái áo trắng của tôi mục nát, rách một ít ở vai trái, cũ mềm như miếng giẻ lau...

Tôi mặc chiếc áo mới trắng tinh tươm với lời nguyện trong lòng mình sẽ là trò ngoan, cố gắng hết sức để không phụ lòng thầy. Đặc biệt, chiếc áo được may bằng số tiền lương ít ỏi của thầy ngày đó - cái ngày mà khu nội trú của các thầy cô tôi ở toàn sắn khoai nhiều hơn cơm gạo.

Thầy dạy toán cho tôi đến năm lớp 12. Chúng tôi kính trọng và thương yêu thầy như người cha, người anh hiểu biết, luôn kiên nhẫn dẫn dắt, soi đường. 

Có lần hơn 12h đêm bạn Q. lớp tôi (sau này là sinh viên giỏi cấp quốc gia môn cơ lý thuyết nhiều năm của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng) gõ cửa hỏi thầy giải bài toán mà thầy vẫn vui vẻ chỉ cho. Thầy luôn khuyến khích và tự hào những đứa học trò như vậy.

"Khó khăn cứ nói với thầy"

Dưới con mắt của thầy, chúng tôi như những đứa con bé dại. Chúng tôi vào đại học, thầy luôn hỏi, nhắc nhở chuyện ăn ở, chuyện học hành, chuyện đi lại, sinh hoạt ở thành phố. 

"Bây ở thế nào? Học cho tốt, đừng đứa mô quá khó mà bỏ học nghe chưa. Có gì khó khăn cứ nói với thầy!" - đó là câu hỏi thường trực thầy hay nhắn với nhóm bạn của tôi ngày đó.

Chúng tôi ra trường đi làm, có vợ có con, lần nào chạy về đều quấn quýt bên thầy. Muốn chạy vào căn nhà trong hẻm đó để nhìn dáng thầy đi, mong được nhìn thầy khỏe mạnh với nụ cười tươi rạng ngời, thông thái.

Hôm kia, chúng tôi lặng lẽ đến thăm thầy cô nhân ngày 20-11. Thầy yếu đi và bắt đầu có nhiều bệnh. Mong mỏi của thầy là sắp xếp lại cuộc sống để được gần các con, đứa đang học bách khoa, đứa học y khoa vừa ra trường...

Tôi thực sự biết ơn về sự hy sinh của thầy cô ở thế hệ của thầy ngày đó với cá nhân tôi, bạn bè tôi, quê hương tôi là vô cùng lớn. 

Sinh ra, lớn lên, học hành ngay tại trung tâm TP Huế, học xong Đại học Sư phạm Huế, các thầy phải nhận nhiệm vụ miền heo hút, thiếu muối đói cơm như quê tôi thập niên 80 của thế kỷ trước là điều không đơn giản.

Nhiều người không trụ lại được sẵn sàng bỏ việc dạy học để về quê hoặc chuyển đổi ngành nghề là điều bình thường, nhưng thầy tôi không chọn cách đó. Các thầy cô vẫn bám trụ, miệt mài cho chúng tôi và nhiều thế hệ học trò nữa không những chữ nghĩa mà cả ân tình, đạo đức.

Cảm ơn sự lựa chọn kiên cường và quả cảm của thầy, hơn nửa đời trao những gì tốt đẹp nhất cho các thế hệ học sinh và cho xứ sở của em - một xứ sở đẹp nhưng buồn!

Kính yêu thầy, thầy Lê Duy Thông - nguyên giáo viên Trường THPT Nông Sơn, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam!

Kỷ vật

Tôi mặc chiếc áo gần hai năm, khi nó quá cũ, tôi xếp vào ngăn và để đó, tôi nghĩ mình sẽ giữ nó mãi mãi đến khi tôi có thể mang nó ra kể với các con cháu của mình.

Nhưng trận lụt năm 1999 đã xóa sạch nhiều kỷ vật của tuổi thơ tôi cùng chiếc áo của thầy.

Tự bạch của thầy giám thị khó tính: Thích Tự bạch của thầy giám thị khó tính: Thích 'chơi đuổi bắt cùng học trò'

TTO - Khai thác những khía cạnh đáng yêu của thầy cô ngoài giờ lên lớp, tự tay làm hoa, vẽ thiệp trang trí bảng tin… là cách mà học sinh ngày nay dùng để bày tỏ tấm lòng của mình với thầy cô nhân Ngày Nhà giáo 20-11.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên