29/07/2016 12:05 GMT+7

Trăn trở với chủ quyền

LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)
LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)

TTO - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn là một trong những nam đại biểu nhỏ con nhất QH, nhưng tinh thần ông lại rất rắn rỏi. Khi sắp rời nghị trường nhận sổ hưu, tôi hỏi ông còn những gì trăn trở thì ông nói ngay hai từ: Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Ảnh: L.K.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Ảnh: L.K.

Chúng tôi là những đại biểu ngồi họp trong phòng Diên Hồng, cái tên gắn với sự kiện lịch sử nói lên hào khí của cha ông ta chống giặc ngoại xâm. Nay, một phần máu thịt của Tổ quốc vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Sự day dứt, trăn trở của mỗi đại biểu Quốc hội phải biến thành hành động của Quốc hội, nếu không thì chúng ta sẽ có lỗi với cha ông và mắc nợ con cháu sau này

Ông NGUYỄN ANH SƠN

Lo có lỗi với ông cha

Sóng dữ ở Biển Đông đã không ít lần giội vào nghị trường QH, chủ quyền quốc gia luôn bị thử thách và bị xâm phạm nghiêm trọng vào tháng 5-2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào sâu trong thềm lục địa VN.

Trong những lúc lửa bỏng dầu sôi, người dân thao thức, bức xúc về vấn đề chủ quyền, bạn đọc lại thấy hình ảnh đại biểu Nguyễn Anh Sơn trên các trang báo. Với cá nhân đại biểu Sơn, đây là vấn đề ông theo đuổi suốt cả chặng đường dài của một nhiệm kỳ không biết mệt mỏi.

Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 xâm phạm chủ quyền VN ngay trước thềm kỳ họp QH, khiến phiên họp thảo luận tình hình kinh tế - xã hội trở nên nóng bỏng, 43/43 ý kiến phát biểu trong một ngày đều nhắc đến chủ đề này.

Nhưng rốt cuộc QH không ban hành nghị quyết riêng về Biển Đông. Không muốn khép lại một phiên họp theo cách như vậy, ông Sơn đã bày tỏ quan điểm của mình rằng QH phải có ý kiến chính thức bằng một tuyên bố hoặc một nghị quyết, chứ không chỉ là tiếng nói riêng rẽ của từng đại biểu.

“Chúng tôi là những đại biểu ngồi họp trong phòng Diên Hồng, cái tên gắn với sự kiện lịch sử nói lên hào khí của cha ông ta chống giặc ngoại xâm. Nay, một phần máu thịt của Tổ quốc vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Sự day dứt, trăn trở của mỗi đại biểu QH phải biến thành hành động của QH, nếu không thì chúng ta sẽ có lỗi với cha ông và mắc nợ con cháu sau này” - ông nói.

Đã nhiều lần khi ông bấm nút đứng lên phát biểu hoặc trả lời phỏng vấn về vấn đề chủ quyền Biển Đông, tôi đều nhận thấy ánh mắt của ông quắc lên như ánh thép. Đây là vấn đề ông đeo đuổi suốt nhiệm kỳ, với nhiều lần tha thiết đề nghị QH có văn bản chính thức bày tỏ thái độ về chủ quyền Biển Đông.

“Với tôi, vấn đề trăn trở nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay là thái độ của QH đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, và tôi thấy mình chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri về nhiệm vụ thiêng liêng này. Khép lại nhiệm kỳ khóa XIII, QH không có văn bản chính thức nào tỏ rõ thái độ mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền Biển Đông, có chăng chỉ là thể hiện trong các diễn văn khai mạc, bế mạc kỳ họp của Chủ tịch QH và phát biểu riêng rẽ của từng đại biểu” - ông thừa nhận.

Là thành viên Ủy ban Quốc phòng - an ninh của QH, nhưng năm 2015 ông chủ động tham gia chuyến khảo sát dài ngày đến 14 điểm đảo ở Trường Sa cùng với đoàn của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường.

Sau chuyến khảo sát, tận mắt chứng kiến Trung Quốc ồ ạt tiến hành các hoạt động xây dựng, mở rộng quy mô, có dấu hiệu quân sự hóa các đảo chiếm đóng trái phép, ông Sơn lại trở về nghị trường đặt tay bấm nút đề nghị QH đưa vào chương trình nghị sự vấn đề diễn biến ở Biển Đông. Đề xuất của đại biểu Sơn được QH chấp thuận.

“Với những gì mà Trung Quốc đã làm, tôi rất lo kịch bản 14-3-1988 sẽ lặp lại. Hoàn toàn có thể xảy ra. Dù các nhà phân tích trên thế giới nói là khó có khả năng xảy ra va chạm quân sự lớn nhưng trong thâm tâm tôi rất lo” - ông bày tỏ.

Luôn là người phục vụ

Ông Sơn cho biết đó là lần thứ hai ông được đến Trường Sa, trăn trở nhưng hạnh phúc được đặt chân lên những hòn đảo xa xôi của Tổ quốc, nơi hằng ngày phải đối mặt với sóng gió cạm bẫy của thế lực hiểm ác.

“Tôi đến Trường Sa lần đầu tiên ở đầu nhiệm kỳ QH, lúc ấy tôi là thành viên đoàn cán bộ tỉnh Nam Định ra đảo Song Tử Tây khởi công công trình tượng đài Trần Hưng Đạo” - ông cho hay.

Bức tượng đài bằng đá (cao 11m) tạc chân dung người anh hùng dân tộc ba lần đánh thắng quân Nguyên xâm lược, được khánh thành giữa năm 2012.

Ông Sơn nói rất thích hình ảnh này: danh tướng Trần Hưng Đạo tay phải cầm Hịch tướng sĩ, tay trái đặt lên đốc kiếm, oai nghiêm nhìn ra phía biển, biểu trưng cho hình ảnh đất nước VN khoan hòa nhưng không nhân nhượng một khi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm.

Tôi hỏi ông Sơn muốn tới Trường Sa lần thứ ba không, ông trả lời ngay là muốn đi thêm nhiều lần nữa, đặc biệt là mong muốn VN tổ chức các chuyến du lịch đến Trường Sa để mình có cơ hội mời người thân và bạn bè cùng đi.

“Nếu đủ điều kiện thì nên tổ chức các chuyến du lịch như vậy để nhân dân được chiêm ngưỡng nơi này, nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền, góp phần hiệu quả hơn vào công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - ông nói.

Ông Sơn chỉ một nhiệm kỳ làm đại biểu QH nhưng ông không hề bỡ ngỡ như nhiều đại biểu khác khi mới đặt chân vào nghị trường. Hỏi ra mới biết trước khi trở thành đại biểu, ông đã có 27 năm liên tục làm chuyên viên, thư ký, rồi chánh văn phòng phục vụ cơ quan dân cử (HĐND, QH) nên ông không xa lạ gì công việc này.

“Quê tôi ở Ninh Bình, mới bắt đầu công tác thì làm việc ở tỉnh Hà Nam Ninh cũ, đến khi tách tỉnh thì tôi ở lại Nam Định. Tôi không chạy cũng không xin chức quyền, có một điều lạ là sau hơn 20 năm làm chuyên viên thì tôi được đề bạt làm chánh văn phòng, rồi từ chánh văn phòng được giới thiệu ứng cử đại biểu QH. Làm việc gì, vị trí nào mình cũng luôn là người phục vụ nhân dân” - ông nói.

“Tại sao ông luôn máu lửa, trăn trở với vấn đề chủ quyền?” - tôi hỏi.

Ông trả lời: “Tôi tốt nghiệp đại học xong thì vào quân đội, làm quân nhân năm năm thì về làm chuyên viên văn phòng. Có lẽ do khởi đầu công tác làm bổn phận của người lính nên tôi quan tâm tới chủ quyền. Khi trúng cử đại biểu QH khóa XIII tôi cũng đăng ký làm thành viên Ủy ban Quốc phòng - an ninh.

Nhưng có lẽ lý do lớn nhất khiến tôi luôn trăn trở, dằn vặt nghĩ suy về vấn đề này bởi đó là bức xúc, là thao thức của mọi người dân VN mà tôi cảm nhận được rất rõ ràng. Chủ quyền là thiêng liêng nhất vì Tổ quốc ở trong tim mỗi người”.

Copy phát biểu

“Vào QH không phải là cuộc dạo chơi, không phải là nơi để người ta PR hình ảnh, lấy danh tiếng hoặc trục lợi cá nhân... Ai nghĩ vào QH tìm danh tiếng, tìm quyền lợi này kia thì sẽ thất bại. Thực tế đã chứng minh những người vào QH với mục đích đánh bóng tên tuổi và trục lợi cá nhân rất dễ bị lộ và bị cử tri, dư luận khinh rẻ” - ông Sơn nói.

Còn nhớ khi báo Tuổi Trẻ nêu hiện tượng đại biểu QH “đọc bài của người khác”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói rằng lúc đó ông buồn không thể chịu nổi.

Có lần ông bảo: “Tôi phát hiện bốn đại biểu phát biểu những đoạn giống nhau y như đúc, buồn cười là chỗ sai cũng y hệt nhau”. Bức xúc trước biểu hiện xấu này trong hoạt động nghị trường, ông Sơn đã thẳng thắn đưa nó ra cuộc họp của Chủ tịch QH với trưởng đoàn đại biểu các tỉnh, thành.

________________________

Kỳ tới: Người đòi nợ cho dân

LÊ KIÊN (lekien@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên