28/07/2016 14:34 GMT+7

Những người làm nóng Quốc hội - Kỳ 5: Không nao núng

LÊ KIÊN (
lekien@tuoitre.com.vn)
LÊ KIÊN (
lekien@tuoitre.com.vn)

TTO - Mới đây, khi trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Vũ Mão (nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) đề nghị nên sửa luật, sửa cơ chế bầu cử để đại biểu Quốc hội (QH) không bị giới hạn về tuổi tác.

Ông Nguyễn Minh Thuyết khi còn ở nghị trường Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Nguyễn Minh Thuyết khi còn ở nghị trường Quốc hội - Ảnh: VIỆT DŨNG

“Các anh, chị có thể im lặng ở bất cứ nơi đâu, nhưng đừng chọn cách im lặng ở nghị trường. Đại biểu QH phải hoạt động như thế nào để sau khi nghỉ, không làm đại biểu QH nữa sẽ không ân hận về quãng thời gian mình làm đại diện cho cử tri.

Làm đại biểu QH mà không nói ở QH thì thật sự là chưa hoàn thành trách nhiệm với cử tri đã bỏ phiếu cho mình. Không nên vì bất cứ lý do gì mà ngại phát biểu, và nếu ngại như vậy thì tốt nhất là không nên ứng cử vào QH

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết

Ông Mão dẫn chứng: “Như trường hợp anh Nguyễn Minh Thuyết khi thôi làm đại biểu QH thì đã 63 tuổi, nhưng anh ấy vẫn hoạt động, đóng góp còn hơn cả một đại biểu QH...”.

Ông Mão tâm sự khi chia tay nghị trường QH khóa XII, ông Thuyết là một trong những đại biểu mà cá nhân ông Mão “thấy tiếc nuối nhất, bởi cử tri lẫn QH rất cần những con người như vậy”. Nhưng ông Thuyết “nghỉ” mà không “ngơi”, vẫn bận trăm công ngàn việc.

Ngoài công việc chuyên môn của một GS.TS ngôn ngữ, ông vẫn làm chuyên gia phản biện các dự án luật (mới đây là Luật báo chí, Luật trẻ em...), tham gia hoạt động bồi dưỡng các đại biểu dân cử, đều đặn xuất hiện trên các trang báo...

Phải nói những điều đau xót

“Nói những điều này tôi cảm thấy rất đau xót và khó khăn, nhưng chúng ta có xử lý nghiêm vụ việc này thì mới thể hiện được sự công minh của pháp luật, hạn chế được những dự án làm ăn phá của bốc trời”.

Đó là buổi sáng 1-11-2010, tại phiên họp QH thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, ông Thuyết bấm nút phát biểu và nội dung ông đề cập gắn với một “từ khóa” đang thu hút sự quan tâm của dư luận: Vinashin.

Vào thời điểm ấy, một vụ án hình sự đã được khởi tố, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đã có nhiều cuộc làm việc... Trước QH, ông Thuyết khẳng định Vinashin thật sự đã sụp đổ và sự sụp đổ đó “đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỉ đồng”.

Ông Thuyết đề nghị: “Căn cứ hiến pháp và Luật tổ chức QH, tôi trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ QH tổ chức để QH biểu quyết thành lập ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này.

Trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của ủy ban lâm thời, tôi đề nghị QH tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra”.

Đó là đề nghị mạnh mẽ nhất liên quan đến xử lý trách nhiệm công vụ lãnh đạo cơ quan nhà nước được một đại biểu QH nêu lên trong diễn đàn chính thức.

Hội trường QH bỗng “nóng” ran trong một sáng mùa thu Hà Nội. Đó là một phiên họp với không khí rất đặc biệt, khi đề nghị của ông Thuyết được các đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), Phạm Thị Loan (Hà Nội), Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)... “tiếp lửa”.

Vẫn như mọi khi, sau khi chất vấn một vấn đề nóng bỏng, bức xúc, đại biểu Thuyết bình thản bước ra một góc hành lang châm thuốc hút. Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ về động cơ của đề nghị nêu trên, ông Thuyết nói: “Động cơ thôi thúc tôi nêu đề nghị này trên diễn đàn QH là nguyện vọng của đông đảo cử tri”.

Sau này gặp lại ông, khi có những ý kiến “chụp mũ” phát biểu này, thậm chí cho rằng ông Thuyết lấy cớ Vinashin để “làm phức tạp tình hình”, ông khẳng định những vấn đề ông nêu lên ở QH không phải là những phút ngẫu hứng.

Với riêng phát biểu về Vinashin, ông đã thao thức không chỉ một đêm để suy nghĩ về ba phương án: một là đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm ngay những người có liên quan; hai là đề nghị những người đó từ chức; ba là đề nghị lập ủy ban đặc biệt để điều tra. “Sau khi cân nhắc tôi chọn phương án 3 vì hợp lý và có căn cứ pháp lý vững chắc” - ông nói.

Ông nghị Thuyết là vậy, trong chín năm làm nhiệm vụ đại biểu QH, chưa bao giờ thấy ông nao núng, ngay cả khi phát biểu của ông bị phản công dữ dội.

Lại nhớ cũng thời điểm ấy, có một đại biểu QH là tiến sĩ kinh tế, khi trả lời báo chí thì hùng hồn khẳng định “Vinashin đã phá sản về mặt kỹ thuật”, sau đó không hiểu là do nhận thức lại hay vì một lý do nào đấy nên đã phát biểu trước QH: “Vinashin không phá sản bởi vốn chủ sở hữu vẫn còn”.

Ông Nguyễn Minh Thuyết (trái) với các cộng tác viên - chuyên gia phía Bắc tại buổi gặp mặt, góp ý cho báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ông Nguyễn Minh Thuyết (trái) với các cộng tác viên - chuyên gia phía Bắc tại buổi gặp mặt, góp ý cho báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

“Mất cái ghế thì có gì đáng sợ”

Tôi được theo chân ông nhiều lần lên bục giảng, không phải giảng bài cho sinh viên mà là tập huấn và truyền đạt kinh nghiệm cho những người mới bước chân vào nghị trường - các đại biểu dân cử.

“Các anh, chị có thể im lặng ở bất cứ nơi đâu, nhưng đừng chọn cách im lặng ở nghị trường. Đại biểu QH phải hoạt động như thế nào để sau khi nghỉ, không làm đại biểu QH nữa sẽ không ân hận về quãng thời gian mình làm đại diện cho cử tri.

Làm đại biểu QH mà không nói ở QH thì thật sự là chưa hoàn thành trách nhiệm với cử tri đã bỏ phiếu cho mình. Không nên vì bất cứ lý do gì mà ngại phát biểu và nếu ngại như vậy thì tốt nhất là không nên ứng cử vào QH” - ông tâm sự nhiều lần trong các lớp tập huấn.

Có lần tôi hỏi ông Thuyết rằng trong cơ chế hiện nay, có những đại biểu không phát biểu không chỉ vì ngại mà còn vì sợ? Không chần chừ, ông đáp: “Nếu đa số đại biểu né tránh thì QH không nghe được ý kiến thực và thông tin đúng. Riêng tớ thì luôn nghĩ rằng trung thần thời xưa nói trái ý vua bị chém đầu cũng không sợ, còn bây giờ mình nói cùng lắm chỉ mất cái ghế thì có gì đáng sợ đâu”.

Có lẽ, không sợ mất cái ghế là bởi vì ông Thuyết biết rằng nếu không làm quan chức thì còn nhiều việc khác để làm, là bởi vì có những người hướng đến cái ghế đại biểu như một sự đầu tư thì ông lại coi đó là trách nhiệm, nên nếu có mất cái ghế chỉ là chuyện nhẹ tựa lông hồng.

Chỉ có điều ông luôn nặng lòng là tuy lúc ngồi ghế nghị sĩ nỗ lực như vậy, “nhưng khi về hưu tự đánh giá thì mình thấy còn nợ cử tri nhiều lắm. Đất nước còn chậm phát triển thế này, bao nhiêu tồn tại, bức xúc đặt ra, đời sống người dân còn nhiều khó khăn thì người có tâm không thể thấy lòng thanh thản được”.

Có lẽ, đây là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi vì sao về hưu rồi mà ông vẫn làm việc quần quật như thế.

Theo ông Thuyết, làm đại biểu QH là công việc cực khó. Khó trước hết vì việc dân việc nước rất lớn, rất rộng, luôn bộn bề và nhiều lĩnh vực vượt ra ngoài phạm vi hiểu biết thông thường của cá nhân người đại biểu.

Chính vì vậy, theo ông, đã là đại biểu QH thì phải có trách nhiệm tìm hiểu, học hỏi, lắng nghe ý kiến cử tri và chuyên gia từng lĩnh vực, nắm bắt đúng tình trạng, vấn đề mà QH thảo luận - quyết định thì mới có đóng góp hiệu quả cho dân cho nước.

________________

Kỳ tới: Trăn trở với chủ quyền

LÊ KIÊN (
lekien@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên