06/11/2018 11:56 GMT+7

Nói không với xả rác: 5 giải pháp cho thực trạng 'bạ đâu xả đó'

NGUYỄN ĐƯỚC
NGUYỄN ĐƯỚC

TTO - Nạn "bạ đâu xả đó", ý chỉ việc vứt, xả rác bừa bãi, không đúng nơi đúng chỗ trong sinh hoạt hằng ngày hiện đã trở thành căn bệnh mãn tính "khó chữa" của không ít người.

Nói không với xả rác: 5 giải pháp cho thực trạng bạ đâu xả đó - Ảnh 1.

Mặc dù có thùng rác trong công viên nhưng người dân vẫn vô tư xả rác ra bãi cỏ - Ảnh: GIA TIẾN

Thích đâu xả đó

Rõ nhất là nhiều người vừa đi xe máy vừa hút thuốc rồi thản nhiên vứt tàn thuốc xuống đường. Hay như tại một điểm dò vé số trên đường, vào mỗi buổi chiều tới giờ sổ số, hàng chục người đứng dò vé xong cuộn cuộn trong tay vứt xuống đường... Đó là những thói quen vứt xả rác bừa bãi mà tôi thường xuyên bắt gặp ngay trên đường. 

Vào một quán ăn dù lịch sự hay quán cóc vỉa hè, nếu quan sát có thể thấy dưới mỗi bàn ăn đều có những cái giỏ nhựa nhỏ để người ăn uống bỏ giấy lau miệng...vào giỏ.

Thế nhưng, do thói quen "bạ đâu vứt đó" nên dù có giỏ nhựa đựng rác nhưng ít người bỏ rác đúng nơi đúng chổ. Rác vẫn bị vứt ngay dưới sàn nhà, dưới lòng đường... Thậm chí tại các nắp cống, các điểm chờ xe buýt hay các gốc cây xanh từ bao lâu nay cũng đã trở thành "địa chỉ" tập kết rác của rất nhiều người, nhiều hộ gia đình.

Giải pháp nào?

Thực tế hiện nay ở nước ta, các hành vi vứt xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống... luật pháp cũng đã điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, trong đó nhiều hành vi vứt xả rác bừa bãi, làm ô nhiễm môi trường mức xử phạt hành chính đã được điều chỉnh tăng lên gấp nhiều lần (theo Nghị định 155) thế nhưng nạn "bạ đâu vứt đó" vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên đường, trong các hẻm phố.

Thiết nghĩ, để hạn chế và có biện pháp căn cơ ngăn ngừa đối với các hành vi vứt xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống như hiện nay theo tôi cần có 5 giải pháp căn cơ:

1. Cần sửa đổi, bổ sung những bất cập của pháp luật, trong đó cần hợp thức hóa việc xử phạt các hành vi vứt xả rác bừa bãi qua camera. Tại các nơi công cộng, trong các con hẻm của khu phố, nhất là tại các điểm nổi trội, phức tạp về môi trường như tại các cổng bệnh viện, nhà ga, bến xe, trạm chờ xe buýt... cần gắn camera nhằm để ghi lại các hình ảnh làm bằng chứng, căn cứ để xử phạt nghiêm các hành vi vứt xả rác bừa bãi.

Bên cạnh đó tại các điểm này cần tiếp tục có các biện pháp tuyên truyền sâu rộng hơn nữa như cần có các băngrôn, panô, ápphích tuyên truyền ghi rõ cụ thể các điều luật cũng như các mức xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vứt xả rác nơi công cộng để tăng thêm tính tự giác, ý thức công cộng và nhằm mang tính răn đe.   

2. Ngoài biện pháp xử phạt hành chính nghiêm cần thực hiện biện pháp phạt lao động công ích được xem là chế tài phạt bổ sung đối với các hành vi lén lút vứt xả rác bừa bãi, hành vi gây ô nhiễm môi trường sống tại nơi công cộng, tai khu dân cư.

 Hiện một số nước (như Singapore) cũng đã có chế tài là hình thức xử phạt lao động công ích rất phổ biến và thường là mang lại hiệu quả cũng như tính răn đe rất cao trong công tác xử lý vi phạm cũng như bảo vệ môi trường sống.  

3. Cần thành lập một lực lượng nhanh mang tính "chuyên trách" và được giao nhiệm vụ chuyên đi kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vứt xả rác bừa bãi trên đường phố, gây ô nhiễm môi trường sống như một số quốc gia đã áp dụng.

Đương nhiên để giảm gánh nặng tiền lương chi trả từ ngân sách cho lực lượng này, khoản tiền nộp vi phạm hành chính của các đối tượng sẽ là nguồn để chi trả tiền lương cho đội ngũ chuyên trách này.

4. Đối với các hành vi vứt xả rác bừa bãi vào môi trường sống có tính chất nghiêm trọng, khó khắc phục được hậu quả như làm ô nhiễm nguồn nước, để lại hậu quả lâu dài về môi trường sống cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự để ngăn ngừa và mang tính răn đe chung

5. Cùng nhau lên tiếng, nhắc nhở, thậm chí là phê phán đối với các tệ nạn, hành vi "bạ đâu vứt đó", hành vi xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống của một số người kém ý thức.

Tôi tin, nếu nhiều người cùng nhau lên tiếng, cùng nhau góp ý thì sẽ dần dần nâng cao ý thức sống trong cộng đồng, từ đó sẽ hình thành nên thói quen, lối sống văn minh, tốt đẹp hơn, nạn "bạ đâu vứt đó" của nhiều người sẽ dần thay đổi và chấm dứt.

Nói không với xả rác: 5 giải pháp cho thực trạng bạ đâu xả đó - Ảnh 2.
NGUYỄN ĐƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên