01/11/2018 11:06 GMT+7

'Lấy rác nuôi rác': bao giờ?

NGUYỄN VĂN HÙNG
NGUYỄN VĂN HÙNG

TTO - LTS: Bài viết này, bạn đọc Nguyễn Văn Hùng chia sẻ thực tế những góp ý về chuyện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở TP.HCM.

Lấy rác nuôi rác: bao giờ? - Ảnh 1.

Mặc dù có thùng rác ngay bên cạnh nhưng người dân vẫn xả rác xuống dưới cống - Ảnh: GIA TIẾN

Rác trong khu dân cư đã được thu gom hết chưa? Thu phí thu gom rác hiện nay đã hợp lý chưa? Xe vận chuyển rác cũ kỹ, lạc hậu gây phiền toái, khó chịu như thế nào? Và xử lý rác như thế nào để có thể có nguồn thu từ rác thải để "lấy rác nuôi rác"?

Cần có khen, thưởng cho những hộ dân, doanh nghiệp tự giác phân loại rác tại nguồn; xúc tiến sử dụng đại trà túi đựng hàng hóa, thực phẩm... tự phân hủy, cung cấp túi đựng rác có màu sắc riêng với từng loại rác

Những mảnh ghép không đẹp

Vào đầu những năm 2010, ở khu phố tôi, tổ thu gom rác dân lập đã thu gom rác bằng xe tải nhỏ. Việc này được bà con dân phố ủng hộ, khen ngợi. Vài năm sau, mọi thứ trở về như trước: lại sử dụng xe ba gác, treo lủng lẳng bao tải xung quanh xe, xấu xí, bốc mùi hôi nồng nặc và nhiều khi rác rơi dọc đường.

TP.HCM là địa phương đầu tiên nhập xe quét đường của nước ngoài, nhưng những xe hiện đại ấy giờ ở đâu không rõ. Nhiều lần qua cầu Kiệu, tôi thấy từng đống rác bên thành cầu rất phản cảm, mất vệ sinh. Khu liên hiệp xử lý rác Đa Phước lớn nhất nước vẫn đang làm khổ người dân cả vùng Nam Sài Gòn bởi mùi hôi "chịu hết nổi"! Trạm bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh từng không ít lần vô hiệu vì rác bít nghẹt cống, hố ga...

Những mảnh ghép trong bức tranh không đẹp về thực tế xả rác, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của TP.HCM. Khối lượng rác thải lớn, tăng nhanh nhưng chưa được phân loại, một tỉ lệ không nhỏ bị đổ thải bừa bãi; hình thức và công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý lạc hậu (chôn lấp là chính) gây ô nhiễm môi trường. Dù không thiếu quy định pháp luật nhưng việc chế tài vi phạm trong lĩnh vực rác thải chưa nghiêm minh.

TP Hà Nội đang thay thế phương tiện thu gom rác văn minh hơn, mở rộng sử dụng xe quét đường hiện đại, đã khởi công nhà máy điện rác 4.000 tấn rác/ngày tại Sóc Sơn... Chúng tôi mong TP.HCM đẩy nhanh việc cải tiến thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Chế tài là giải pháp cốt lõi

Thiết nghĩ: các giải pháp khắc phục vấn nạn rác thải ở các đô thị lớn cần phải "tấn công" vào chính những hạn chế, điểm yếu đang tồn tại.

Thứ nhất, để khắc phục tình trạng vô tư quăng rác xuống đường, đổ xuống kênh rạch, hố ga... cần có thêm nhiều thùng rác công cộng. Những thùng rác này chưa cần hiện đại, đắt tiền đến mức có cả sạc điện thoại (như từng được thử nghiệm), chỉ cần đủ số lượng, đúng chỗ và chăm chút sạch sẽ. Mặt khác, cần thay đổi phương thức và mức thu phí rác thải áp dụng với hộ dân, doanh nghiệp... theo hướng không cào bằng như hiện nay. Có thể tính theo nhân khẩu/hộ và lượng rác thải/đơn vị.

Thứ hai, cần khẩn trương chuyển đổi toàn bộ phương tiện thu gom rác dân lập từ xe ba bánh lạc hậu sang xe bốn bánh chuyên dụng, không phát tán mùi hôi. Để dứt khoát "chia tay" với gần 900 xe ba gác chở rác cũ loại này, TP cần thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính, thuế... cho cơ sở sản xuất xe rác chuyên dùng và đơn vị thu gom rác dân lập.

Thứ ba, có thể dùng ngân sách đầu tư "mồi" để khuyến khích vốn xã hội hóa vào giải pháp kỹ thuật công nghệ phục vụ xử lý rác thải chạy nhà máy điện, làm phân bón, sản xuất vật liệu xây dựng không nung... Với gần 10.000 tấn rác thải mỗi ngày, nếu 50% được tái chế, làm nguyên - nhiên liệu sản xuất chắc chắn sẽ mang lại nguồn thu rất lớn, "lấy rác nuôi rác", giải được cả bài toán ngân sách của đô thị.

Thứ tư, kinh nghiệm, bài học của các đô thị hình mẫu xanh - sạch - đẹp trên thế giới, điển hình là Singapore, cho thấy: giải pháp cốt lõi nhất trong vấn đề rác thải là phải thực hiện chế tài thật nghiêm minh. Vấn đề của chúng ta: không thiếu quy định, quy tắc, lực lượng chức năng mà là thiếu cương quyết. Cứ ra khỏi nhà là có thể gặp hành vi vi phạm về rác thải nhưng chúng ta chưa thấy trường hợp nào bị xử phạt.

Hàng ngàn camera giám sát trên đường phố, ngõ hẻm... cũng có thể cung cấp bằng chứng vi phạm. "Điểm nghẽn" chính là trách nhiệm xử lý thuộc về ai và đã có ai làm nghiêm, làm thường xuyên? TP đã quy định nghiêm cấm phát tờ rơi quảng cáo tại giao lộ nhưng CSGT đứng đó, người của cơ quan chức năng đi qua cũng làm ngơ, vậy ai sẽ là người thực thi chế tài này? Thay vì lại đặt câu hỏi: "Ai chế tài? Chế tài thế nào?", chỉ cần siết lại kỷ cương thực thi công vụ, giao trách nhiệm cụ thể... thay vì cứ chung chung như những năm qua.

Cần đẩy mạnh việc vận động toàn xã hội cùng vào cuộc trong "cuộc chiến" chống thải, đổ rác bừa bãi. Kinh nghiệm nhiều nơi, khi các đoàn thể, ban điều hành khu phố xóm ấp phát động từng hộ dân, doanh nghiệp, thanh niên... phối hợp nhau cùng dọn rác địa phương mình, từ đó rác giảm hẳn. Làm nhiều, thường xuyên là cách tốt để thay đổi nhận thức hành vi cộng đồng.
Lấy rác nuôi rác: bao giờ? - Ảnh 4.
NGUYỄN VĂN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên