Học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cùng dọn rác với các cô chú làm tạp vụ của trường - Ảnh: H.NH.
Thông qua các ý kiến góp ý trên diễn đàn “Nói không với xả rác” trên báo Tuổi Trẻ, Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM tiếp thu, tìm hướng đi mới trong câu chuyện hạn chế xả rác thải ra đường, hệ thống thoát nước... để công tác này hiệu quả hơn trong năm 2019
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ
Ngày 15-12, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, đã trao đổi với Tuổi Trẻ vấn đề này.
* TP.HCM đã thực hiện cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP giảm ngập nước". Bà có nhận định gì về hiệu quả thực tế cuộc vận động này?
- Để mọi người thay đổi thói quen, thực hiện không xả rác bừa bãi là việc không đơn giản, cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ và lộ trình để thực hiện nhưng nếu không có quyết tâm khởi đầu sẽ không có kết thúc. Chỉ thị 19 của Thành ủy TP.HCM là chỉ đạo xuyên suốt đến các cấp các ngành TP tập trung xử lý rác từ khâu thu gom, vận chuyển, xử lý...
Các quận, huyện, phường, xã... cùng chung tay, quyết tâm triển khai các giải pháp từ địa bàn. Thực tế cho thấy nhiều nơi suy nghĩ, tìm tòi cách làm mới nhằm giảm xả rác bừa bãi, tổ chức lại việc thu gom, xử lý rác, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm. Dù vậy, vẫn còn nhiều địa phương lơ là, chưa quyết tâm...
* Để giải quyết hiệu quả hơn chuyện xả rác ra môi trường, trong thời gian tới Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM sẽ có những bước thực hiện cụ thể nào?
- Sở đang trình UBND TP.HCM dự thảo kế hoạch thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác trên kênh rạch, giảm sử dụng túi nilông... Trong quá trình thực hiện sở sẽ lồng ghép các nội dung này vào các dịp sự kiện lớn liên quan đến môi trường. Việc triển khai các hoạt động thiết thực phù hợp thực tế từng địa phương, tránh việc phát động theo phong trào.
Đặc biệt, sở đang điều chỉnh thời gian thu gom rác, xây dựng quy trình lưu trữ rác nhằm tránh để tình trạng rác phát thải ra môi trường. Việc xem xét điều chỉnh thời gian lấy rác này dựa vào các góp ý trên diễn đàn của Tuổi Trẻ và thực tế đang thực hiện ở các địa phương, cụ thể là địa bàn quận 3.
Hiện nay có hầu hết các đường và địa bàn dân cư ở quận này tổ chức thu gom rác từ 19h đến 6h sáng hôm sau. Việc này sẽ hạn chế tình trạng tập kết rác trước cửa nhà, trên lề đường gây mất mỹ quan và rác có thể trôi vào hệ thống cống, gây tắc nghẽn khi có mưa, ngập.
Đối với trường hợp không kịp mang rác ra cho lực lượng thu gom, sở đang nghiên cứu lắp đặt thêm các thùng rác công cộng để đảm bảo việc lưu trữ rác tập trung đúng nơi, đúng chỗ, hạn chế chuyện bỏ rác bừa bãi.
Công tác quản lý việc thu gom, vận chuyển rác... được phân cấp về cho các địa phương. Các địa phương là lực lượng chủ đạo thực hiện. Vì vậy trong năm 2019, bên cạnh việc hướng dẫn địa phương về chuyên môn, Sở Tài nguyên - môi trường sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc thực hiện nội dung này.
* Nhiều người dân có ý thức việc để rác đúng nơi. Nhưng nhiều địa phương không quy định chỗ bỏ rác nơi công cộng. Hệ thống quy định, hạ tầng đã đủ tạo điều kiện cho người dân để rác đúng chỗ chưa? Việc phân loại rác tại nguồn, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm?
- Gần đây UBND TP.HCM đã ban hành hàng loạt các quy định như: điều chỉnh giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác; kế hoạch phân loại rác tại nguồn... Các hình thức chế tài các vi phạm môi trường đã có từ trước (nghị định 155 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).
Về hạ tầng, TP đã ban hành kế hoạch chuyển đổi phương tiện thu gom rác; kêu gọi đầu tư các nhà máy đốt rác phát điện; xây dựng quy trình vận chuyển, lưu trữ rác tại các trạm trung chuyển... Nói chung về hệ thống quy định liên quan câu chuyện rác trên địa bàn TP.HCM cơ bản đầy đủ, hạ tầng đang từng bước hoàn thiện. Vấn đề mỗi người mỗi việc, cùng bắt tay vào làm, cùng cải thiện môi trường sống.
Để thay đổi thói quen, hành vi là chuyện không phải một sớm một chiều nên sở sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, nhằm từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và hình thành thói quen tốt với việc xử lý rác đúng cách.
Công tác tuyên truyền không chỉ thực hiện lồng ghép trong giáo dục từ bậc tiểu học mà đến cụ thể từng hộ dân, các cộng đồng dân cư, các cô chú tổ dân phố là lực lượng vừa tuyên truyền giám sát hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, biện pháp chế tài để tăng tính răn đe vẫn được triển khai mạnh hơn thời gian tới.
Thông qua báo Tuổi Trẻ, sở cũng đang tìm hiểu mô hình xử lý hiệu quả các trường hợp xả rác bừa bãi trên địa bàn phường 13, quận Gò Vấp (bài Dân góp tiền thưởng nóng cho người báo tin xả rác - Tuổi Trẻ 17-11 - PV) để tìm hướng đề xuất nhân rộng.
Nhặt rác: hành động đẹp. Không xả rác: tuyệt đẹp
Năm 2019, TP.HCM sẽ kiên quyết với vấn nạn xả rác trên kênh rạch. Trong ảnh: rác ở kênh Hy Vọng, đường Phan Huy Ích, P.15, Q. Tân Bình, TP.HCM (11-2018) - Ảnh: T.KIỀU
Sau những trận bóng đá, những lễ hội, nhiều người chung tay nhặt rác: những hình ảnh đẹp có sức lan tỏa cộng đồng.
Lần sau, có lễ hội, lại có nhiều người tỉnh queo đi về, bỏ tại chỗ những tờ báo, ly nhựa, chai nhựa, bịch rác, lon nước, hộp xốp đựng thức ăn... Hành động này vẫn ở khắp nơi, chưa có chế tài hiệu quả. Các điểm du lịch, vui chơi... nơi nào cũng rất nhiều rác. Bao người vô tư vứt rác xuống sông rạch, biển. Cả những nơi hội họp, những chuyến tập trung những đại biểu ưu tú cũng hồn nhiên xả rác.
Tôi đi Singapore, thấy đường phố nước bạn sạch vô cùng, không có hình ảnh người dân đi... nhặt rác. Hình ảnh môi trường như vậy hẳn nhiên còn đẹp hơn cả hình ảnh một nhóm ít người phải đi dọn rác sau khi hàng ngàn người xả rác.
Để chấm dứt việc xả rác bừa bãi, ngoài việc giáo dục trẻ từ nhỏ, cần có những biện pháp dành cho người lớn, nhất là với hành vi xả rác xuống sông biển, kênh rạch, ao hồ...
Hãy có hành động quyết liệt thay vì cùng nhau hết lần này đến lần khác khom lưng đi nhặt rác, hãy cùng nhau lên tiếng trên mạng xã hội, ở cộng đồng... Không muốn nhìn thấy rác, xin đừng xả rác.
ĐỖ HUỲNH HOA
Giải thưởng cho bạn đọc có tác phẩm tham gia diễn đàn
Báo Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn bạn đọc xa gần đã chia sẻ ý kiến với diễn đàn Nói không với xả rác bằng cách gửi tin, bài, ảnh tham gia diễn đàn. Diễn đàn khởi đăng từ ngày 24-9 đến nay đã nhận được hơn 100 ý kiến và tác phẩm cho diễn đàn. Có 38 tin, bài, ảnh được đăng trên báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online.
Diễn đàn Nói không với xả rác tạm khép lại từ số báo này. Tuổi Trẻ vẫn tiếp tục tiếp nhận và đăng tin bài của quý bạn đọc chia sẻ ý tưởng, giải pháp, hiến kế, câu chuyện thực tế xung quanh câu chuyện giảm xả rác vì môi trường trong thời gian tới. Bởi đây là câu chuyện không của riêng ai, không của riêng địa phương nào, hẳn ai cũng mong môi trường xung quanh sẽ sạch đẹp dần từng ngày.
Thay lời tri ân bạn đọc, Tuổi Trẻ trân trọng thông báo kết quả giải thưởng dành cho 5 bạn đọc có tác phẩm tốt, có tính giải pháp, hiến kế cho diễn đàn. Cụ thể:
Giải A:
- Bạn đọc Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), bài viết "Tiếng kẻng nhặt rác" (Tuổi Trẻ 3-10)
Giải B:
- Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng (TP.HCM), bài viết "Lấy rác nuôi rác: tại sao không?" (Tuổi Trẻ 1-11)
- Bạn đọc Nguyễn Thị Chúc Linh (Hậu Giang), bài "Rác khắp nơi: ai chịu trách nhiệm xử lý" (Tuổi Trẻ 27-9)
- Bạn đọc Thái Hoàng (Đồng Nai), bài viết "Chúng ta đang thỏa hiệp với rác" (Tuổi Trẻ 2-10) + nhiều hình ảnh về nạn xả rác tại TP.HCM.
- Bạn đọc Nguyễn Đước (Q.5, TP.HCM), bài "5 giải pháp cho thực trạng "bạ đâu xả đó"" (Tuổi Trẻ Online 6-11).
TUỔI TRẺ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận