Rác ngập rạch Cầu Bông, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Anh MICHAEL DOLAN (người Ireland):
Giải pháp từ miệng cống thoát nước
Ireland là nước có lượng mưa lớn, nhưng dù mưa lớn thì Dublin (thủ đô Ireland) cũng không ngập. Một phần do thưa dân số, nhưng phần chính do việc kênh rạch không có rác.
Với hơn 9 triệu dân, TP.HCM là một trong những nơi có lượng rác thải sinh hoạt lớn nhất cả nước nhưng lại thiếu sự xử lý nghiêm ngặt về việc xả rác.
Tôi thấy cuối mỗi ngày, các hộ gia đình mang những bao nilông chứa rác để trước nhà chờ người gom rác. Chó, mèo có thể làm rách túi hay ai đó mở túi tìm kiếm những món đồ có thể bán được là chuyện thường thấy.
Túi rác sẽ thành đống rác vương vãi ngoài đường. Mưa xuống, rác sẽ được cuốn xuống kênh, sông hoặc làm tắc nghẽn ống cống, nước mưa không thoát được.
Chuyện này ở nước tôi bị cấm hoàn toàn, người vi phạm sẽ bị phạt nặng.
Ở Dublin, mỗi căn nhà (nhà biệt lập) hoặc mỗi khu nhà, tòa chung cư sẽ phải có thùng rác lớn để bỏ rác vào trước khi xe rác đến gom.
TP.HCM thiếu những nơi tập trung có thùng rác kiểu này, rác mỗi người bỏ mỗi nơi, mỗi kiểu. Sau những đợt mưa lớn, một lượng rác không nhỏ sẽ xuống sông rạch, cống rãnh, cản dòng chảy.
Những túi rác nhỏ trên đường có thể trôi vào cống và kênh rạch nhưng không dễ trôi đi. Dù không cố ý xả rác nhưng nhiều người đã "góp rác" vào hệ thống thoát nước của thành phố.
Nhiều kênh rạch rác nhiều hơn nước, hôi hám và dơ bẩn với rác thải chưa qua xử lý. Các cống nước đã bị bịt kín bằng rác các loại. Việc ném rác xuống nước vẫn còn phổ biến, đặc biệt là với các hộ dân sống bên kênh.
Cách làm của Ireland có thể áp dụng ở Việt Nam là đặt khung sắt ở miệng cống. Cống nước được bảo vệ bằng một khung sắt đảm bảo các vật thể nhỏ lớn đều không thể "thâm nhập", chỉ cho phép dòng nước chảy vào.
Ở Việt Nam, nhiều nơi miệng thu nước vào cống là một cái lỗ bên đường, mọi thứ đều có thể trôi vào, rơi vào dù ống dẫn nước thải ở Việt Nam nhỏ hơn đáng kể so với tại Ireland.
Loại rác cần được chú ý nhất có lẽ là túi nilông. Ở Việt Nam và đặc biệt là tại TP.HCM, tôi thấy tràn lan túi nilông làm tắc miệng cống trong phố, không cho nước chảy xuống, gây ngập.
Ở nước chúng tôi, bộ phận quản lý kênh rạch và sông ngòi là một trong những bộ ngành được chính phủ chi vốn mạnh tay nhất. Chúng tôi có các thiết bị hiện đại để kiểm soát, điều tiết và quản lý việc thoát nước. Tôi nghĩ điều tương tự cần phải được thực hiện ở Việt Nam.
Giảm thiểu tình trạng tắc dòng nước vì rác, chính phủ nên kiên quyết giữ sạch sông ngòi, kênh rạch và cống thoát nước. Khi những nơi này không được sạch, người dân sẽ tiếp tục xả rác xuống sông không chút áy náy.
Việc dọn sạch bờ kênh, xây dựng thành nơi sinh hoạt cộng đồng với cây xanh, ghế đá, máy tập thể dục (như ở đường Trường Sa) cũng sẽ giúp người dân có ý thức giảm xả rác.
Miệng cống trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) bị lấp đầy rác và chắn bằng hai miếng bêtông - Ảnh: DUYÊN PHAN
Anh Paul Hellier (người Úc):
Giảm xả rác: vì chính mình
Ở Úc, người dân được kêu gọi thông báo ngay nếu thấy ai đó đổ rác bừa bãi hoặc báo tin nơi có rác qua số điện thoại hoặc trang web. Địa phương huy động những người phạm tội nhẹ phải phục vụ cộng đồng đi lao động công ích bằng cách vớt rác từ kênh rạch...
Những việc này giúp dòng chảy thông thoáng. Người xả rác có thể bị phạt đến 200 USD, các công ty có hành vi đổ trộm rác (rác xây dựng, đồ gia dụng...) có thể bị phạt đến 1 triệu USD.
Các miệng cống đều có lưới chắn để ngăn rác trôi xuống cống. Các cơ sở tái chế và các hội từ thiện có nhiều hoạt động góp phần kéo dài "vòng đời" của nhiều món đồ, giảm bớt lượng rác thải ra.
Những công trình xây dựng bất hợp pháp ảnh hưởng đến dòng chảy dù chỉ vài mét vuông cũng sẽ bị buộc tháo dỡ. Chính quyền có chính sách mua lại nhà, đất gần bờ sông, bờ biển để mở rộng các khoảng xanh, cho nước thấm vào lòng đất.
Kênh rạch, sông suối là thiết yếu với con người. Nếu nghĩ kỹ, Trái đất không cần chúng ta. Chính loài người chúng ta mới cần dựa vào Trái đất để sống.
Nếu bạn quăng rác xuống nước, một lúc nào đó bạn sẽ ăn lại thứ rác mình đã ném đó kèm theo các chứng rối loạn các hormone và có thể gây ung thư. Vi hạt nhựa đã được tìm thấy ở các loài thủy sản, trong phân và máu người.
Đến một lúc nào đó tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Không xả rác là trách nhiệm của mỗi người. Không có cách nào khác ngoài việc thay đổi hành động.
Thói quen vô tư ném lá chuối, vỏ trái cây ra môi trường từ xa xưa khác với hoàn cảnh hiện nay: con người dùng toàn đồ nhựa, cần đến 500 năm để tiêu hủy chúng.
Nếu hôm nay bạn xả rác làm ngập cống rãnh, nhà bạn, con đường bạn đi làm có thể bị ngập bởi rác chính tay mình xả. Hãy nghĩ lớn hơn và nghĩ cho cộng đồng, đừng chỉ nghĩ riêng gia đình mình.
Anh MAYTAPAT PARARAMAN (sinh viên, người Thái Lan):
Tình trạng xã hội: trở ngại lớn nhất
Ở nước tôi, giống như tại Việt Nam, việc xả rác và lấn chiếm kênh rạch cũng là vấn đề khá phổ biến. Tôi thường thấy chủ quán ăn, nhà hàng ở gần các con kênh có rất nhiều hành động ảnh hưởng đến dòng nước thay vì bảo vệ nó.
Chẳng hạn, họ có thói quen rửa chén và đổ thẳng nước bẩn ra kênh cũng như tống bất cứ thứ gì không muốn giữ lại xuống dòng nước cho khuất mắt.
Khi còn học trung học, tôi tham gia một chiến dịch của địa phương có tên "Làm sạch cộng đồng" và theo đó, chúng tôi đi dọn dẹp vệ sinh ở khu vực gần sông Chao Praya.
Chính quyền địa phương, người dân, trẻ em, học sinh, sinh viên đều háo hức chung tay làm sạch môi trường sống. Trải nghiệm đó rất khó quên với tôi vì những gì nhìn thấy khiến tôi rất sốc.
Các tình nguyện viên lấy nước sông lau sàn nhà, sau đó đổ nước bẩn xuống sông, những đứa trẻ hồn nhiên tắm giữa những bọt bẩn hóa chất người ta vừa đổ ra. Hoạt động này do chính quyền địa phương tổ chức nhưng chính họ cũng không thực sự nhận thức được về việc thứ gì có thể đổ trực tiếp ra sông.
Tôi muốn nói rằng ngay cả mọi người tham gia một chiến dịch làm sạch cộng đồng, nhưng vì không có hiểu biết toàn diện và đúng đắn, họ có thể có cách làm gây ra những tác hại đến dòng nước.
Tôi có cảm giác nhiều người trong chúng ta không nghĩ kênh, rạch hay sông ngòi trong thành phố là một phần không thể thiếu của cộng đồng.
Theo tôi, tình trạng xã hội là trở ngại lớn nhất cho việc nâng cao nhận thức của cộng đồng. Người dân còn bận lo cơm áo gạo tiền, họ chưa nghĩ vấn đề môi trường là một phần cuộc sống của mình.
Giải quyết vấn đề môi trường không thể tách khỏi việc giải quyết vấn đề kinh tế liên quan đến các cộng đồng tại địa phương. Muốn nâng cao nhận thức về việc ngừng lấn chiếm, xả rác gây ô nhiễm, tắc nghẽn cống rãnh, kênh rạch, phải có chính sách cải thiện điều kiện sống của người dân.
Nếu người dân thực sự thấu hiểu vấn đề, họ chính là những người đầu tiên lên tiếng và hành động vì cộng đồng mình.
Có một con kênh xanh không ô nhiễm, con người có thể câu cá, chèo thuyền, chơi kéo ván, lái môtô nước... Đó có thể là nơi ngắm cảnh, dạo mát cho người địa phương, điểm tham quan cho khách du lịch.
Làm sạch các con kênh và kể lại câu chuyện này có thể mang lại nhiều lợi ích cho TP.HCM. Tiền sẽ đến từ việc quảng bá những dòng kênh, dòng sông sạch.
Anh PAUL HELLIER
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận