02/10/2018 09:25 GMT+7

Chúng ta đang thỏa hiệp với nạn xả rác?

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TTO - Rác rến từ thành thị đến nông thôn, miền cao về đồng bằng, ra tận miền biển. Các điểm du lịch mới, những cung đường trekking dù xa xôi cách trở cũng nhanh chóng bị ô nhiễm bởi rác thải theo chân du khách. Rác đáng sợ nhất là rác từ ý thức.

Chúng ta đang thỏa hiệp với nạn xả rác? - Ảnh 1.

Người dân vứt rác ngay ven đường Trường Sa (P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), bất chấp biển cấm - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc về vấn đề này.

* Bạn đọc CHUNG THANH HUY (KDC Nam Long, P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM):

Chúng ta đang thỏa hiệp với nạn xả rác? - Ảnh 2.

Môi trường nhếch nhác vì rác

Ở thành thị, một bãi đất trống cũng có thể biến thành một bãi rác mới bất cứ lúc nào. Rác sinh hoạt, rác xây dựng hoặc rác từ đồ nội thất... Hôm nay một mớ rác, ngày sau có thể thành đống rác, một người vứt bừa và nhiều người làm theo. 

Ở nông thôn, người dân có thói quen vứt bừa bãi đủ loại chai lọ thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật ra đường sau khi sử dụng. Người sống ven kênh rạch đổ thẳng rác rến, chất thải xuống sông.

Trong khi đó, phần lớn các xã đảo vẫn chưa có hệ thống xử lý rác và nước thải đúng nghĩa nên không hiếm những bãi tắm cạnh ngay miệng cống xả đen ngòm, tanh tưởi. Rác thải thì dập dềnh quanh bờ biển theo thủy triều lên xuống. 

Các điểm du lịch mới, những cung đường trekking dù xa xôi cách trở cũng nhanh chóng bị ô nhiễm bởi rác thải theo bước chân du khách.

Có nhiều nguyên nhân khiến môi trường sống của chúng ta nhếch nhác vì rác. Trước hết, phải thẳng thắn nhìn nhận là do thói quen xả rác bừa bãi, chỉ cần biết sạch chỗ mình. Việc phân loại rác tại nguồn đã không được thực hiện triệt để. 

Điều 82 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định về việc phân loại rác. Một chủ trương đúng nhưng chưa được triển khai đồng bộ. Tuy nhiên trong thực tế thiếu sự kiểm tra, đôn đốc của những người có trách nhiệm.

Lượng rác thải hằng năm tăng theo cấp số nhân, vượt quá năng lực xử lý của ngành vệ sinh đô thị. 

Như thông tin ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, từng chia sẻ trên báo chí: TP.HCM bình quân mỗi ngày thải ra 10.334 tấn rác, nhưng số rác thu gom và xử lý dao động ở con số 8.000-8.500 tấn. 

Hàng loạt dự án xử lý rác thành khí gas, điện, nhiệt, sản xuất vật liệu tái chế, vật liệu xây dựng... nhưng mấy chục năm đã trôi qua, gần như biện pháp xử lý rác không có gì thay đổi, hiện vẫn chỉ chôn lấp rồi xịt thuốc khử trùng (?!).

Hành vi vứt rác không đúng nơi quy định có thể bị xử phạt theo điều 20 nghị định 155/2016/NĐ-CP với mức cao nhất từ 5-7 triệu đồng. 

Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều trường hợp bị xử phạt đến nơi đến chốn, từ đó nảy sinh tâm lý xem thường nơi người vi phạm. Đã bao giờ chúng ta tự hỏi: mình đã quen sống chung với ô nhiễm rác? 

Có thể chúng ta không vứt rác bừa bãi, không đổ trộm sang nhà hàng xóm nhưng lại ngại không lên tiếng với hành vi sai trái của người khác vì sợ đụng chạm? Hoặc ngồi ăn ngay lề đường và vứt rác trên vỉa hè, ngay trên miệng cống rãnh? 

Thực tế đáng buồn: số đông trong chúng ta trở nên thỏa hiệp với thói quen xả rác bừa bãi, hành động theo đám đông.

* Bạn đọc THÁI HOÀNG (Biên Hòa, Đồng Nai):

Chúng ta đang thỏa hiệp với nạn xả rác? - Ảnh 3.

Rác từ đâu mà ra?

Nếu có câu hỏi: Rác từ đâu mà có, rác từ đâu mà ra, rác đâu mà nhiều thế...? Tôi xin trả lời rằng, rác từ ý thức "trong đầu" mà ra. Cần thẳng thắn thừa nhận rác ở muôn nơi do con người kém văn minh.

Ngay từ trong nhà mình, rác đã được tiện tay vứt lung tung, tiện đâu vứt đó để đến khi nào quét nhà, lau nhà gom một lúc. "Xả rác" bắt đầu từ trong nhà mình. Nếu trẻ em vứt lung tung, người lớn có thể giáo dục, làm gương cho con trẻ thay đổi. 

Thế nhưng, rất nhiều trường hợp con trẻ mới thực sự là tấm gương cho người lớn và người lớn lại là "tấm gương xấu" cho con trẻ. 

Ở trường, con trẻ được học bài học về bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định. Về nhà lại thấy ông bà, cha mẹ, người lớn xung quanh dễ dàng bỏ rác không đúng nơi.

Hàng xóm với nhau nhưng có những người vì muốn đẹp nhà mình mà dễ dàng hất rác sang trước cửa nhà bên. Ở các khu công nghiệp, công nhân ăn sáng trước cổng công ty, thùng rác chỉ cách cổng dăm bước chân nhưng nhiều người chưa có thói quen bỏ rác vào. 

Họ vô tư xả rác ngay bên cạnh thùng rác. Ở công viên, đường phố... cũng thường thấy chuyện đụng đâu bỏ đó. Ở quán ăn, nhiều nơi có sẵn thùng rác dưới mỗi bàn nhưng rác cứ nằm từ mặt bàn xuống mặt đất, lung tung dưới nền. 

Ở các ngã ba, ngã tư nhan nhản rác bay tứ tung cũng từ ý thức kém của người nhận tờ rơi rồi vứt ngay tại chỗ. Tàn thuốc, ly nhựa, chai nước cứ dùng xong rồi sẵn tay vứt khắp đường. 

Sao họ làm vậy? Đơn giản vì ỷ lại: sẽ có người dọn. Nếu không ai dọn cũng kệ. Thành ra dơ bẩn vì rác phải chung chịu.

Thực tế cho thấy người xả rác không phân biệt đối tượng nào, già, trẻ, gái, trai, học vấn cao thấp, giàu nghèo... Những cô gái môi son má hồng xả rác. Những chàng trai ăn mặc rất lịch sự cũng xả rác. Những người ngồi trong những chiếc xe hơi sang trọng cũng tiện tay thì xả rác. 

Chuyện "ứng xử" với rác chỉ phân biệt con người có ý thức tốt và ý thức kém. Bởi vậy, rác từ đâu mà có? Xin thưa, rác từ... ý thức, từ trong đầu mà ra. Chuyện đơn giản là bỏ rác đúng chỗ vẫn còn "rất khó" đối với nhiều người.

Câu chuyện văn minh bắt đầu từ việc nhỏ: không xả rác bừa bãi. Cần xử phạt nặng đối với những con người sống chỉ biết lợi ích cá nhân, họ đang làm cho cảnh quan môi trường xấu đi mỗi ngày. Có phạt nặng thì mới xây dựng nếp sống văn minh hơn.

Đau đầu với nạn xả rác vào cống thoát nước Đau đầu với nạn xả rác vào cống thoát nước

TTO - Bao nilông, chai nhựa, thậm chí bàn ghế, gối cũ... cũng dồn xuống cống. Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM đã phải "cầu cứu" các cơ quan ban ngành trước tình trạng xả rác bừa bãi tại 175 tuyến đường.

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên