03/10/2018 12:00 GMT+7

Tiếng kẻng nhặt rác: không chỉ là trách nhiệm của cô lao công

NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)
NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)

TTO - Sau nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, tôi và các đồng nghiệp có được một kết quả bất ngờ khi tìm hiểu nguyên nhân học sinh có thói quen xả rác bừa bãi trong nhà trường.

Tiếng kẻng nhặt rác: không chỉ là trách nhiệm của cô lao công - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cùng dọn rác với các cô chú làm tạp vụ của trường - Ảnh: H.NH.

Một điều băn khoăn của thầy trò chúng tôi là dù rác đã được phân loại nhưng xe rác của công ty môi trường đô thị khi thu gom vẫn đưa chung vào xe và đổ ra bãi.

Rác trong trường là giấy loại, viết, sách báo cũ, tranh ảnh, túi, hộp đựng thức ăn thức uống bằng nhựa… Mặc dù trường đã nhắc nhở thường xuyên đây đó ở các hộc bàn, góc tường, chân cầu thang và cả ở nhà vệ sinh vẫn đầy rác. 

Học sinh hai buổi sáng - chiều học chung một phòng thay nhau phản ảnh việc lớp bạn xả rác quá nhiều, khiến nhà trường rất đau đầu trong phân xử.

Dọn rác là việc của cô lao công?

Khi đến nhà học sinh, thầy cô chủ nhiệm ngạc nhiên khi thấy dù gia cảnh một số em còn khó khăn nhưng gia đình có sự ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ. Nhà em nào cũng có dụng cụ làm vệ sinh, có xô, chậu đựng rác sinh hoạt. Nhà vệ sinh của gia đình cũng khá sạch sẽ với nước, xà phòng đầy đủ. Nhiều em biết giúp cha mẹ lau dọn nhà cửa và biết bỏ rác đúng nơi.

Khi thầy cô làm những cuộc phỏng vấn nhỏ về hành vi giữ vệ sinh tại nhà thì tất cả các em đều thể hiện hiểu biết tốt về giữ vệ sinh cá nhân và môi trường. Tất cả đều chung nhận thức phải giữ nhà cửa sạch sẽ để giữ gìn sức khỏe cả nhà. Bên cạnh đó là để không bị cha mẹ la mắng, trách phạt vì đã xả rác bừa bãi, không giữ vệ sinh chung. 

Nhưng vì sao ở nhà thì sạch còn vào trường lại làm mất vệ sinh, làm cảnh quan lớp, trường xấu đi? Các em đều có chung câu trả lời: gần nghìn học sinh mỗi buổi học, nếu có vi phạm, khó mà bị phát hiện. Rồi bạn bè xung quanh vô tư xả rác, bản thân có làm tốt cũng chẳng ai khen.

Nhiều em còn cho rằng dọn dẹp vệ sinh trong trường là trách nhiệm của các cô lao công. Trong khi đó, các nhân viên tạp vụ không ít lần phàn nàn về thái độ, hành vi của học sinh như: xả rác tùy tiện, ra về nhưng bỏ mặc thùng rác của lớp đầy tràn cả ra ngoài, từ lớp học quăng rác qua cửa sổ ra hành lang… Có học sinh còn thản nhiên bỏ rác ngay trên lối đi chung trong trường.

Trường học - ngôi nhà thứ hai

Rồi nhà trường đặt mục tiêu giáo dục vệ sinh môi trường cho các em. Thầy cô chủ nhiệm các lớp đưa nội dung này vào các buổi sinh hoạt lớp, cho học sinh nêu ý kiến, trao đổi, đánh giá về môi trường giáo dục, vấn đề bỏ rác đúng nơi quy định. Khi học sinh hiểu giữ lớp sạch đẹp là "danh dự" của lớp mình thì mọi chuyện khác hẳn.

Sáng kiến có tên là "Tiếng kẻng nhặt rác" ra đời. Theo đó, ngoài việc các tổ trực nhật làm vệ sinh lớp vào đầu và cuối mỗi buổi học, học sinh có 5 phút để thu dọn rác ngay tại lớp mình, đổ vào thùng rác chung ở các dãy lớp. Tuyệt đối không để rác trong hộc bàn. 

Thầy cô dạy tiết 1 và tiết 5 mỗi buổi có nhiệm vụ nhắc nhở và kiểm tra việc làm này của học sinh. Khi cần thiết, thầy cô ghi nhận vào sổ hoạt động của lớp. Nhà trường biểu dương các cá nhân, tập thể lớp giữ vệ sinh tốt. Các cá nhân vi phạm được nhắc nhở sửa đổi.

Nhà trường mua các thùng rác có hình dạng các con vật, đẹp, có màu sắc kèm dòng chữ "Hãy cho tôi rác" thay vì "Bỏ rác vào đây". Trước đây tất cả bỏ chung một thùng, nay cứ mỗi dãy lớp được đặt hai thùng rác. Một thùng bỏ rác là giấy và chế phẩm từ giấy, thùng thứ hai để chứa rác là túi nhựa, hộp có vỏ kim loại… 

Nhờ vậy, việc thu dọn của nhân viên tạp vụ nhanh hơn, sạch sẽ, an toàn hơn. Các buổi nói chuyện, các cuộc thi vẽ tranh tìm hiểu môi trường… được tổ chức. Các lớp trao đổi về gợi ý: nếu tình trạng xả rác tràn lan xảy ra, trường lớp ta sẽ như thế nào?

Trước đây, nếu thấy rác, có thầy cô ngó lơ hay chỉ yêu cầu tổ trực nhật dọn dẹp lại cho sạch thì nay các thầy cô chủ động nhặt lấy cho vào thùng rác rồi mới nhắc nhở các em sau. Vì vậy khi tan buổi sinh hoạt dưới cờ, trước khi vào lớp, các em nhặt hết giấy, chai nước bỏ vào thùng rác, sân trường sạch sẽ vô cùng.

Từ đó mỗi thầy cô đều hiểu rằng giáo dục nâng cao ý thức học sinh trong việc bỏ rác đúng nơi quy định để đạt hiệu quả cao nhất chính là sự nêu gương của thầy cô. Không dừng lại ở việc hô hào chung chung, thầy cô trường tôi bằng việc làm cụ thể đã làm thay đổi môi trường giáo dục của mình. 

Các em biết tiết kiệm điện, nước, hạn chế sử dụng túi nhựa, biết phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định. Các học sinh vi phạm nội quy sẽ tham gia chăm sóc cây xanh, cùng nhân viên tạp vụ nhặt rác trong sân trường.

Ý thức trường lớp là ngôi nhà thứ hai của mình, các em từ thay đổi nhận thức đến thay đổi trong hành vi. Giờ đây học sinh trường tôi đã có sáng kiến làm xe thu gom rác có hai ngăn để các bạn phân loại khi bỏ rác vào. Nhiều trường bạn đến học cách làm của trường chúng tôi…

Nên có thùng chứa rác đã phân loại

Hầu như tại các trường tiểu học ở Củ Chi (TP.HCM) nhiều năm nay hiệu trưởng nhà trường đều có chú ý nhắc nhở giáo viên giáo dục môi trường cho học sinh thông qua việc lồng ghép dạy trong tiết sinh hoạt ngoại khóa, dạy môn đạo đức và các buổi sinh hoạt dưới cờ.

Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở học sinh để hình thành cho các em thói quen biết giữ vệ sinh chung bằng việc làm cụ thể như không xả rác bừa bãi, biết bỏ rác vào thùng có nắp đậy.

Nhiều trường treo khẩu hiệu trong khuôn viên sân trường: "Mắt thấy rác - tay nhặt liền", "Bỏ rác đúng chỗ - trường lớp sạch sẽ", hay thực hiện "Một phút làm đẹp sân trường" khi dự lễ chào cờ xong trước khi vào lớp các em dọn sạch rác nơi mình ngồi…

Để học sinh thực hiện tốt việc bỏ rác đúng nơi quy định, ban giám hiệu nhà trường trang bị cho mỗi lớp một thùng đựng rác có nắp đậy được đặt ngoài hành lang lớp học.

Trong khuôn viên trường cũng bố trí nhiều thùng rác để các em dễ nhìn thấy và sử dụng khi cần… Nhà trường cũng giáo dục học sinh biết cách phân loại rác trước khi bỏ vào thùng.

Tập cho học sinh biết phân biệt thế nào là rác sinh hoạt, rác tái chế và rác độc hại thì dễ, giáo viên giải thích hay cho xem tranh minh họa thì học sinh biết ngay.

Tuy nhiên, có trường học chỉ trang bị duy nhất một thùng rác có nắp đậy nên dù học sinh có phân loại rác thì cuối cùng rác cũng được các em bỏ vào chung một thùng mà thôi.

TRẦN VĂN TÁM (Củ Chi, TP.HCM)

Chúng ta đang thỏa hiệp với nạn xả rác? Chúng ta đang thỏa hiệp với nạn xả rác?

TTO - Rác rến từ thành thị đến nông thôn, miền cao về đồng bằng, ra tận miền biển. Các điểm du lịch mới, những cung đường trekking dù xa xôi cách trở cũng nhanh chóng bị ô nhiễm bởi rác thải theo chân du khách. Rác đáng sợ nhất là rác từ ý thức.

NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên